Theo đó, nhóm lương thấp nhất là giáo viên mới vào nghề và giáo viên mầm non, tương tự trường hợp cô giáo Trương Thị Lan ở Hà Tĩnh, sau 37 năm đi dạy, khi về hưu chỉ nhận lương 1,3 triệu đồng/tháng, do thời kỳ còn công tác lương tính đóng bảo hiểm xã hội chỉ 1,8 triệu đồng/tháng.
Báo cáo của Bộ GD&ĐT dựa trên báo cáo của 40/63 tỉnh thành và khảo sát thực tế tại một số địa phương cho thấy, tổng thu nhập bình quân của giáo viên tại các cơ sở giáo dục do ngân sách nhà nước đảm bảo từ 3-10 triệu đồng/tháng (tùy thâm niên công tác).
Theo Bộ GD&ĐT, nhóm nhà giáo thu nhập thấp chủ yếu ở giáo viên trẻ mới ra trường và giáo viên mầm non. Điều này do mức lương khởi điểm thấp, chỉ có phụ cấp ưu đãi (tỷ lệ theo lương) và chưa được hưởng phụ cấp thâm niên. Như giáo viên mầm non, tiểu học có hệ số lương chỉ 1,86, phụ cấp ưu đãi 35%, tổng thu nhập chỉ 3,26 triệu đồng/tháng (lương tính đóng bảo hiểm xã hội trước năm 2016 chưa bao gồm các khoản phụ cấp ngoài lương); giáo viên trung học cơ ở hệ số lương 2,1, phụ cấp 30%, tổng lương 3,54 triệu đồng/tháng; trung học phổ thông hệ số lương 2,34, phụ cấp 30%, tổng lương 3,95 triệu đồng/tháng.
“Lương của giáo viên tiểu học, mầm non mới ra trường đang thấp hơn lương tối thiểu vùng I (3,75 triệu đồng/tháng) và chỉ tương đương lương tối thiểu vùng II (3,32 triệu đồng/tháng) của người lao động tại doanh nghiệp”, Bộ GD&ĐT đánh giá. Với các nhóm giáo viên khác, theo Bộ GD&ĐT, giáo viên công tác trên 15 năm có thu nhập cao hơn, từ 7-10 triệu đồng/tháng, do được hưởng phụ cấp thâm niên từ 18% trở lên và phần vượt khung.
Ngoài lương, phụ cấp thâm niên, giáo viên còn có một số khoản phụ cấp khác, như ưu đãi vùng miền (vùng khó khăn, biên giới, hải đảo), phụ cấp thu hút, thu nhập tăng thêm do thu vượt chi (tùy cơ sở giáo dục có thêm nguồn thu ngoài ngân sách, tiết kiệm chi)…
Theo Bộ GD&ĐT, mức lương cơ sở hiện khá thấp, hệ thống thang, bảng lương hiện hành không phù hợp với Luật Giáo dục Đại học. Đồng thời, việc áp dụng hệ thống thang bảng lương giống nhau cho những công việc khác nhau không phù hợp với quy định vị trí việc làm hiện nay. Do mỗi vị trí khác nhau đòi hỏi khác nhau về trình độ, kỹ năng nên khó thu hút những người tài, tâm huyết vào những vị trí việc làm quan trọng. Việc tăng lương chưa cải thiện nhiều thu nhập của giáo viên, chủ yếu bù trượt giá.
Ngoài ra, việc áp dụng nâng lương theo quy định hiện hành (nâng lương theo thâm niên công tác, chưa chú trọng hiệu quả công việc) xảy ra hiện tượng cào bằng, đến hẹn lại lên, không khuyến khích người tích cực phấn đấu, người trẻ, có cống hiến; trong khi người không cố gắng, “ở lâu lên lão làng” vẫn được tăng lương.
Giai đoạn 2004 - 2015, nhà nước thực hiện cải cách tiền lương nhưng chủ yếu nâng lương tối thiểu do áp lực của giá cả, nên không có thay đổi gì lớn. Theo ngành giáo dục, về cơ bản mức chi ngân sách hàng năm cho giáo dục ổn định (khoảng 20% tổng chi ngân sách nhà nước). Tuy nhiên, nhiều cơ sở giáo dục phổ thông, mầm non do nhà nước bao cấp đều dành trên 90% kinh phí được cấp để chi lương và các khoản phụ cấp lương. Thực tế này dẫn tới kinh phí phục vụ cho công tác chuyên môn rất hạn chế, ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục.
Từ thực tế trên, Bộ GD&ĐT kiến nghị Chính phủ xây dựng hệ thống thang bảng lương riêng cho ngành giáo dục, xác định theo vị trí việc làm, chất lượng và hiệu quả công việc. Đồng thời, các bộ ngành liên quan tham mưu, đề xuất Chính phủ có sửa đổi chế độ đãi ngộ với nhà giáo công tác tại các vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn…