Sử dụng thuốc lá là một nguyên nhân gây tử vong có thể phòng tránh được đứng hàng đầu trên thế giới hiện nay. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, sử dụng thuốc lá đang gây ra 7 triệu trường hợp tử vong mỗi năm và dự đoán sẽ gây ra 8 triệu trường hợp tử vong mỗi năm vào năm 2020. Để hướng tới mục tiêu giảm sử dụng thuốc lá và qua đó giảm thiểu được gánh nặng bệnh tật và tử vong do thuốc lá gây ra trên phạm vi toàn cầu, Tổ chức Y tế Thế giới đã xây dựng Công ước Khung về Kiểm soát Thuốc lá (FCTC) và từ đó khuyến cáo nhóm giải pháp kiểm soát thuốc lá hiệu quả gọi tắt là MPOWER để hỗ trợ các quốc gia định hướng các chiến lược quốc gia về PCTHTL, bao gồm: 1)Giám sát việc sử dụng thuốc lá và các chính sách phòng ngừa (Monitor tobacco use and prevention policies); 2)Bảo vệ mọi người khỏi khói thuốc lá (Protect people from tobacco smoke); 3)Hỗ trợ việc bỏ thuốc lá (Offer help to quit tobacco use); 4)Cảnh báo về các nguy hiểm của thuốc lá (Warn about the dangers of tobacco); 5)Tăng cường thực thi lệnh cấm quảng cáo, khuyến mại và tài trợ thuốc lá (Enforce bans on tobacco advertising, promotion, and sponsorship) và 6)Tăng thuế thuốc lá (Raise taxes on tobacco).
Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ hút thuốc lá ở nam giới cao nhất trên thế giới. Theo số liệu năm 2015, tỷ lệ hút thuốc lá ở nam giới Việt Nam là 45,3%. Hằng năm, có trên 40.000 trường hợp tử vong có liên quan đến thuốc lá ở Việt Nam. Theo đánh giá của các chuyên gia quốc tế, Việt Nam đã và đang đạt được những bước tiến đáng kể trong việc thực hiện các nhóm giải pháp MPOWER. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn đang phải gặp nhiều khó khăn trong việc triển khai chính sách thứ 6: Tăng thuế thuốc lá (R-Raise taxes on tobacco). Theo báo cáo năm 2017 của Tổ chức Y tế Thế giới, thuế thuốc lá ở Việt Nam, mới chỉ đạt 70% giá xuất xưởng, tương đương với 36% giá bán lẻ thuốc lá (thấp hơn rất nhiều so với khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới là mức 70% giá bán lẻ). Do vậy, thuế thuốc lá cần phải được tăng nhiều hơn nữa trong thời gian tới.
Một nghiên cứu của Trường Đại học Y tế công cộng tiến hành vào năm 2017 đã chỉ ra rằng tăng thuế thuốc lá ở Việt Nam có thể làm giảm đáng kể số lượng người hiện hút thuốc lá cũng như số lượng những người sẽ hút thuốc lá trong tương lai, qua đó giảm đáng kể số trường hợp tử vong có liên quan đến hút thuốc lá và tiết kiệm cho xã hội một khoản chi phí đáng kể.
Mới đây Bộ Tài chính đưa ra đề xuất sửa đổi Luật Thuế TTĐB trong đó dự kiến phương án áp dụng mức thuế TTĐB với thuốc lá 75% và bổ sung mức thu tuyệt đối 1.000 đồng/bao thuốc lá 20 điếu. Theo tính toán của chuyên gia kinh tế của Tổ chức Y tế thế giới và Quỹ PCTH thuốc lá nếu thu 1.000 đồng/bao thì nguồn thu của Chính phủ sẽ tăng khoảng 3.949 tỷ đồng vào năm 2020, tuy nhiên tỷ lệ hút thuốc sẽ chỉ giảm được 1,6% vào năm 2020 còn rất thấp so với mục tiêu của Chính phủ là giảm 6,3% vào năm 2020.
Cũng theo tính toán của các chuyên gia Đại học Y tế Công cộng, nếu áp dụng mức thuế TTĐB với thuốc lá là 75% giá xuất xưởng và bổ sung thêm mức thu tuyệt đối 2.000 đồng/bao thuốc lá 20 điếu sẽ làm khoảng 270.000 người bỏ hút thuốc và hơn 500.000 người không bắt đầu hút thuốc. Theo đó, sẽ có khoảng 230.000 trường hợp tử vong sớm do thuốc lá được phòng tránh và tiết kiệm được cho xã hội hơn 2 tỷ USD. Nếu mức thuế TTĐB với thuốc lá là 75% và bổ sung thêm mức thu tuyệt đối 5.000 đồng/bao thuốc lá 20 điếu cũng có thể giúp cho gần 280.000 người bỏ hút thuốc và khoảng 1,3 triệu người không bắt đầu hút thuốc. Như vậy, sẽ có khoảng 450.000 trường hợp tử vong sớm do thuốc lá được phòng tránh và tiết kiệm được cho xã hội hơn 4 tỷ USD. Mức thu thuế này đồng thời làm tăng đáng kể nguồn thu ngân sách, cụ thể: Nếu thu 2.000đồng/bao vào năm 2020 thì nguồn thu của Chính phủ sẽ tăng khoảng 6.352 tỷ đồng; Nếu thu 5.000đồng/bao vào năm 2020 nguồn thu của Chính phủ sẽ tăng khoảng 10.800 tỷ vào năm 2020. Quan trọng hơn tỷ lệ hút thuốc ước sẽ giảm được 6.5% vào năm 2020-Đạt mục tiêu trong Chiến lược quốc gia về giảm tỷ lệ hút thuốc trong nam giới Việt Nam đến năm 2020.
Căn cứ các bằng chứng khoa học kể trên, Việt Nam tiếp tục tăng thuế thuốc lá để đạt được mức có tác động giảm sử dụng thuốc lá và qua đó giảm thiểu được gánh nặng tử vong do thuốc lá gây ra và tiết kiệm chi phí cho xã hội. So sánh các phương án tăng thuế cho thấy Việt Nam nên áp dụng thu thêm thuế tuyệt đối vì số người bỏ thuốc sẽ lớn hơn và tránh được nhiều ca tử vong hơn. Mức thuế tuyệt đối cũng cần phải cao hơn, từ 2.000đồng đến 5.000đồng/bao để đạt được mức giảm tỷ lệ hút thuốc đáng kể, phòng tránh bệnh tật, tử vong sớm và tiết kiệm từ 2 đến 4 tỷ USD chi phí y tế.