Phương án bầu cử tại những điểm nóng COVID-19

0:00 / 0:00
0:00
Chủ tịch Quốc hội và các thành viên Hội đồng Bầu cử Quốc gia đi kiểm tra công tác chuẩn bị bầu cử
Chủ tịch Quốc hội và các thành viên Hội đồng Bầu cử Quốc gia đi kiểm tra công tác chuẩn bị bầu cử
TP - Nhiều địa phương đang là điểm nóng về tình hình dịch bệnh COVID-19 như Hà Nội, TPHCM, Bắc Giang… đã lên phương án, sẵn sàng kịch bản ứng phó, đảm bảo an toàn cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021- 2026.

Ghép danh sách cử tri

Trao đổi với Tiền Phong về kịch bản ứng phó với dịch bệnh, ông Bùi Văn Cường, Tổng Thư ký Quốc hội, Chánh Văn phòng Hội đồng Bầu cử Quốc gia cho biết, trước tình hình dịch bệnh COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, bên cạnh việc triển khai các nhiệm vụ chính trị, tích cực chuẩn bị công tác bầu cử còn tập trung cao độ cho công tác phòng, chống dịch bệnh. Để công tác bầu cử diễn ra thuận lợi, thành công, Hội đồng Bầu cử Quốc gia đã ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể công tác chuẩn bị cho ngày bầu cử trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19.

“Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của Hội đồng Bầu cử Quốc gia, các địa phương đã chủ động xây dựng kịch bản triển khai công tác bầu cử trong điều kiện xảy ra dịch COVID-19, nhằm đảm bảo an toàn cho người dân và thành công cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021- 2026”, ông Cường cho hay.

Ngày 14/5, trả lời trực tuyến về bầu cử do báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức, ông Bùi Văn Cường nhấn mạnh, việc tổ chức bầu cử phải bảo đảm yêu cầu nghiêm ngặt về phòng chống dịch bệnh COVID-19. Ông Cường cho biết, tại Hà Nội, sẽ có thêm các biện pháp phòng chống dịch tại nơi bầu cử và có phương án riêng đối với các điểm cách ly, phong tỏa. Ủy ban bầu cử thành phố Hà Nội đã kiến nghị Hội đồng Bầu cử Quốc gia về các phương án đặc thù tổ chức bầu cử tại các điểm cách ly y tế.

Theo đó, một số điểm bị cách ly vốn là điểm bỏ phiếu phụ do số lượng cử tri ít như tại các bệnh viện thì nay thành điểm có số lượng cử tri đông, như trường hợp của Bệnh viện K cơ sở Tân Triều. Vì vậy, Ủy ban bầu cử thành phố Hà Nội đã xin chia nhỏ và ghép số lượng cử tri đang ở khu cách ly vào các khu vực bỏ phiếu liền kề, nhưng vẫn bảo đảm số lượng cử tri tại một đơn vị bầu cử không vượt quá 4.000 người.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Chí Đoàn, Phó Giám đốc Sở Nội vụ, Ủy viên Ủy ban Bầu cử thành phố Hà Nội cho biết, Ủy ban Bầu cử thành phố đã chỉ đạo các quận huyện, phường, xã thực hiện nghiêm công tác phòng, chống COVID-19 trên địa bàn, đặc biệt tại các khu vực bỏ phiếu. Trong đó lưu ý việc ghép danh sách cử tri ở cơ sở cách ly tập trung vào khu vực bỏ phiếu thích hợp; chuẩn bị hòm phiếu phụ, phiếu bầu cử, con dấu “đã bỏ phiếu” và các điều kiện bảo đảm cần thiết khác.

2.500 cử tri cách ly trong Bệnh viện K sẽ bỏ phiếu ra sao?

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong chiều 14/5, liên quan đến công tác bầu cử trong Bệnh viện K cơ sở Tân Triều, ông Đặng Ngọc Quyền, Chủ tịch UBND xã Tân Triều (huyện Thanh Trì, Hà Nội) cho biết, hiện nay, ở trong Bệnh viện K có khoảng 2.500 cử tri. Xã đã kiện toàn Tổ bầu cử, gắn khu vực bỏ phiếu của Bệnh viện K vào khu vực khu dân cư trong thôn Yên Xá. Bên trong Bệnh viện đã có Tổ bầu cử, gồm 8 thành viên, do một Phó Giám đốc Bệnh viện chỉ đạo trực tiếp toàn bộ công tác bầu cử. Các bước chuẩn bị cho bầu cử đang được triển khai bên trong bệnh viện.

Do đang bị cách ly, phong toả, theo ông Quyền, xã sẽ hỗ trợ tối đa cho bệnh viện. “Chúng tôi chuyển tài liệu qua mạng, qua thư điện tử, qua điện thoại để trong bệnh viện triển khai”, ông Quyền nói.

Cũng theo ông Quyền, do đã có hướng dẫn cụ thể của Hội đồng Bầu cử Quốc gia, nên trong bệnh viện cũng thuận lợi trong thực hiện. “Trong bệnh viện đang tập trung cho công tác phòng chống COVID-19, nhưng việc bầu cử thì vẫn phải triển khai, đảm bảo cho bệnh nhân, bác sĩ, người nhà bệnh nhân được thực hiện quyền bầu cử theo quy định. Gần ngày bầu cử, sẽ có kịch bản chi tiết về tất cả các nội dung”, ông Quyền nói.Trường Phong

Phương án bầu cử tại những điểm nóng COVID-19 ảnh 1

Lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội kiểm tra công tác bầu cử Ảnh: Lê Xuân Hải

Hạn chế tối đa tiếp xúc gần

Tại TPHCM, ông Bùi Văn Cường cho biết, Ủy ban bầu cử thành phố này đã lên phương án, sắp xếp chỗ ngồi tại các điểm bầu đảm bảo yêu cầu giãn cách, hạn chế tập trung đông người; bố trí người tham dự không quá 50% sức chứa của hội trường. Nếu địa điểm bỏ phiếu đang thực hiện giãn cách xã hội, sẽ xử lý khử khuẩn phiếu bầu và thùng phiếu, đảm bảo giữ khoảng cách 2m giữa những người tham dự. Đồng thời, bố trí thời gian bỏ phiếu và phân luồng từ xa phù hợp cho cử tri từng khu vực, điểm dân cư. Riêng trường hợp tổ chức cho cử tri đang cách ly tại nhà bỏ phiếu, phải hạn chế tối đa tiếp xúc gần, đụng chạm trực tiếp. Sau khi bàn giao thùng phiếu phải sát khuẩn, vệ sinh cá nhân trước khi rời khỏi khu vực bỏ phiếu, tự cách ly 14 ngày tại nhà.

Tại Bắc Giang, theo ông Bùi Văn Cường, dự kiến sẽ không tổ chức khai mạc đông người trong ngày bầu cử; đồng thời chia nhỏ cử tri thành nhiều đợt để bỏ phiếu theo giờ, tránh tập trung đông người. Cùng với đó, tại mỗi điểm bầu cử, khu bỏ phiếu đều phải có đầy đủ điều kiện phòng dịch như sát khuẩn, giữ khoảng cách, đo thân nhiệt cử tri, yêu cầu phải đeo khẩu trang y tế, đặt vị trí thùng phiếu đúng khoảng cách an toàn để bảo đảm khoảng cách an toàn cho cử tri khi ghi phiếu, bỏ phiếu và trong lúc đứng chờ bỏ phiếu.

MỚI - NÓNG