Tăng huyết áp

Tăng huyết áp
TP - Dạo này ông Giản Tư Đậu ở ngõ 15 phố Phùng Hưng, Hà Nội hầu như chỉ ở nhà, ít khi ra đường, ông tâm sự: Tôi sợ ra đường lắm, mỗi khi ra đường là huyết áp tôi tăng cao, rất dễ bị tai biến.

"Huyết áp tăng vì tôi có cái tật, già rồi nhưng tính kiềm chế kém, hễ cứ thấy những gì trái tai gai mắt là lại nóng mặt, không đủ sức để làm Lục Vân Tiên, cũng chưa đủ tĩnh tâm để thiền mà bơ đi mọi chuyện nên ở nhà cho nó an toàn".

Ông Giản Tư Đậu
Ông Giản Tư Đậu.

Chẳng lẽ hễ cứ ra đường bác lại gặp toàn chuyện trái tai gai mắt?

Quả thật, mỗi lần ra đường thị giác thính giác đều bị tra tấn. Mắt thì nhìn thấy người ta đổ rác bừa bãi ra đường, rất hồn nhiên, giữa ban ngày những bức tường bẩn thỉu đầy những chữ “khoan cắt bê tông, thông hút bể phốt”, biển quảng cáo của nhà nghỉ, quán ăn, đủ thứ lung tung, rối mù không theo một quy chuẩn gì che khuất cả tầm nhìn.

Bên này chị bán bún chả, quạt vù vù, khói bay mù mịt, lò than tổ ong nung cháy cả gốc cây cổ thụ, bên kia cô bán chè chén chiếm cả vỉa hè, xả đủ thứ rác xuống cống thoát nước....Tai thì nghe đủ thứ âm thanh hỗn tạp của ôtô xe máy, của hàng rong, của loa phường, đặc biệt là những tiếng chửi tục của đám choai choai ngồi quán nước luôn là thứ khiến huyết áp tôi tăng nhanh. Tôi không hiểu sao bây giờ phải nghe nhiều lời nói tục như vậy, một câu nói phải đệm mấy từ tục tĩu, không nói thì nhạt miệng hay sao?

Những điều bác nói đều đã trở thành quen như thế đã đủ cho bác tăng huyết áp chưa?

Tôi chưa nói hết, ấy là khi đi bộ, còn khi cưỡi phương tiện tham gia giao thông thì lại có những bức xúc khác. Trên đường đủ thứ phương tiện giao thông, phương tiện nào cũng muốn chen lên trước. Ôtô, xe máy, xe ba bánh, xe buýt... tất cả đều chèn ép nhau bất cứ lúc nào để lao lên phía trước. Ngay cả khi đèn đỏ, các phương tiện giao thông vẫn chồm lên muốn “ăn tươi nuốt sống” người đi bộ đang thả bước trên đường ưu tiên để sang đường.

Nhiều khi người đi bộ bị chắn mất lối, phải “cảm tử” lao xuống chen vào rừng xe đang ùn ùn mà sang phía bên kia. Tôi đã nhiều lần dừng trước đèn đỏ để nhường đường cho người đi bộ liền bị mắng té tát. “Đi đi, đứng làm gì thế!”,”Ông già kia, mù à”, đó là những cụm từ tôi hay phải nghe. Tôi rất thích câu khẩu hiệu về an toàn giao thông “Nhanh một phút, chậm một đời người”. Nhưng mà gần như tất cả người đi đường đều muốn “nhanh một phút”. Đi đường phố mà khổ hơn đi rừng, mạnh ai nấy chen.

Bác có chen không?

Tôi già rồi, chen được với ai, “yếu thì đừng ra gió”, nhưng đi đường bây giờ không chen không được, không chen tất bị những người sau lưng mình hết đẩy rồi chửi. Bây giờ chỉ cần một va chạm nhỏ người ta cũng có thể lao vào đánh nhau, có thể chửi té tát những người già cỡ tuổi tôi. Tôi rất sợ, tôi đã từng nếm mùi nhiều...

Mới đây khi đang đi xe đạp trên đường Nguyễn Trãi , ông Giản Tư Đậu bị một “choai choai” đi xe máy đánh võng, quệt vào đầu xe ông ngã lăn ra đường, chân bị gãy. Gã choai choai bỏ chạy mất tăm. Ông Đậu phải bó bột nằm bất động ở nhà 5 tháng.

