10 luật có hiệu lực từ 1/1/2018
Từ ngày 1/1/2018, sẽ có 10 luật chính thức có hiệu lực thi hành gồm: Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13; Bộ Luật Tố tụng hình sự; Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam; Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự; Luật Trợ giúp pháp lý; Luật Tín ngưỡng, tôn giáo; Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ; Luật Quản lý ngoại thương; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Luật Du lịch.
Tăng lương tối thiểu vùng từ 1/1/2018
Theo Nghị định 141/2017/NĐ-CP, mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp từ ngày 1/1/2018 như sau: Vùng I: 3.980.000 đồng/tháng; vùng II: 3.530.000 đồng/tháng; vùng III: 3.090.000 đồng/tháng; vùng IV: 2.760.000 đồng/tháng.
Như vậy, mức lương tối thiểu vùng mới cao hơn mức lương cũ khoảng 180.000 – 230.000 đồng/tháng.
Chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên
Nghị định số 140/2017/NĐ-CP về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ có hiệu lực từ 20/01/2018. Nghị định quy định cụ thể từng đối tượng, tiêu chuẩn áp dụng chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ.
Sửa đổi quy định về thu tiền sử dụng đất
Có hiệu lực từ ngày 1/01/2018, Nghị định số 123/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định về thu tiền sử dụng đất, thu tiền thuê đất, thuê mặt nước. Cụ thể, Nghị định này sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 45/2014/NĐ-CP quy định về thu tiền sử dụng đất và Nghị định số 46/2014/NĐ-CP quy định về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước.
Chế độ ăn, mặc, chăm sóc y tế đối với người bị tạm giữ, tạm giam
Cũng từ 1/1/2018, Nghị định số 120/2017/NĐ-CP ngày 6/11/2017 của Chính phủ quy định chi tiết về chế độ ăn, mặc, chăm sóc y tế đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam; kinh phí bảo đảm thực hiện chế độ đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam; kinh phí bảo đảm chăm sóc, nuôi dưỡng đối với trẻ em dưới 36 tháng tuổi ở cùng mẹ trong cơ sở giam giữ; việc thăm gặp, tiếp xúc lãnh sự đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam là người nước ngoài.
Tổ chức và hoạt động của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước
Nghị định số 144/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý có hiệu lực từ 01/01/2018. Trong đó, Nghị định quy định rõ tổ chức và hoạt động của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước. Cụ thể, Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước (Trung tâm) có Giám đốc, Phó Giám đốc, Trợ giúp viên pháp lý, viên chức và người lao động khác. Giám đốc, Phó Giám đốc Trung tâm phải là Trợ giúp viên pháp lý.
Trung tâm có thể có các bộ phận chuyên môn thích hợp để thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý và pháp luật về đơn vị sự nghiệp công lập.
Quản lý chặt chẽ cơ sở dữ liệu về thi hành tạm giữ, tạm giam
Nghị định số 121/2017/NĐ-CP quy định xây dựng, quản lý, sử dụng cơ sở dữ liệu về thi hành tạm giữ, tạm giam có hiệu lực từ 1/1/2018. Nghị định này quy định về xây dựng, thu thập, lưu trữ, xử lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu về thi hành tạm giữ, tạm giam; trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong xây dựng, quản lý, sử dụng cơ sở dữ liệu về thi hành tạm giữ, tạm giam.
Đặc thù quản lý tài chính đối với doanh nghiệp kinh doanh xổ số
Nghị định 122/2017/NĐ-CP quy định một số nội dung đặc thù về cơ chế quản lý tài chính và đánh giá hiệu quả hoạt động đối với doanh nghiệp kinh doanh xổ số; Sở Giao dịch Chứng khoán và Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam có hiệu lực từ 01/01/2018.
Quy định về đầu tư ra nước ngoài trong hoạt động dầu khí
Theo Nghị định số 124/2017/NĐ-CP quy định về đầu tư ra nước ngoài trong hoạt động dầu khí có hiệu lực từ 1/1/2018, để chuẩn bị đầu tư hoặc triển khai dự án dầu khí tại nước ngoài, nhà đầu tư được phép thành lập hoặc tham gia thành lập công ty điều hành tại Việt Nam, tại nước tiếp nhận đầu tư hoặc tại nước thứ ba theo quy định của pháp luật có liên quan, hợp đồng dầu khí và thông lệ công nghiệp dầu khí quốc tế được chấp nhận chung.
Quy định mới về phạt vi phạm hành chính trong đầu tư xây dựng
Có hiệu lực từ ngày 15/01/2018, Nghị định 139/2017/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng; khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà và công sở.
Theo đó, mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực hoạt động đầu tư xây dựng là 1 tỷ đồng; trong lĩnh vực khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà và công sở là 300 triệu đồng.
Mức phạt tiền quy định tại Nghị định này là mức phạt áp dụng đối với tổ chức (trừ một số trường hợp). Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với cá nhân bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức.