Ngày 13/2, Công an quận Hoàng Mai cho biết, Đội Cảnh sát môi trường ra quyết định xử phạt hành chính đối với 3 lái xe taxi vì hành vi đi tiểu tiện không đúng nơi quy định với mức 2 triệu đồng/người. Trước đó, sáng 10/2, Đội Cảnh sát môi trường phát hiện 3 trường hợp có hành vi vệ sinh cá nhân (tiểu tiện) không đúng nơi quy định tại khu vực ven đường Trần Thủ Độ, phường Hoàng Liệt, Hoàng Mai. Các trinh sát hóa trang đã ghi lại toàn bộ hành vi tiểu tiện ngoài đường của 3 thanh niên này, báo cho lực lượng công khai và Công an phường Hoàng Liệt đến xử lý.
Đây là những trường hợp hiếm hoi đầu tiên ở Hà Nội bị xử phạt sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 155. Nghị định có hiệu lực từ ngày 1/2/2017. Theo đó, người tiểu bậy sẽ bị phạt từ 1 - 3 triệu đồng. Vứt, thải rác thải sinh hoạt trên vỉa hè, đường phố, vào hệ thống thoát nước thải đô thị hoặc vào hệ thống thoát nước mặt trong khu đô thị, phạt từ 5 - 7 triệu đồng, tăng 10 lần so với trước đây.
Việc xử phạt 3 tài xế taxi tè bậy đã khiến cánh lái xe lo lắng. Anh Đỗ Mạnh Hùng, lái xe hãng taxi Thành Công nói: Chúng tôi cũng rất muốn đi vệ sinh đúng nơi quy định nhưng ở Hà Nội quá thiếu nhà vệ sinh công cộng (VSCC). Ngay như 2 hôm trước, tôi vào thử 2 nhà VSCC trên phố Trần Đại Nghĩa nhưng cả 2 đều khoá cửa. Chưa kể, việc đỗ xe rất bất tiện, vừa đi vệ sinh vừa thấp thỏm lo đỗ xe sai quy định.
Ghi nhận tại các tuyến phố: Tây Sơn, Nguyễn Lương Bằng (quận Đống Đa), Bạch Đằng, Trần Khát Chân (quận Hai Bà Trưng)… cứ cách vài chục mét lại có một bãi tập kết rác. Có bãi tập kết xuống cả lòng đường, cản trở giao thông nhưng người dân vẫn vô tư vứt rác tại đây.
Ngay trên tuyến đường gốm sứ (Trần Nhật Duật - Yên Phụ), chỉ hơn 3km nhưng nơi đây xuất hiện hàng chục điểm tè bậy. Mùi khai bốc lên ai đi qua cũng rất khó chịu. Trên đoạn đường này có một điểm dừng chờ xe buýt, mặc dù đã được bố trí tới 2 nhà VSCC gần đó nhưng hiện tượng tè bậy vẫn rất phổ biến. Anh Tình, lái xe buýt số 04 nói: Đúng là ở đây có nhà VSCC thật, nhưng nhà vệ sinh hôi thối quá, lại phải trả tiền.
Bà Cung Thị Khán Ngân, 54 tuổi, công nhân Hợp tác xã Thành Công - đơn vị thu gom rác thải trên địa bàn phường Kim Giang, quận Thanh Xuân cho rằng: Ý thức người dân còn kém, họ vứt rác bừa bãi ra đường. Chúng tôi phải thu gom rất vất vả. Sau khi tăng mức xử phạt, ý thức người dân vẫn vậy, không có chuyển biến gì tích cực. “Đồ gì cũng vứt ra, từ bỉm trẻ em, người già đến thức ăn thừa, rác thải sinh hoạt… Nhiều khi rất ức chế vì người dân coi thường mình”, bà Ngân nói.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Chủ tịch UBND phường Trung Trực, quận Ba Đình cho biết, rất khó để xử phạt hành vi xả rác, tiểu tiện bừa bãi. Ông Nghĩa dẫn chứng từ phường của mình, tổ kiểm tra gồm một nữ phó chủ tịch phường, một nữ cán bộ văn hoá cùng đội trật tự có nhiều người lớn tuổi. “Bảo đi rình người ta tiểu bậy để phạt thì khó lắm”, ông Nghĩa nói. Với việc đổ rác sai quy định, ông Nghĩa cho rằng, việc thiếu xe thu gom rác, gom rác không đúng giờ khiến người dân bị đổ rác ra đường nhiều hơn. Cần phải tăng cường xe thu gom rác, thu rác đúng giờ, như vậy mới tạo được thói quen cho người dân.
TS Trương Quang Đạt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Môi trường đô thị và KCN Việt Nam cho rằng: Để cải thiện môi trường đô thị, cần làm nhiều biện pháp đồng bộ lâu dài. Trong đó, cơ quan chức năng phải có trách nhiệm bố trí đủ thùng rác, nhà VSCC. Nếu có đầy đủ mà vẫn xả rác, tiểu bậy thì phải phạt nặng. Còn nếu chưa đáp ứng được điều đó thì phải công bằng với cộng đồng.
Thiếu phương tiện xử lý người tiểu bậy
Ngày 14/2, trao đổi với phóng viên, đại tá Nguyễn Hồng Thái - Trưởng Công an quận Hoàng Mai (Hà Nội) cho biết, hiện việc xử lý người có hành vi tiểu tiện không đúng nơi quy định do UBND các phường, Cảnh sát, Thanh tra chuyên ngành phòng tài nguyên môi trường quận,… đảm nhiệm. Việc xử lý hành vi vi phạm sẽ được tiến hành thường xuyên, cùng với đó là công tác tuyên truyền đến người dân, nếu cố tình vi phạm sẽ kiên quyết xử lý thật nghiêm.
Theo đại tá Thái, việc xử lý vi phạm còn gặp nhiều bất cập như đối với trẻ nhỏ phải yêu cầu bố mẹ nộp phạt thay hay những người nghèo không đủ khả năng nộp phạt ngay, không có tài sản bảo lãnh đến khi nộp phạt,… làm kéo dài thời gian xử lý vi phạm.
“Do chưa có các trang thiết bị chuyên dụng để thuận tiện trong việc ghi hình làm tài liệu, căn cứ xử phạt nên hiện tại đơn vị phải tự trang bị. Cùng với đó là cán bộ làm công tác xử lý vi phạm phải thực hiện hai nhiệm vụ vừa trinh sát, vừa ghi hình nên gặp nhiều khó khăn hơn” - đại tá Thái nói.
Thanh Hà