Mới đây, nhiều diễn đàn quân sự đã đăng tải clip và hình ảnh xe tăng T-90A của Quân đội Syria trúng tên lửa chống tăng có điều khiển TOW-2A tại chiến trường Aleppo. Đây là lần đầu tiên trong hàng chục năm qua, vũ khí chống tăng hiện đại của phương Tây đối đầu dòng xe tăng chiến đấu chủ lực hiện đại hàng đầu của Nga. Kết quả của vụ tấn công đã rõ, nhưng vấn đề này cũng dấy lên làn sóng tranh luận: Xe tăng T-90 với công nghệ giáp, hệ thống gây nhiễu hiện đại liệu có sống sót trước vũ khí chống tăng, cụ thể là tên lửa chống tăng hiện đại hay không?
Trong clip được phe đối lập ở Syria công bố ngày 26/2, một xe tăng T-90A do kíp lái người Syria điều khiển đã “vô tình” nằm trong tầm hỏa lực của tổ săn tăng TOW-2A tại chiến trường Aleppo. Đương nhiên, chiếc xe tăng này trở thành “mồi ngon” của tổ săn tăng trên. Vụ tấn công diễn ra đúng kịch bản “trong mơ” của các tay súng phe đối lập, đạn tên lửa được dẫn đường tốt, hệ thống gây nhiễu Shtora-1 trên xe tăng T-90A “vô tình” không hoạt động” và tên lửa đánh trúng mục tiêu. Thế nhưng, không giống các xe tăng T-72AV/MV trúng đạn trước đó của Quân đội Syria bùng cháy như một ngọn đuốc, xe tăng T-90A vẫn sống sót và lùi khỏi tầm hỏa lực bắn thẳng của đối phương.
Dù clip của phe đối lập ở Syria bị cắt xén không miêu tả cảnh xe tăng T-90A trúng đạn có bị tiêu diệt hay không. Tuy nhiên, căn cứ vào các hiện tượng như: Không có khói trắng bốc ra từ nòng pháo chính (hiện tượng cháy đạn trong xe, pháo chính gục xuống (hệ thống điều khiển pháo hoạt động bình thường và đặc biệt là việc xạ thủ có thể bị ngạt khói hoặc choáng do đạn tên lửa phóng tới phát nổ vẫn thoát ly khỏi xe an toàn…, có thể khẳng định chắc chắn, chiếc T-90A trên có thể bị hư hại do trúng đạn, nhưng không bị phá hủy.
Sau khi các hình ảnh về vụ tấn công được công khai, giới chuyên gia quân sự quốc tế đã đánh giá cao khả năng sống sót của xe tăng T-90 khi bị trúng đạn, nhưng cũng hoài nghi về hệ thống gây nhiễu trên dòng xe tăng hiện đại này liệu có hiệu quả như lời quảng cáo.
Xe tăng T-90A được phía Nga cung cấp cho Quân đội Syria.
Thực sự T-90 có thể sống sót trước TOW-2A?
Theo thông số kỹ-chiến thuật được công khai, tên lửa chống tăng có điều khiển TOW-2A được giới thiệu năm 1987. Tổ hợp tên lửa chống tăng của Mỹ này sử dụng đạn tên lửa có khả năng xuyên thủng giáp thép đồng nhất (RHA) 900mm. Trong khi đó, xe tăng T-90A của Quân đội Syria là phiên bản 1992 (sử dụng tháp pháo đúc). Ở các vị trí bán cầu trước tháp pháo, mặt trước thân xe, giáp gốm compusite kết hợp với giáp phản ứng nổ Kontakt-5 cung cấp khả năng bảo vệ trước các dòng đạn chống tăng sử dụng hiệu ứng nổ lõm tới trên 1.000mm.
Trong vụ tấn công trên, đạn tên lửa TOW-2A đã đánh trúng vào bán cầu trước của tháp pháo xe tăng T-90A, một trong những vị trí giáp dày, được bảo vệ tốt nhất trên xe. Điều đó cũng giúp lý giải xe tăng T-90A của Quân đội Syria sống sót sau vụ tấn công.
Tuy nhiên, xe tăng T-90A ngoài các vị trí được bảo vệ trên, còn rất nhiều yếu điểm khác như: Hai bên thân xe, đuôi xe, phía sau tháp pháo… đều được bọc giáp mỏng. Nếu bị trúng tên lửa TOW-2A vào các vị trí này, số phận của xe tăng T-90A có thể sẽ không khác các xe tăng T-72AV/MV của Quân đội Syria từng bị tên lửa TOW-2A bắn hạ.
Mặt khác, vụ việc trên cũng tiếp tục bộc lộ các điểm yếu trong chiến thuật sử dụng xe tăng của Quân đội Syria. Chiếc T-90A bị tấn công chiến đấu không hề có bộ binh tùng thiết, đặc biệt là tại Aleppo, nơi phe đối lập có rất nhiều tổ săn tăng sử dụng tên lửa TOW-2A. Ngoài ra, xe tăng cũng chọn vị trí chiến đấu dễ bị quan sát và tấn công bằng hỏa lực bắn thẳng. Nếu điều này còn tiếp diễn, xe tăng T-90A của Quân đội Syria có thể không gặp được may mắn như lần đụng độ đầu tiên với tên lửa TOW-2A nói trên.