Có thể công bố thông tin người vi phạm
Từ 1/2/2017, mức phạt tiền sẽ tăng 10 lần với hành vi tiểu tiện không đúng nơi quy định. Đây là điểm mới được quy định tại Nghị định 155/2016/NĐ-CP vừa được Chính phủ ban hành nhằm thay thế Nghị định 179/2013/NĐ-CP về xử phạt hành chính việc vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Theo đó, hành vi vệ sinh cá nhân (tiểu tiện, đại tiện) không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ, nơi công cộng phạt tiền từ 1 triệu đến 3 triệu đồng (quy định cũ phạt 200 nghìn đồng). Hành vi vứt, thải, bỏ đầu, mẩu và tàn thuốc lá không đúng nơi quy định sẽ bị phạt từ 500 nghìn đến 1 triệu đồng. Việc vứt bỏ rác thải sinh hoạt không đúng nơi quy định sẽ bị phạt từ 3 triệu đến 5 triệu đồng.
Ngoài bị phạt tiền, người “tiểu đường” nếu gây dư luận xấu sẽ bị nêu tên công khai kèm thông tin về vi phạm trên trang thông tin điện tử của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND cấp tỉnh… Theo Nghị định, thẩm quyền xử phạt những hành vi vi phạm môi trường là UBND các cấp, công an xã, phường, thị trấn và cán bộ trật tự công cộng đang thi hành nhiệm vụ liên quan đến bảo vệ môi trường tại các khu đô thị, khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng; cán bộ, công chức, viên chức thuộc Ban quản lý rừng, Ban quản lý các vườn quốc gia...
Những lực lượng có thẩm quyền xử lý người vi phạm sẽ trực tiếp bắt quả tang hoặc thông qua các biện pháp nghiệp vụ, ghi hình, chụp ảnh... Theo quy định, số tiền xử phạt từ những hành vi này sẽ được các đơn vị xử phạt giữ lại 70% để chi hỗ trợ lực lượng, chi phí tập huấn, sơ kết, mua tin (chi phí mua tin không quá 10% số tiền phạt và mỗi vụ không quá 50 triệu đồng), trang bị phương tiện phát hiện hành vi vi phạm... 30% còn lại nộp vào ngân sách trung ương. Việc áp dụng xử phạt sẽ bắt đầu từ 1/2/2017.
Một người tiểu tiện ở gốc cây cách nhà VSCC trên phố Trần Nhân Tông 20m.
Thiếu nhà vệ sinh hay thiếu ý thức?
Theo Sở Xây dựng TP Hà Nội, toàn thành phố có khoảng 350 nhà vệ sinh công cộng (VSCC) tại 10 quận nội thành và thị xã Sơn Tây. Trong đó, có 263 nhà VSCC cố định, phân bố chủ yếu ở các ngõ, phục vụ người dân trong các khu dân cư, khu tập thể. Số còn lại được bố trí tại các địa điểm như công viên, vườn hoa, các khu vui chơi, giải trí... Tính trung bình mỗi quận có 30 nhà VSCC.
Trao đổi với PV, anh Nguyễn Văn Bắc, một lái xe taxi, cho biết rất khó để tìm nơi vệ sinh. “Với người thường không sao, chúng tôi suốt ngày trên xe rất khó tìm nhà VSCC, nếu có cũng không thể vào vì nhà VSCC thường đặt ở nơi đông người, cấm dừng đỗ. Không thể đi gửi xe cách cả cây số để vệ sinh, hoặc nếu đi vệ sinh xong mà bị phạt vài trăm lỗi dừng đỗ thì cũng không ai chấp nhận được” – anh Bắc nói.
Chị Hoa, nhân viên quản lý một nhà VSCC trên phố Trần Nhân Tông, cho biết: “Việc đi vệ sinh ở đâu phụ thuộc nhiều vào ý thức mỗi người thôi. Ở đây mỗi ngày chỉ có khoảng vài chục người vào, chủ yếu là thanh niên, người già họ không vào nhà VSCC. Quanh đây rộng, nhiều gốc cây, họ cứ vô tư “xả”. Có hôm tôi thấy 3 thanh niên đi xe SH rõ lịch sự nhưng lại dừng xe, tiểu tiện ngay cạnh nhà vệ sinh mà không ngại, tôi phải quay mặt đi”.
Tại công viên Thống Nhất, một nhà VSCC rất khang trang nhưng bên ngoài bức tường bị bong tróc, bốc mùi hôi thối. Rất nhiều nhà VSCC khác cũng có tình trạng tương tự khi đầy xú uế, khiến người dân vô tư “tiểu đường” dù cách đó không xa là nhà vệ sinh.