Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường:

Tăng người ngoài Đảng sẽ mở rộng dân chủ, phản biện xã hội

0:00 / 0:00
0:00
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ kiểm tra công tác chuẩn bị bầu cử
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ kiểm tra công tác chuẩn bị bầu cử
TP - “Từ các khóa Quốc hội gần đây cho thấy, đại biểu là người ngoài Đảng, các chuyên gia, nhà khoa học có trình độ, kinh nghiệm hoạt động trên các lĩnh vực, đóng góp của họ trên nghị trường đều rất sâu sắc, tích cực, thẳng thắn, thể hiện tâm huyết, trách nhiệm cao trước cử tri và nhân dân”, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Chánh Văn phòng Hội đồng Bầu cử quốc gia Bùi Văn Cường chia sẻ với Tiền Phong.

Ðảm bảo tuyệt đối an toàn cho bầu cử

Vừa qua, Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội cùng các đoàn đã đi kiểm tra công tác chuẩn bị bầu cử ở nhiều địa phương. Ông có thể cho biết tình hình chuẩn bị của các địa phương cho công tác bầu cử vào ngày 23/5 tới ra sao?

Qua giám sát, kiểm tra công tác bầu cử cho thấy, các cấp ủy, chính quyền các địa phương đã tích cực, chủ động, tập trung triển khai nội dung công việc chuẩn bị bầu cử theo đúng kế hoạch, chỉ đạo và hướng dẫn của Bộ Chính trị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Bầu cử quốc gia và các cơ quan, ban, ngành ở trung ương; kịp thời ban hành các văn bản cụ thể để lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức công tác bầu cử ở địa phương.

Việc tổ chức các hội nghị hiệp thương diễn ra dân chủ, thẳng thắn, đúng thời hạn và quy trình theo quy định; việc dự kiến cơ cấu, thành phần, số lượng người được giới thiệu và lập danh sách chính thức người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp đúng pháp luật, đúng tiến độ, cơ bản bảo đảm các cơ cấu cần thiết theo yêu cầu và hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Hội đồng Bầu cử quốc gia.

Cùng với đó, việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến bầu cử đã được bảo đảm triển khai khẩn trương, đúng quy trình; quan tâm xử lý cả những khiếu nại, tố cáo từ cơ sở, những vấn đề nhạy cảm như tranh chấp về đất đai để đảm bảo không ảnh hưởng đến ngày bầu cử. Đặc biệt, công tác bảo đảm an ninh, an toàn y tế, phòng, chống dịch bệnh COVID-19 cho cuộc bầu cử được chú trọng. Các tỉnh đều chủ động đánh giá tình hình và có phương án bảo đảm tuyệt đối về an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, phòng dịch trước, trong và sau ngày bầu cử.

Hội đồng Bầu cử quốc gia đưa ra những kịch bản nào với những tình huống bất thường có thể xảy ra về tình hình dịch bệnh COVID-19, thưa ông?

Bên cạnh việc triển khai các nhiệm vụ chính trị, tích cực chuẩn bị công tác bầu cử, các cơ quan, tổ chức ở Trung ương và địa phương còn tập trung cao độ cho phòng, chống dịch bệnh. Để công tác bầu cử diễn ra thuận lợi, thành công tốt đẹp, giảm thiểu ảnh hưởng, tác động từ nguy cơ dịch bệnh trong trường hợp có lây lan, bùng phát, Hội đồng Bầu cử quốc gia đã ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể công tác chuẩn bị cho ngày bầu cử trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19.

Trên cơ sở văn bản chỉ đạo của Hội đồng Bầu cử quốc gia, các địa phương đã chủ động xây dựng kịch bản triển khai công tác bầu cử trong điều kiện xảy ra dịch COVID-19, nhằm đảm bảo an toàn cho người dân và thành công cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Không để lọt những người không xứng đáng

Một trong những điểm mới lần này là tăng số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách, dự kiến có 5 -10% đại biểu ngoài Đảng và có sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học. Theo ông, con số dự kiến này có đạt được như kế hoạch đề ra không?

Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội quy định tăng số đại biểu Quốc hội chuyên trách lên 40%. Cùng với đó, Nghị quyết số 1185 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, quy định dự kiến số lượng, cơ cấu, thành phần đại biểu Quốc hội khóa XV, trong đó đại biểu là người ngoài Đảng từ 25 đến 50 người (chiếm 5% - 10%) và có sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học.

