Lương giáo viên: Xếp cao nhất, vẫn thua lương công nhân?

TPO - Một trong những thay đổi lớn trong dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi mà Bộ GD&ĐT đang soạn thảo và trình Chính phủ là  lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp. Nhà giáo được hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề, phụ cấp thâm niên và các phụ cấp khác theo quy định của Chính phủ”.

Bộ GD&ĐT vừa có báo cáo gửi Bộ Nội vụ, Bộ LĐ-TB-XH về thực hiện chính sách tiền lương, BHXH và ưu đãi đối với giáo viên

Lương tối thiểu của giáo viên thấp nhất hơn 3 triệu đồng

Theo Bộ GD&ĐT, báo cáo của 40/63 tỉnh - thành và khảo sát thực tế tại một số địa phương cho thấy tổng thu nhập bình quân của giáo viên tại các cơ sở giáo dục do ngân sách nhà nước bảo đảm từ 3-10 triệu đồng/tháng, tùy thâm niên công tác. 

Thu nhập của giáo viên tập trung có thể chia làm 3 mức là thấp, trung bình và cao. Theo đó, mức thu nhập thấp tập trung nhiều vào số giáo viên trẻ mới ra trường. Nguyên nhân là do mức lương khởi điểm được hưởng của giáo viên thấp, phụ cấp ưu đãi lại tính trên nền của mức lương cơ sở nhân với hệ số lương và họ chưa được hưởng phụ cấp thâm niên ngành do chưa đủ 60 tháng công tác.

So sánh với mức lương tổi thiểu vùng (quy định tại Nghị định số 153/2016) cho thấy chưa kể các khoản tham gia BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN)..., lương của giáo viên tiểu học/mầm non mới ra trường đang thấp hơn mức lương tối thiểu vùng I (hiện là 3.750.000 đồng), chỉ tương đương mức lương tối thiểu vùng II (hiện 3.320.000 đồng) của người lao động ở các doanh nghiệp.

Mức thu nhập trung bình tập trung ở số giáo viên công tác khoảng 15-25 năm, cụ thể là 18 năm và mức thu nhập cao dành cho những giáo viên đã công tác được khoảng trên 25 năm.

Không bằng lương công nhân?

Trao đổi với báo chí, Bà Lưu Thị Bích Hân, hiệu trưởng trường mầm non Trại Cau, Đồng Hỷ, Thái Nguyên cho biết, giáo viên của trường  trung bình làm việc 10-11h/ngày. 

Cũng theo bà Hân, tuy có quy định về thêm giờ nhưng thực chất giáo viên mầm non không được hưởng gì từ quy  định này. Lương thì thấp nên đời sống giáo viên rất khó khăn.

“Trong khi đó, chỉ cần tốt nghiệp THPT, đi làm trong nhà máy Sam Sung cũng được 8 triệu đồng/tháng. Bà Hân cho rằng, năm 2018, Thái nguyên dự định tăng lên mức  1,85 lương cơ bản cho các cô nuôi nhưng cũng chỉ được hơn 2 triệu/tháng, nên sẽ rất khó thu hút”- Bà Hân khẳng định.

Theo Bộ GD&ĐT, mức lương cơ sở hiện khá thấp, không khuyến khích và thu hút được người có tài vào làm việc tại các cơ sở giáo dục. Hệ thống thang, bảng lương hiện hành không phù họp với Luật Giáo dục ĐH và một số văn bản hướng dẫn thi hành.

Bên cạnh đó, việc áp dụng hệ thống thang, bảng lương giống nhau cho những công việc khác nhau không còn phù hợp với quy định vị trí việc làm hiện nay. Bởi lẽ, ở mỗi vị trí khác nhau cần có sự đòi hỏi khác nhau về trình độ, kỹ năng. Việc xếp chung một hạng viên chức (như hiện hành) sẽ khó thu hút người có tài năng, tâm huyết vào những vị trí việc làm quan trọng.

Bộ GD&ĐT nhận định thang, bảng lương của nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục hiện nay chưa phản ánh đúng tinh thần của Nghị quyết Trung ương II (khóa VIII) và Nghị quyết số 29/NQ/TW ngày 4-11-2013 của Hội nghị Trung ương 8 khóa XI - lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang, bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng.

Cũng theo Bộ GD&ĐT, việc nâng hạng, nâng bậc lương cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục hiện nay còn dẫn đến hiện tượng cào bằng, đến hẹn lại lên, không khuyến khích người tích cực và khó chế tài người không có sự cố gắng trong công việc. Các cơ sở giáo dục không thể thực hiện chế độ khuyến khích, thu hút người có tài, có trình độ cao đến làm việc.

Sự hấp dẫn của nghề giáo: Liệu tăng lương “có xong”?

Ông Nguyễn Quốc Vương, Nghiên cứu sinh ngành giáo dục lịch sử, Đại học Kanazawa (Nhật Bản) đặt câu hỏi là phải làm thế nào để nghề giáo viên trở thành nghề hấp dẫn cả ở phương diện vị thế xã hội lẫn thu nhập?

“Cái này có liên quan đến cải cách giáo dục và cải cách chính sách đối với nhà giáo. Không phải chỉ nâng tiền lương là xong. Sự hấp dẫn đến từ môi trường làm việc tự do, thoải mái, được tôn trọng có khi còn mạnh hơn tiền bạc. Không cải cách giáo dục có hiệu quả thì chuyện luẩn quẩn của ngành sư phạm sẽ còn tiếp tục kéo dài và ngày càng tệ hơn”- TS Vương nhận định.

Cố PGS Văn Như Cương từng chia sẻ, chất lượng giáo dục hoàn toàn phụ thuộc vào chất lượng của thầy giáo. Chúng ta phải làm nhiều việc như quan tâm đến đời sống giáo viên, tăng lương cho giáo viên, khuyến khích người giỏi theo nghề giáo mới mong chất lượng giáo dục tăng tiến được. 

MỚI - NÓNG