Tàu sắt ngư dân sẽ làm chủ ngư trường Hoàng Sa - Trường Sa

Tàu vỏ sắt sắp tới sẽ phủ trên ngư trường Hoàng Sa - Trường Sa (trong ảnh, tàu vỏ sắt của ngư dân Mai Thành Văn). Ảnh: Anh Thư
Tàu vỏ sắt sắp tới sẽ phủ trên ngư trường Hoàng Sa - Trường Sa (trong ảnh, tàu vỏ sắt của ngư dân Mai Thành Văn). Ảnh: Anh Thư
TP - “Tàu sắt đi đánh cá rất sướng, mang lại hiệu quả cao, an toàn và đặc biệt khiến ngư dân chúng tôi tự tin đánh bắt, làm chủ ngư trường Hoàng Sa -Trường Sa”.

Thuyền trưởng Mai Thành Văn (Bình Sơn, Quảng Ngãi) cho biết như vậy, sau chuyến biển đầu tiên ông làm chủ con tàu sắt Hoàng Anh 1 vươn khơi xa.

Đó là con tàu sắt đầu tiên của ngư dân miền Trung, và sắp tới đây sẽ là hàng chục tàu sắt thẳng tiến Hoàng Sa– Trường Sa như chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong cuộc Hội thảo về kinh tế biển ở Đà Nẵng hồi tháng 4. 

Hôm qua (12/6), Bí thư thường trực T.Ư Đoàn Nguyễn Mạnh Dũng cho hay, sắp tới sẽ có chương trình đóng hàng loạt tàu sắt cho ngư dân trẻ, thể hiện quyết tâm gìn giữ chủ quyền đối với Hoàng Sa và Trường Sa.

Nỗi niềm ngư dân trẻ

“Càng ngày lứa thuyền trưởng trẻ càng chứng tỏ được bản lĩnh thép trên vùng biển Hoàng Sa” – câu nói đầy tự hào của ông Nguyễn Văn Còn B, vị thuyền trưởng già trên tàu ĐNa 90039, về thế hệ Lê Dũng, Hồ Ngọc Thạnh… chứng tỏ được một điều, ông đã sẵn sàng bàn giao cơ nghiệp làm chủ ngư trường cho thế hệ trẻ 8X, 9X. 

“Thời thế bây giờ đã thay đổi, muốn làm chủ thật sự ngư trường, cần phải có tàu sắt, to gấp 2-3 tàu gỗ hiện tại mình đang chạy”, anh Lê Dũng (thuyền trưởng ĐNa 90098) nói với PV Tiền Phong khi đang hoạt động đánh bắt ở vùng biển giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc hạ đặt trái phép trong vùng biển Việt Nam.

Chung nỗi niềm với anh Lê Dũng là hàng trăm thuyền trưởng khác đang ngày đêm bám biển. Đang bận rộn với việc sửa chữa tàu cá bị tàu Trung Quốc đập phá cướp tài sản tại ngư trường Hoàng Sa, ngư dân Huỳnh Văn Lắm, 30 tuổi, thuyền trưởng tàu QNg 96011 (thôn Đông, xã An Hải), bày tỏ:

“Đối với ngư dân trẻ Lý Sơn chúng tôi, ai nấy đều được sinh ra trong những gia đình nhiều đời đi biển, ngoài biển cả mênh mông nhiều rủi ro, nếm trải bao nhiêu sóng gió, bão tố... 

Chúng tôi không nhụt chí và nao núng tinh thần. Việc Trung Quốc xâm phạm vùng biển của ta, rồi ra lệnh cấm đánh bắt cá trên biển Đông đã làm ngư dân chúng tôi càng quyết tâm bám biển, bám đảo. Bởi một điều đơn giản, biển của ta thì ta cứ làm, mặc cho Trung Quốc họ cậy có tàu to, súng lớn luôn hăm he, đe dọa”. 

Theo anh Lắm, ý chí là quan trọng, nhưng một điều kiện khác mới là yếu tố quyết định: tàu sắt công suất lớn. “Phải có tàu trên 1.000 CV, vỏ sắt, với phương tiện như ra đa, ICOM, thiết bị định vị GPS, cứu hỏa… và ngư cụ hiện đại thì mới mong hiện đại hóa được nghề cá. Và chỉ có thế, chúng ta mới thật sự vững vàng trước sự hung hăng của Trung Quốc ngay trên ngư trường của chính chúng ta”, anh Lắm nói.

Tuy nhiên, tàu vỏ thép trên 1.000 CV, trị giá gần 10 tỷ đồng, đến nay vẫn là niềm mơ ước của ngư dân. Đang sở hữu đôi tàu “khủng” ở huyện Tư Nghĩa, nhưng anh Trần Văn Trung (thôn làng Cá, xã Nghĩa Phú) cũng băn khoăn khi được vận động tham gia dự án hiện đại hóa bằng tàu sắt. Vốn chính là trở ngại lớn nhất khi ngư dân tham gia. 

