Tạo môi trường minh bạch để DN tư nhân lớn mạnh

Nhiều DN tư nhân trong nước gặp khó khăn vì thể chế. Ảnh: Hồng Vĩnh
Nhiều DN tư nhân trong nước gặp khó khăn vì thể chế. Ảnh: Hồng Vĩnh
TP - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho rằng, xác định phát triển doanh nghiệp (DN) tư nhân là yêu cầu then chốt của tái cơ cấu nền kinh tế không chỉ là giải pháp mà là đích đến. Tuy nhiên, để đạt được, cần sự chuyển biến thực sự trong nhận thức và hành động của các cấp chính quyền.

Coi DN tư nhân lớn mạnh là đích của tái cơ cấu 

Ông đánh giá thế nào khi Chính phủ xem phát triển DN tư nhân là nội dung quan trọng hàng đầu của kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020.

Về dài hạn, kinh tế tư nhân trong nước là trụ cột của tăng trưởng kinh tế. Bởi vì, với xu hướng cải cách hiện nay, khu vực kinh tế Nhà nước thu hẹp lại về cả tỷ trọng và số lượng. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII và các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đều thể hiện sự quyết liệt tái cơ cấu khu vực DN Nhà nước, cổ phần hóa, rút vốn một cách thực chất.

Đối với bất kỳ nền kinh tế nào, kinh tế tư nhân cũng là động lực tăng trưởng quan trọng nhất, trụ cột của nền kinh tế. Việc Chính phủ xác định phát triển kinh tế tư nhân là nhiệm vụ quan trọng nhất của tái cơ cấu là đúng đắn. Nhiệm vụ tái cơ cấu kinh tế suy cho cùng cũng là thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân, phân bổ để các nguồn lực dồn tụ về khu vực kinh tế tư nhân.

DN tư nhân của nước ta chưa thực sự lớn. Vậy, để đạt vị trí số 1 trong nền kinh tế, theo ông, cần có những thay đổi nào?

Tạo môi trường minh bạch để DN tư nhân lớn mạnh ảnh 1

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc.

Thời gian qua, nhìn chung, phần lớn DN tư nhân bị chèn lấn bởi khu vực DN nhà nước và gần như biệt lập với DN đầu tư nước ngoài; cho nên, khối DN tư nhân không lớn lên được. Có đến 98% DN tư nhân trong nước là DN vừa và nhỏ, hiệu quả còn thấp. Ngay cả DN tư nhân lớn trong nước cũng có sức cạnh tranh và mức độ phát triển chưa cao.

Gần 60% doanh nghiệp tư nhân ở nước ta hiện nay đang kinh doanh không có lãi. Doanh thu của gần 300 DN tư nhân lớn nhất nước niêm yết tại thị trường chứng khoán TP HCM, 6 tháng đầu năm nay có mức tăng trưởng doanh thu chưa đầy 2%, và lợi nhuận sau thuế giảm tới gần 17% so với cùng kỳ năm ngoái.

DN nhà nước hiệu quả thấp là dễ hiểu. Đây là câu chuyện của cả thế giới không riêng ở Việt Nam. Hiệu quả của DN tư nhân thấp mới chính là vấn đề. Muốn DN tư nhân phát triển, cần cải cách thể chế để tạo ra môi trường kinh doanh minh bạch. Kinh tế tư nhân là kinh tế của toàn dân. Khi toàn dân làm kinh tế hiệu quả, chúng ta mới có nền kinh tế hùng mạnh.

Cần minh bạch trước khi nói đến hỗ trợ

Qua tham khảo, DN trước hết mong muốn một môi trường kinh doanh ổn định và minh bạch, chứ chưa hẳn là sự hỗ trợ. Ông đánh giá thế nào?

“Kinh tế tư nhân là kinh tế của toàn dân. Khi toàn dân làm kinh tế hiệu quả, chúng ta mới có nền kinh tế hùng mạnh” 

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc

Hiện DN tư nhân bị cạnh tranh, chèn ép bởi DN nhà nước vì DN nhà nước đang nắm giữ các tài nguyên, nguồn lực, cơ hội kinh doanh lớn. DN do nước ngoài đầu tư cũng có lợi thế hơn khi không chịu các ràng buộc lớn của thể chế và họ có nguồn vốn dồi dào với chi phí thấp từ các định chế tài chính nước ngoài và các công ty mẹ. Ngay trong khối tư nhân cũng có các DN tư nhân thân hữu chèn ép làm yếu các DN tư nhân khác, đặc biệt là DN tư nhân vừa và nhỏ. 

Vì thế, tôi đồng tình với quan điểm, cơ cấu lại kinh tế trước hết là tạo ra sự minh bạch, bình đẳng, trước khi nói đến sự hỗ trợ của Nhà nước. Nói cách khác, hỗ trợ lớn nhất của Nhà nước đối với DN tư nhân chính là việc tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng và minh bạch.

Thực tế, các DN tham gia các Dự án Nhà nước vẫn có sự hấp dẫn, yên tâm. Bản thân Nhà nước là khách hàng tiềm năng lớn của doanh nghiệp, ví dụ, các công trình công như trụ sở các cơ quan công quyền và dịch vụ kèm theo cũng có thể để cho khu vực tư nhân cung cấp, Nhà nước không nhất thiết phải đầu tư. Đã có thực tiễn tốt ở một số địa phương như Quảng Ninh là một ví dụ điển hình. Tỉnh không cần đầu tư xây dựng trụ sở làm việc mới mà thuê lại của doanh nghiệp. Việc đó vừa tạo ra thị trường, công ăn việc làm cho doanh nghiệp; chính quyền vừa có trụ sở tốt mà không phải bỏ ngay ra một khoản đầu tư lớn trong điều kiện ngân sách rất khó khăn, các phương tiện làm việc cũng có thể thuê được. Những dự án hợp tác công tư “ đầu tư tư sử dụng công”, hay “đầu tư công, quản trị tư” … như vậy nên được  nghiên cứu nhân rộng.

Cảm ơn ông!

MỚI - NÓNG