Tăng lương cho giáo viên: Tính khả thi rất thấp

Tăng lương cho giáo viên: Tính khả thi rất thấp
TPO - GS.TSKH Phạm Thị Trân Châu, Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn khoa học-giáo dục-môi trường UBTW MTTQ Việt Nam cho rằng việc xếp lương giáo viên vào thang bảng lương ở bậc cao nhất là hợp lý. Tuy nhiên, tính khả thi của đề xuất này trong bối cảnh hiện nay là rất thấp.

Theo GS. Phạm Thị Trân Châu, là một nhà giáo, bà rất cảm ơn Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã đưa ra đề xuất tăng lương cho giáo viên.

Nhưng bà cho rằng  cần đặt giáo viên trong một tổng thể đội ngũ cán bộ viên chức. “Trong đó  tôi muốn nói đến thầy thuốc và thầy giáo. Hai đối tượng liên quan trực tiếp đến con người. Tôi là một nhà giáo.  Do đó, tôi quan tâm đến tính khả thi của đề xuất này.

Ở tầm vĩ mô nhà nước phải cân bằng ngân sách và các lực lượng của đất nước, không thể nói bộ phận nào quan trọng hơn. Cảm nhận của tôi là tính khả thi của đề xuất này rất khó” – GS. Phạm Thị Trân Châu chia sẻ.  

Trước câu hỏi nếu đời sống của giáo viên đảm bảo thì họ khó có thể chuyên tâm để dạy học sinh?

GS. Phạm Thị Trân Châu cho rằng mệnh đề này nói rất đúng. Vì bà đi dạy từ những năm 60 của thế kỷ trước nên rất hiểu điều đó.

“Nhưng nếu nói thế, cán bộ y tế lương cũng như thế họ không chuyên tâm thì sao? Mọi  người vào bệnh viện sẽ thế nào? Các ngành khác đều không chuyên tâm thì đất nước sẽ ra sao?  Giáo viên tất nhiên đang chịu rất nhiều áp lực, tôi biết điều này. Nhưng bất cứ viên chức nào, ngành nào chỉ vì lương mà không làm thì lấy đâu ra người để làm. Vấn đề lương cần được quan tâm tôi rất ủng hộ. Nhưng nói gì cũng phải có tính khả thi. Tính khả thi của đề xuất này hơi ít” – GS. Trân Châu một lần nữa khẳng định.

Chính vì vậy nên bà đề xuất  trong bối cảnh đất nước hiện nay, trước mắt nên chú ý đến bộ phận giáo viên đang hưởng bậc lương thấp nhất. Có nghĩa là ở bộ phận thấp nhất khi về hưu đúng chế độ thì lương không quá thấp.  Như thế khả thi và nhân văn hơn.

Còn thực ra làm nghề gì trong bối cảnh đất nước hiện nay cũng cần cái tâm với nghề nghiệp. Làm nghề gì cũng phải có tâm, thích nghi trong hoàn cảnh  đất nước, phải chấp nhận trong khó khăn chung của đất nước.

MỚI - NÓNG