Bảo vệ ngư dân trên ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa

Bảo vệ ngư dân trên ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa
TP - Phóng viên Tiền Phong trao đổi với ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về những khó khăn của người lao động, cũng như phương hướng bảo vệ ngư dân trên ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa.

Lãnh đạo lương cao, công nhân rớt đáy

Theo tính toán của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam (TLĐ) mức lương tối thiểu chỉ đáp ứng được 60% nhu cầu sống tối thiểu của người lao động, ông có bình luận gì về con số này?

Chính sách tiền lương chưa được cải tiến, đổi mới cơ bản nên còn nhiều mâu thuẫn và bất hợp lý, do đó mức lương tối thiểu mới chỉ đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu sống tối thiểu của người lao động. Nguyên nhân nằm ở việc chúng ta chưa định nghĩa mức lương tối thiểu đúng, đó là phải đảm bảo nhu cầu sống của người lao động.

Trước mắt, chúng tôi kịp thời kiến nghị Chính phủ ban hành chế độ trợ giúp khó khăn cho người lao động có thu nhập thấp. Về lâu dài, khi tham gia sửa đổi Bộ Luật Lao động, TLĐ đặt vấn đề phải xác định lại tiền lương tối thiểu.

Tại Đại hội lần này, TLĐ tiếp tục kiến nghị tới Chính phủ nghiên cứu thực hiện lộ trình điều chỉnh tiền lương tối thiểu theo kết luận số 23/KL-T.Ư của Hội nghị T.Ư 5 nhằm đảm bảo đến năm 2015, tiền lương tối thiểu đáp ứng nhu cầu sống tối hiểu của người lao động và gia đình họ theo điều 91 Bộ luật Lao động năm 2012.

Trong khi tiền lương của người lao động không đủ sống thì lương của cán bộ lãnh đạo, quản lý lại cao mà không căn cứ vào hiệu quả kinh doanh?

Rất nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước thua lỗ nhưng lãnh đạo của đơn vị vẫn hưởng lương cao ngất ngưởng. Thậm chí có nơi, thu nhập của lãnh đạo được phép không căn cứ vào kết quả kinh doanh. Điều này tạo ra sự bất hợp lý và khoảng cách thu nhập lớn trong xã hội.

TLĐ đã kiến nghị với Chính phủ về việc gắn tiền lương, tiền thưởng với doanh thu, hoặc theo lợi nhuận, cần có cơ chế giám sát quản lý doanh nghiệp nhà nước, tránh việc “tự tung tự tác, tự đưa doanh thu, tự thưởng”.

Người lao động đang vô cùng khó khăn, vậy TLĐ có giải pháp nào hỗ trợ người lao động?

Hiện nay, Quỹ trợ vốn cho người lao động, Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm và các loại quỹ trợ giúp khác của công đoàn ngành, địa phương đã giúp công nhân làm kinh tế gia đình trong lúc chờ việc để có thêm thu nhập. Trên thực tế đã trợ giúp cho hơn 50.000 người lao động.

TLĐ cũng đang tham gia vào quá trình xây dựng sửa đổi Luật Bảo hiểm, kiến nghị QH bổ sung tội danh trốn đóng hoặc chiếm dụng tiền BHXH bắt buộc sau khi đã được các cơ quan chức năng nhắc nhở, xử phạt hành chính nhưng vẫn cố tình không thực hiện thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Cơ quan BHXH có trách nhiệm yêu cầu bắt buộc người sử dụng lao động phải truy nộp BHXH và đề nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật.

Tập hợp, bảo vệ quyền lợi của ngư dân

Ngư dân tại Quảng Nam. Ảnh: Ngọc Châu
Ngư dân tại Quảng Nam. Ảnh: Ngọc Châu.
 

Năm nay, theo dự kiến BCH Tổng LĐLĐ Việt Nam sẽ có sự tham gia của đại diện Nghiệp đoàn nghề cá Lý Sơn (Quảng Ngãi). Vậy việc bảo vệ quyền lợi cho ngư dân đã được TLĐ thực hiện ra sao, thưa ông?

