Sự phối hợp giữa hai lực lượng sẽ thực sự hiệu quả thông qua quy chế này, thưa Thiếu tướng?
Xuất phát từ thực tiễn hoạt động quản lý, bảo vệ chủ quyền, giữ gìn an ninh trật tự trên các vùng biển, đảo của đất nước và yêu cầu tăng cường sức mạnh tổng hợp của các lực lượng quản lý nhà nước liên quan đến biển, đảo; đặc biệt, trước diễn biến ngày càng phức tạp của tình hình vi phạm, tội phạm trên các vùng biển hiện nay, có thể khẳng định, việc ký kết, ban hành quy chế phối hợp giữa Cảnh sát biển và Bộ đội Biên phòng là rất cần thiết. Đây là cơ sở quan trọng để triển khai các hoạt động phối hợp, hiệp đồng trên thực tế và là phương thức để mỗi lực lượng nâng cao hiệu quả hoạt động. Đồng thời là điều kiện để hai lực lượng đổi mới nội dung, hình thức phối hợp nhằm thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình.
Trên thực tế, các đơn vị của Bộ đội Biên phòng, nhất là những đơn vị biên phòng tuyến biển (gồm các Hải đoàn, Bộ chỉ huy, Hải đội, Đồn biên phòng) và các đơn vị của Cảnh sát biển đã ký kết và triển khai nhiều cơ chế, kế hoạch phối hợp trong thời gian trước đây.
Tuy nhiên, nội dung phối hợp giữa các đơn vị còn đơn giản, hình thức chưa linh hoạt và chưa được duy trì thường xuyên. Để công tác phối hợp thực sự có hiệu quả thì việc triển khai quy chế phải toàn diện ở tất cả các cấp.
Tôi khẳng định, có quy chế ở cấp Bộ Tư lệnh, chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ, toàn diện và hiệu quả hơn. Qua đó, sẽ giúp hai lực lượng xử lý nhanh, đúng pháp luật các hành vi vi phạm; kịp thời, hiệu quả trong cứu hộ, cứu nạn và giải quyết các vấn đề về trật tự, an toàn trên biển, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền, giữ gìn an ninh trật tự, tạo môi trường hòa bình, ổn định để phát triển kinh tế trên các vùng biển, đảo của Tổ quốc.
Thiếu tướng Nguyễn Quang Đạm, Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam
Được biết, hai lực lượng sẽ tổ chức tuần tra chung trên biển. Điều này có ý nghĩa như thế nào đối với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của chúng ta?
Không chỉ trên tuyến biên giới đất liền, Bộ đội Biên phòng còn có nhiều kinh nghiệm trong quản lý an ninh trật tự tuyến biên giới biển. Qua tuần tra chung sẽ thấy được điểm mạnh, điểm yếu của mỗi bên, từ đó phát huy khai thác điểm mạnh và bổ sung cho nhau những điểm còn hạn chế.
Việc phối hợp tuần tra còn tạo nên sức mạnh trong đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm, nhất là tội phạm có tổ chức, tội phạm về ma túy, buôn lậu gian lận thương mại, tội phạm xuyên quốc gia cùng những vấn đề an ninh phi truyền thống…Việc tuần tra chung cũng sẽ giúp tăng thêm khả năng tác chiến trên biển, vừa thể hiện quyết tâm của hai lực lượng trong giữ vững chủ quyền, bảo đảm an ninh, an toàn các vùng biển, đảo của Tổ quốc.
Theo Thiếu tướng, lực lượng Cảnh sát biển có cần được trang bị thêm những vũ khí, khí tài mới, hiện đại để bảo vệ và thực thi quyền chủ quyền trên các vùng biển của Việt Nam?
Cảnh sát biển Việt Nam đã được trang bị những phương tiện kỹ thuật như máy bay tuần thám trên biển, tàu chuyên dùng với tầm hoạt động 5.000 hải lý, tàu tuần tiễu cao tốc, thiết bị tuần thám, các thiết bị trinh sát, phòng chống tội phạm ma túy và các trang, thiết bị nghiệp vụ khác… Nhờ vậy, Cảnh sát biển đã và đang có thể bảo đảm tốt an ninh, an toàn hàng hải, bảo vệ các hoạt động kinh tế, làm ăn trên biển của nhân dân, tham gia có hiệu quả trong công tác cứu hộ, cứu nạn, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo.
Trước tình hình quốc tế, khu vực và biển Đông như hiện nay, đòi hỏi phải tập trung xây dựng lực lượng Cảnh sát biển có số lượng hợp lý, chất lượng cao, trang bị hiện đại, phù hợp với điều kiện kinh tế của đất nước, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biển, đảo; là chỗ dựa vững chắc cho các hoạt động phát triển kinh tế biển trong thời bình, đồng thời đáp ứng nhiệm vụ tác chiến trên biển trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.
Tuy nhiên, chính sách quốc phòng của Việt Nam là hòa bình và tự vệ. Vì vậy, đối với những diễn biến phức tạp, trước sau như một chúng ta kiên trì nguyên tắc giải quyết bằng biện pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế, tôn trọng độc lập chủ quyền và lợi ích chính đáng của nhau.
Mặt khác, Việt Nam luôn là một quốc gia có trách nhiệm trong giữ gìn an ninh trật tự, an ninh hàng hải, nên việc nâng cao sức mạnh tổng hợp của lực lượng Cảnh sát biển sẽ giúp chúng tôi tham gia có trách nhiệm và hiệu quả hơn đối với những vấn đề chung trên biển.
Cảnh sát biển đang sát cánh cùng lực lượng Kiểm ngư đấu tranh với Trung Quốc trên vùng biển Hoàng Sa - nơi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trên vùng biển Việt Nam. Qua Tiền Phong, Thiếu tướng gửi gắm thông điệp gì?
Hành động, tính chất vi phạm của Trung Quốc đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam nghiêm trọng đến đâu thì báo chí của chúng ta đã phản ảnh đầy đủ và chân thực rồi. Tôi cho rằng, bất cứ thời điểm nào, dù khó khăn đến đâu, thì lòng yêu nước của mỗi người dân Việt Nam sẽ trở thành sức mạnh chung của cả dân tộc. Thời gian qua, chúng tôi đã nhận được sự quan tâm, động viên, chia sẻ to lớn và kịp thời của Đảng, Chính phủ cùng nhân dân cả nước.
Trước yêu cầu quản lý, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, Cảnh sát biển Việt Nam sẽ phối hợp hiệp đồng tốt với các lực lượng, luôn giữ vững ý chí, quyết tâm bảo vệ toàn vẹn chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của chúng ta. Đồng thời, luôn tỉnh táo trước những ý đồ, hành vi khiêu khích nhằm tránh những xung đột, va chạm không cần thiết để giữ môi trường hòa bình, ổn định trên biển Đông. Hơn lúc nào hết, ở thời điểm này, trong mỗi người lính Cảnh sát biển phải luôn giữ trái tim nóng và cái đầu lạnh.
Cảm ơn Thiếu tướng!
Sáng 1/7, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đến thăm và động viên cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam, tại Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển. Tại đây, Chủ tịch nước dặn dò: “Tôi nhiệt liệt biểu dương những thành tích xuất sắc của cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển trong gần 2 tháng qua đã đấu tranh kiên quyết trên vùng biển của Tổ quốc bị Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của nước ta. Mong rằng, phát huy truyền thống của đơn vị, các đồng chí luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ do Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, quyết giữ bằng được chủ quyền, quyền chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc trên vùng biển nước ta trong bất cứ tình huống nào”.