Nguyên nhân của những điều bác vừa nói có phải vì văn hóa giao thông còn kém?

Không phải văn hóa giao thông còn kém mà đúng ra nhiều người làm gì đã có văn hóa giao thông. Nếu có thì chỉ là một thứ văn hóa giao thông “thịt ba chỉ” hết sức nguy hiểm. Theo tôi, chừng nào những người phóng nhanh vượt ẩu, chen lấn, vượt đèn đỏ chưa được xử lý thì chừng ấy người ta vẫn còn vi phạm Luật Giao thông. Xã hội của ta, nền văn hóa của ta phải phản kháng mạnh mẽ trước những hiện tượng kém văn hóa, phản văn hóa này.

Đừng bao giờ cho rằng một người vượt đèn vàng là “nhanh nhạy, năng động”, phải lên án họ, vì có thể việc làm của họ gây tai nạn chết người. Theo tôi, để có văn hóa giao thông phải bắt đầu bằng giáo dục. Giáo dục văn hóa giao thông cho các cháu nhỏ ngay từ khi học lớp 1, nó hình thành dần. Nhưng tôi đang sợ kiểu giao thông như thế này dễ phá hỏng cả một nền giáo dục?

Bác có lo xa hay nghiêm trọng hóa vấn đề không?

Tôi nghĩ là không. Anh xem, sách giáo khoa dạy học sinh ra đường phải đi bên phải, gặp đèn đỏ phải dừng, nó là những kiến thức vỡ lòng. Nhưng bây giờ các bậc phụ huynh chở con đi học vào giờ cao điểm ùn tắc, cứ lao lên phía trước, bất chấp bên phải bên trái, bất chấp đèn xanh đèn đỏ, đèn vàng. Ra đường người lớn vẫn đi bên trái, vẫn vượt đèn đỏ thì làm sao giáo dục được trẻ con, làm sao hình thành được văn hóa giao thông trong các cháu?

Nghe bác nói tôi cũng bắt đầu thấy... tăng huyết áp, Hà Nội sắp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long, chính quyền đang làm nhiều việc để thành phố sạch đẹp, văn minh hơn, chẳng lẽ ra đường chỉ thấy những điều trái tai gai mắt?

Những điều trái tai gai mắt tôi nói ra không phải là “đặc sản” của Hà Nội, mà ở TPHCM và nhiều thành phố ở Việt Nam đều rất phổ biến. Tôi là một trong những người lính vào giải phóng Thủ đô. Tôi yêu Hà Nội, nhưng vì yêu Hà Nội nên phải nói ra những điều còn chưa được của thành phố. Tình yêu, trách nhiệm với Hà Nội không nên chỉ thể hiện bằng những lời khen, mà phải nhìn thẳng vào thực tế để cùng làm cho Hà Nội sạch đẹp, văn minh.

Quét vôi, lát lại vỉa hè, chỉnh trang đô thị, xây dựng các công trình mới... là những việc rất nên làm. Nhưng theo tôi điều quan trọng nhất là phải xây dựng được lối sống văn hóa, cốt cách của người Hà Nội. Một công trình xây dựng có thể làm trong một nhiệm kỳ, nhưng để xây dựng được lối hành xử văn minh, một cách sống đẹp có khi mất cả thế hệ đấy.

Phùng Nguyên thực hiện

MỚI - NÓNG
Sau kỳ nghỉ 5 ngày, chứng khoán diễn biến ra sao?
Sau kỳ nghỉ 5 ngày, chứng khoán diễn biến ra sao?
TPO - Kết thúc kỳ nghỉ lễ 5 ngày, chứng khoán trong nước sẽ trở lại giao dịch vào ngày mai (2/5). Dù VN-Index đã lấy lại mốc 1.200 điểm, nhưng chuyên gia cho rằng nhịp điều chỉnh chưa xác nhận kết thúc. Thị trường sẽ có các nhịp rung lắc, nhà đầu tư đang có tỷ trọng cổ phiếu lớn có thể tranh thủ nhịp hồi phục sắp tới để cơ cấu, hạ tỷ trọng về mức an toàn.