Kế hoạch số 42 của Hội đồng Bầu cử quốc gia về triển khai công tác bầu cử khóa mới đã nêu rõ mục đích, yêu cầu của cuộc bầu cử, phải đảm bảo đại biểu được bầu có chất lượng, với cơ cấu hợp lý. Trong đó lấy tiêu chuẩn, chất lượng đại biểu làm trọng tâm, không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn. Vì vậy, con số dự kiến nêu trên có đạt được như kế hoạch đề ra hay không sẽ tùy thuộc vào sự tín nhiệm của cử tri đối với các ứng cử viên.

Nếu các ứng cử viên thực sự có đức, có tài, đáp ứng được các tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân theo quy định của luật; đồng thời, trong các cuộc vận động bầu cử, tiếp xúc cử tri, các ứng cử viên đưa ra được chương trình hành động cụ thể, thiết thực, phù hợp với mong muốn, nguyện vọng của cử tri, tôi tin là chúng ta sẽ đạt được những chỉ tiêu này.

Với những quy định về đổi mới trong công tác bầu cử nêu trên sẽ góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội. Bởi lẽ các đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách là những người chuyên tâm làm công tác chuyên môn của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, không bị chi phối phân tán cho các công việc khác, từ đó có thể phát huy năng lực, tính độc lập trong hoạt động của mình. Bên cạnh đó, việc tăng tỉ lệ người ngoài Đảng trong Quốc hội và có sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học sẽ góp phần tăng tính dân chủ, phản biện trong xã hội.

Thực tế từ các khóa Quốc hội gần đây cho thấy, các đại biểu là người ngoài Đảng, chuyên gia, nhà khoa học có trình độ, kinh nghiệm hoạt động trên nhiều lĩnh vực. Do đó, các ý kiến đóng góp của họ trên nghị trường đều rất sâu sắc, tích cực, thẳng thắn, thể hiện tâm huyết, trách nhiệm cao trước cử tri và nhân dân.

Giữa yếu tố cơ cấu và chất lượng sẽ được xử lý hài hòa ra sao để không ảnh hưởng đến chất lượng đại biểu, đồng thời không để lọt vào cơ quan quyền lực Nhà nước những người không xứng đáng, không đủ tiêu chuẩn, thưa ông?

Để lãnh đạo, chỉ đạo thành công cuộc bầu cử, thời gian qua, Đảng, Nhà nước, Quốc hội đã ban hành nhiều văn bản pháp luật liên quan đến công tác bầu cử, trong đó có các quy định nhằm thực hiện tốt công tác nhân sự. Việc quy định cơ cấu và chất lượng đại biểu luôn bảo đảm sự hài hòa, không làm ảnh hưởng đến chất lượng và không để lọt vào cơ quan dân cử người không đủ tiêu chuẩn. Điều này được thể hiện ở hệ thống văn bản pháp luật về bầu cử và quy trình thực hiện trong cuộc bầu cử rất chặt chẽ, công khai, dân chủ để lựa chọn, bầu những đại biểu tiêu biểu, có đức, có tài tham gia cơ quan dân cử.

Tăng người ngoài Đảng sẽ mở rộng dân chủ, phản biện xã hội ảnh 1

“Nếu các ứng cử viên thực sự có đức, có tài, đáp ứng được các tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân; đồng thời, trong các cuộc vận động bầu cử, tiếp xúc cử tri, các ứng cử viên đưa ra được chương trình hành động cụ thể, thiết thực, phù hợp với mong muốn, nguyện vọng của cử tri, tôi tin là chúng ta sẽ đạt được những chỉ tiêu đề ra”

Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường

Điển hình như Chỉ thị số 45 của Bộ Chính trị, yêu cầu các cấp ủy, các tổ chức đảng lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác nhân sự, bảo đảm phát huy dân chủ và sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của Đảng trong công tác cán bộ. Phấn đấu giới thiệu, lựa chọn bầu được những đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân thật sự tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân; bảo đảm đủ tiêu chuẩn, đủ số lượng, có cơ cấu hợp lý, trong đó lấy tiêu chuẩn, chất lượng đại biểu làm trọng tâm.

Như vậy, chất lượng của đại biểu đã được bảo đảm ngay từ giai đoạn giới thiệu những người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 để đảm bảo không để lọt vào cơ quan quyền lực Nhà nước những người không xứng đáng, không đủ tiêu chuẩn.

Cảm ơn ông!

MỚI - NÓNG