Tăng giờ làm thêm là đi ngược xu hướng

Phát biểu tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng vi phạm quy định về giờ làm thêm còn phổ biếnảnh: Như Ý
Phát biểu tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng vi phạm quy định về giờ làm thêm còn phổ biếnảnh: Như Ý
TP - Ngày 14/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi). Đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu, tăng giờ làm tiếp tục là hai vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội.

Cần tăng lương, giảm giờ làm

Liên quan đến số giờ làm thêm, bà Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết: Nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành việc mở rộng khung thỏa thuận về giờ làm thêm tối đa lên 400 giờ/năm (tăng 100 giờ so với quy định hiện hành) nhưng chỉ áp dụng đối với một số ngành, nghề nhất định, đồng thời trả tiền lương lũy tiến. Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra đề nghị cân nhắc kỹ điều này, vì việc kéo dài thời giờ làm thêm là đi ngược lại với xu hướng tiến bộ, khi trình độ công nghệ ngày càng phát triển, trình độ quản trị doanh nghiệp hiệu quả hơn. Theo bà Nguyễn Thúy Anh, vấn đề này còn ý kiến khác nhau từ phía Công đoàn, người lao động, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các hiệp hội doanh nghiệp.

Nêu quan điểm về nội dung này, đa số các ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cân nhắc việc tăng giờ làm thêm. “Xu hướng tiến bộ là tăng lương giảm giờ làm, tại sao lại tăng giờ làm thêm? Người lao động quần quật làm việc trong nhà máy 48 giờ mỗi tuần thì thời gian đâu để họ chăm sóc gia đình, con cái, chưa nói đến bản thân họ có được tái tạo sức lao động hay không?”, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu  nêu câu hỏi.

Cùng mối băn khoăn, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho rằng, muốn tăng giờ làm thêm phải có tổng kết, đánh giá xem đã phù hợp chưa. “Hiện nay, khoa học kỹ thuật ngày càng cao, công nghệ ngày càng phát triển, tay nghề người lao động tăng lên, trình độ quản lý tốt hơn thì không có lý gì phải tăng giờ làm”, ông Đỗ Bá Tỵ lưu ý, đồng thời đề nghị lấy ý kiến tổng hợp từ nhân dân, vì đây là vấn đề liên quan đến con người.

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, tình trạng vi phạm quy định về giờ làm thêm diễn ra khá phổ biến ở nhiều nơi, nhiều lĩnh vực. Bà Ngân cũng không đồng tình tăng giờ làm bởi xã hội tiến bộ, kinh tế phát triển thì sao phải tính đến việc tăng giờ làm thêm; việc này có đi ngược xu hướng tiến bộ hay không? “Chúng ta là nước định hướng xã hội chủ nghĩa, nhưng cứ mỗi lần sửa luật lại tính tăng thêm giờ làm việc của người lao động”, bà Ngân nêu ý kiến.

Chưa đồng thuận tăng tuổi hưu

Liên quan đến tuổi nghỉ hưu, cơ quan thẩm tra dự án luật cho biết, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành với quy định về lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu, tức là đến năm 2028 sẽ có lao động nam đầu tiên nghỉ hưu ở độ tuổi 62 và năm 2035 sẽ có lao động nữ đầu tiên nghỉ hưu ở độ tuổi 60. Tuy nhiên, theo cơ quan thẩm tra, quá trình lấy ý kiến cũng cho thấy, người lao động chưa có sự đồng thuận cao về quy định tăng tuổi nghỉ hưu, đòi hỏi cần có thời gian để tiếp tục tham vấn, lấy ý kiến rộng rãi các đối tượng khác nhau.

Từ thực tế từng làm Bộ trưởng LĐ,TB&XH, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, việc sửa luật phải tính tới nhu cầu phát triển của đất nước, thể chế hoá tinh thần chiến lược phát triển kinh tế- xã hội giai đoạn 2021- 2030 đang được xây dựng, chuẩn bị trình Đại hội 13 của Đảng.

Liên quan đến tuổi nghỉ hưu, bà Ngân đề nghị phải tính đến các yếu tố sức khỏe, khả năng làm việc của người lao động, thị trường lao động, an sinh xã hội… “Trung ương cho chủ trương nghiên cứu tăng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình, đến 2035 nữ mới nghỉ hưu 60 tuổi, tức là phải 15 năm nữa chứ không phải làm luật này để chúng tôi ở lại. Làm luật này không phải cho những người đương chức kéo dài thời gian làm việc”, bà Ngân lý giải.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, khi đề cập đến tuổi nghỉ hưu phải có tầm nhìn dài hạn và tính đến yếu tố già hóa dân số trong tương lai gần, vấn đề cân bằng giới, thị trường lao động… Phó Chủ tịch Quốc hội ủng hộ phương án tăng tuổi hưu nữ 60, nam 62 nhưng là theo lộ trình chứ không phải tăng ngay.

“Xu hướng tiến bộ là tăng lương giảm giờ làm, tại sao lại tăng giờ làm thêm? Người lao động cứ quần quật làm việc trong nhà máy 48 giờ mỗi tuần thì thời gian đâu để họ chăm sóc gia đình, con cái, chưa nói đến bản thân họ có được tái tạo sức lao động hay không” Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu

MỚI - NÓNG
Lai Châu bổ sung hơn 250 biên chế sự nghiệp giáo dục
Lai Châu bổ sung hơn 250 biên chế sự nghiệp giáo dục
TPO - Tại Kỳ họp thứ hai mươi (Kỳ họp chuyên đề) HĐND tỉnh Lai Châu khóa XV thông qua 13 nghị quyết có ý nghĩa quan trọng, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong đó, tỉnh có Nghị quyết phê duyệt bổ sung hơn 250 biên chế sự nghiệp giáo dục năm 2024.