Ngư dân là bộ phận lao động phi kết cấu, chủ yếu làm ăn riêng lẻ. Hơn nữa, với tình hình phức tạp trên Biển Đông, nhiều hành vi xâm phạm chủ quyền biên giới, hải đảo, với các hành động như tịch thu ngư cụ, thuyền bè, đánh đập ngư dân trên vùng biển VN, đòi hỏi công đoàn phải tập hợp và bảo vệ quyền lợi cho ngư dân. Vì vậy TLĐ có chủ trương thành lập các nghiệp đoàn nghề cá, trước mắt tập trung vào khu vực miền Trung nơi có ngư trường truyền thống của cha ông là Hoàng Sa, Trường Sa.

Tới đây, TLĐ sẽ chỉ đạo Công đoàn Nông nghiệp thành lập Nghiệp đoàn nghề cá Việt Nam. Nghiệp đoàn này có nhiệm vụ xây dựng tổ chức tại các địa phương. Nghiệp đoàn nghề cá Việt Nam hình thành sẽ tham gia Nghiệp đoàn nghề cá Quốc tế. Khi đó, ngư dân Việt Nam ngoài việc được bảo vệ của chúng ta còn có tiếng nói bảo vệ từ bạn bè quốc tế.

Ngoài ra, TLĐ cũng có nhiều chương trình hỗ trợ ngư dân. Điển hình là chương trình “Tấm lưới nghĩa tình” vì ngư dân Hoàng Sa, Trường Sa do công đoàn phát động đã thu về hàng chục tỷ đồng, giúp hàng trăm trường hợp gia đình ngư dân gặp khó khăn khi hành nghề trên biển, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Cảm ơn ông.

Trao đổi bên lề Đại hội Công đoàn Việt Nam lần XI, ông Nguyễn Quốc Chinh, Ủy viên BCH Tổng LĐLĐ Việt Nam khóa XI, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã An Hải (LĐLĐ tỉnh Quảng Ngãi) cho biết: “Qua một năm hoạt động, Nghiệp đoàn nghề cá xã An Hải có nhiều hoạt động thiết thực, thu hút được sự quan tâm của xã hội, nhất là ngư dân như cứu hộ ngư dân gặp nạn, động viên ngư dân, giúp đỡ họ tiếp tục vươn khơi bám biển.

BCH Tổng Liên đoàn Lao động khóa XI gồm 172 ủy viên

Ngày 29/7, kết quả bầu cử Ban Chấp hành (BCH) Trung ương Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam khóa XI (nhiệm kỳ 2013-2018) được công bố gồm 172 ủy viên.

Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Đặng Ngọc Tùng và các Phó Chủ tịch Mai Đức Chính, Nguyễn Thị Hồng Thu, Nguyễn Văn Ngàng tiếp tục trúng cử BCH nhiệm kỳ mới.

Một ủy viên mới của BCH là đại biểu Nguyễn Quốc Chinh – Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá xã An Hải, huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Ông Nguyễn Quốc Chinh cho biết, sẽ tập hợp ngư dân của Quảng Ngãi nói chung và Lý Sơn nói riêng thành một khối thống nhất, tiếp tục giúp ngư dân làm chủ hai ngư trường Hoàng Sa và Trường Sa của tổ quốc. Bên cạnh đó sẽ liên kết các nghiệp đoàn cả nước để vươn khơi, bám biển.

Chiều cùng ngày, BCH Tổng LĐLĐ Việt Nam khóa XI đã họp Hội nghị lần thứ I bầu Đoàn chủ tịch, Chủ tịch, các Phó Chủ tịch, bầu Ủy ban kiểm tra và Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Tổng LĐLĐ Việt Nam khóa XI.

Hôm nay (30/7), Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XI sẽ bế mạc sau 4 ngày làm việc.

 
Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG