Lương giáo viên thua xa bà bán trà đá vỉa hè: Lấy ai đổi mới giáo dục?

Cô Dương Cẩm Nai trong giờ học với trẻ mầm non.
Cô Dương Cẩm Nai trong giờ học với trẻ mầm non.
TP - Thực trạng đáng buồn với đội ngũ 1,2 triệu người đang đảm đương sứ mệnh cao cả “trồng người”, đó là nhiều thầy cô đang phải chật vật kiếm sống. Mức lương của giáo viên mầm non và giáo viên tiểu học mới ra trường chỉ vỏn vẹn 3,2 triệu đồng, thua xa thu nhập của một bác xe ôm hay bà bán trà đá vỉa hè Hà Nội.

Một thực trạng đáng buồn với đội ngũ 1,2 triệu người đang đảm đương sứ mệnh cao cả “trồng người”, đó là nhiều thầy cô đang phải chật vật kiếm sống. Mức lương của giáo viên mầm non và giáo viên tiểu học mới ra trường chỉ vỏn vẹn 3,2 triệu đồng, thua xa thu nhập của một bác xe ôm hay bà bán trà đá vỉa hè Hà Nội. Lương một giáo viên THPT hay giảng viên đại học đứng trên bục giảng tới 18 năm trời mới được khoảng 8,5 triệu đồng, thua xa thu nhập của một người chạy taxi ở Thủ đô. Công nhân có mức lương cao hơn giáo viên, giờ đây là chuyện thường. 

Người thầy chính là nhân tố quyết định tới sự thành bại của cuộc chấn hưng giáo dục trọng đại, điều kiện tiên quyết cho sự phát triển, thịnh vượng của đất nước. Vậy liệu họ có yên tâm đứng trên bục giảng để toàn tâm toàn ý cho công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục nước nhà?

Bài 1 : Giáo viên phải nhịn ăn tới trường

Nhịn ăn sáng, điện thoại luôn trong tình trạng hết tiền, con ốm không có tiền đi viện…là tình trạng chung của nhiều giáo viên trẻ hiện nay. Yêu nghề, yêu học trò nên đa số giáo viên đều cho biết sẽ vẫn bám trụ nhưng nhiều đêm họ phải khóc thầm vì đồng lương eo hẹp khiến cuộc sống chật vật, khó khăn.

Nhịn ăn sáng đến trường

Có mặt tại Trường mầm non Họa My, quận Hà Đông (Hà Nội) vào một chiều đầu đông, cảnh tượng cô trò đang say sưa hát múa. Đa số các cô giáo ở trường đều ở thế hệ trẻ 8X, 9X… vui tươi, nhiệt huyết với nghề.

Cô hiệu trưởng Trần Thị Thanh Nhàn cầm bảng lương giới thiệu, trong số 39 cán bộ, giáo viên của trường có đến hơn chục giáo viên trẻ. Để nhận ra giáo viên trẻ trên bảng lương quá dễ, họ chính là những người có mức lương chỉ trên dưới 3 triệu đồng/tháng!

Giáo viên trẻ Dương Cẩm Nai được nhận về trường năm 2012, tốt nghiệp Khoa mầm non (CĐ Sư phạm Hà Tây) cô may mắn được nhận về trường. Mừng rớt nước mắt nhưng tháng lương đầu tiên cô chỉ nhận được 1,6 triệu đồng (85% của hệ số 1,86). Sau đó, thi đỗ công chức cô mới dần được tăng lương nhưng sau 5 năm mức lương hiện nay của cô Nai mới được lên mức 3,3 triệu đồng, bao gồm cả phụ cấp đứng lớp.

Cô Nai thật thà nhẩm tính: “Với số tiền nhận được, mình nộp hơn 1 triệu đồng cho con trai đầu 5 tuổi học ở trường công. Tiền xăng xe tới trường một tuần hết 100 nghìn. Gần 2 triệu còn lại mình dành để mua bỉm, sữa cho đứa con thứ 2. Mình phải thường xuyên nhịn ăn sáng, điện thoại không dám gọi cho ai cuộc nào. Quần áo có đồng phục của trường nên cả năm không cần mua mới”.

Nai kể, nghề giáo viên mầm non rất vất vả, trường quy định 7 giờ 15 phút giáo viên phải có mặt ở trường. Để kịp giờ, cô dậy từ 5 giờ 30 sáng chuẩn bị cháo cho con nhỏ, nấu ăn sáng cho con lớn để rời nhà lúc 6 giờ 30 phút. Tối 7 giờ mới về đến nhà, quay cuồng với chuyện tắm rửa, cơm nước cho hai con. Lúc con ngủ, mình lại chuẩn bị bài cho ngày mai đến lớp nên không có thời gian làm thêm việc gì kiếm sống.

Điều cô sợ nhất là gì? “Khổ mấy mình cũng chịu được nhưng sợ nhất là con ốm phải đi viện mà trong tay không có xu nào”, cô Nai nói. Cô ứa nước mắt khi nói về đứa con thứ hai sinh ra gầy gò, thường xuyên ốm yếu. “Đã có lúc, vợ chồng ôm con đứng ở cổng Bệnh viện Nhi T.Ư không biết làm thế nào đành phải gọi xin cô hiệu trưởng giúp đỡ. Làm nghề giáo mà nói ra những điều như thế mình xấu hổ lắm, tủi thân lắm nhưng không biết phải làm sao”, cô Nai nói.

Kết hôn đã nhiều năm nhưng vợ chồng cô Nai vẫn ở chung với ông bà nội. Chồng làm nghề sửa chữa điện thoại, thu nhập bấp bênh nên để sống qua ngày, vợ chồng cô phải dựa thêm cả vào đồng lương của ông nội. Cô Nai nói: “Biết đồng lương của mình như thế nên cả trong giấc mơ mình cũng chưa từng dám ước vọng có căn nhà riêng của vợ chồng. Đôi khi thấy bạn bè cùng trang lứa làm ở ngành nghề khác mua nhà, mua xe ô tô đưa đón con cái mà thấy chạnh lòng”.

Cô hiệu trưởng Trần Thị Thanh Nhàn nói, đa số giáo viên trẻ đều có gia đình và 1 đến 2 con nhỏ nên rất vất vả trong cuộc sống. “Nếu không có gia đình hỗ trợ, chắn chắn giáo viên không thể bám trụ được với nghề”, cô Nhàn nói.

Chạy ăn từng bữa

Tốt nghiệp Trường ĐH Sư phạm I Hà Nội loại giỏi, cô Nguyễn Thị Hoài được một trường THCS khá nổi tiếng ở Hà Nội nhận vào giảng dạy bộ môn Tin học. Có thâm niên 3 năm, đến nay mức lương cô Hoài nhận mỗi tháng là 3,2 triệu đồng.

Cô Hoài kể, mức lương thấp là thế nhưng hàng ngày cô chạy xe máy 13 km để có mặt ở trường cả ngày để làm nhiều việc khác ngoài đứng lớp, ví như tổ chức sự kiện của trường, quản học sinh, quản trị trang web… Cô chia sẻ, khát khao làm nghề giáo từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường nên cô vẫn quyết theo.

Chồng cô là giáo viên dạy Toán. Ra trường cùng thời điểm, hiện tại lương của hai vợ chồng được 7 triệu đồng. Với đồng lương eo hẹp, hai vợ chồng cô thuê nhà trọ xa trường cả chục cây số với giá 2 triệu đồng, số tiền còn lại cả gia đình ưu tiên chi cho việc ăn uống, học tập của con trai. “Mình nhịn đói cũng được nhưng con ăn uống thiếu chất lại đau ốm, không đành”, cô Hoài nói.

Do vậy, bữa sáng của gia đình vô cùng đơn giản, khi thì mì tôm gói úp nhanh, khi 10 nghìn xôi chia đôi cho hai vợ chồng hay ăn cơm nguội của ngày hôm trước. Đến trường, cả thầy cô đều được trường cho ăn cơm trợ giá 23 nghìn đồng/bữa. “Tốn kém nhất là bữa tối nên đành nhờ đến sự hỗ trợ của ông bà nội ngoại gửi gạo, thực phẩm ở quê lên cho. Bao lâu nay, cả nhà cứ tăng xin, giảm mua, tích cực cầm nhầm mà sống qua ngày như thế”, cô Hoài tếu táo.

(còn nữa)

TS Trịnh Ngọc Thạch, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội cho rằng: “Dù đã được phụ cấp nhưng lương của nhà giáo hiện nay chênh lệch quá nhiều so với đời sống. Vì vậy, cần thiết phải tính chuyện tăng lương cho giáo viên”. 

MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.