Anh Trung cho hay, khi chính quyền xã xuống vận động, anh cũng rất hào hứng, nhưng nhẩm tính số tiền 7 - 10 tỷ đồng là quá lớn, trong khi Nhà nước chỉ hỗ trợ 70% bằng hình thức cho vay vốn đối với thực lực gia đình anh là khó khả thi. 

“Đóng mới đôi tàu gỗ hết 3,6 tỷ đồng, sắm ngư lưới cụ, công lao động rồi ra khơi chuyến được chuyến không, giờ sổ đỏ cũng nằm ngân hàng, biết lấy chi mà đối ứng. Nếu đóng tàu sắt, tiền bán tàu cũ chỉ đủ để sắm trang thiết bị”. Băn khoăn của anh Trung và hàng ngàn chủ tàu khác sắp tới sẽ được giải tỏa. Đó chính là chương trình của Trung ương Đoàn.

Tổ đội thanh niên đánh bắt hải sản

“Mỗi tổ đội thanh niên liên kết từ 15 - 20 tàu với những chiếc tàu sắt công suất 1.000 CV sẽ vươn khơi đánh bắt tại vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa như một cách chứng thực trên vùng biển chủ quyền”, anh Nguyễn Mạnh Dũng, Bí thư thường trực Trung ương Đoàn, nói (12/6) tại Đà Nẵng, trong chuyến công tác các tỉnh miền Trung để hoàn thiện Đề án Thành lập tổ đội Thanh niên liên kết đánh bắt hải sản trên biển, thí điểm tại Bình Định, sau đó nhân rộng ở Phú Yên, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Đà Nẵng… Đề án sẽ được trình Thủ tướng Chính phủ thời gian tới.

“Mỗi tổ đội thanh niên liên kết từ 15 - 20 tàu với những chiếc tàu sắt công suất 1.000 CV sẽ vươn khơi đánh bắt tại vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa như một cách chứng thực trên vùng biển chủ quyền”.

Anh Nguyễn Mạnh Dũng, Bí thư thường trực Trung ương Đoàn

Theo anh Dũng, từ phân tích thực tế, nghề cá nước ta phần lớn có quy mô nhỏ, đa nghề, đa loài, sinh kế hộ gia đình. Phương tiện, lực lượng lao động phát triển tự phát, hoạt động đơn lẻ và phân tán, hạn chế về kinh tế cũng như khả năng chống chịu với thiên tai. Mặt khác, ngư dân gặp khó trong việc tiếp cận nguồn vốn để đầu tư đổi mới công nghệ.

“Việc thành lập tổ đội thanh niên đánh bắt hải sản xa bờ không chỉ giúp giải quyết vấn đề hiệu quả kinh tế trong khai thác thủy sản, tạo việc làm và thu nhập cho người dân và thanh niên nông thôn mà còn phát huy vai trò xung kích của ĐVTN thời đại mới, thể hiện trách nhiệm của thanh niên trong bảo vệ chủ quyền biển đảo Hoàng Sa, Trường Sa”, anh Dũng nhấn mạnh. 

Theo đó, tổ đội Thanh niên liên kết đánh bắt trên biển sẽ do Trung ương Đoàn thành lập, vận động trên tinh thần tự nguyện với 2 phương án: Thành lập thí điểm 1 tổ đội gồm 15 - 20 tàu, mỗi tàu 15 - 20 người, trong đó có 1 thuyền trưởng, 1 máy trưởng, 13 - 17 thuyền viên là thanh niên (từ 18 - 35 tuổi) hoặc ngư dân giàu kinh nghiệm đi biển (không quá 40 tuổi).

Cơ cấu 1 đội tàu gồm 1 đội trưởng do thuyền trưởng của tàu đảm nhận và gồm 14 - 19 tàu thành viên. Thành lập 4 tổ đội thanh niên trên biển, mỗi đội 7 - 10 tàu. Mỗi tàu 15 - 20 người trong độ tuổi thanh niên. Cơ cấu tổ đội gồm 1 tàu làm tổ trưởng và 6 - 9 tàu thành viên. 

“Với hai nghề chính vươn khơi là vây khơi và câu cá ngừ đại dương, những con tàu sắt mã lực trên 1.000 CV, trị giá 10 tỷ đồng/tàu hoặc sửa chữa nâng cấp tàu gỗ bo sắt trên cơ sở các tàu gỗ hiện có (ước tính từ 3 - 5 tỷ đồng/tàu), trang bị ngư lưới cụ phục vụ ngành nghề. Ngư dân được vay 10 tỷ đồng, lãi suất 0% trong vòng 10 năm, ân hạn 1 năm. Toàn bộ vốn không từ nguồn ngân sách.

Đây là điều kiện không thể tuyệt vời hơn để ngư dân hiện thực hóa giấc mơ tàu vỏ thép”- anh Dũng khẳng định.

MỚI - NÓNG