Tăng giá để kéo CPI?

Giá các mặt hàng thiết yếu liên tục tăng có thể đẩy giá cả thị trường tăng mạnh thời gian tới. Ảnh: Ngọc Mai.
Giá các mặt hàng thiết yếu liên tục tăng có thể đẩy giá cả thị trường tăng mạnh thời gian tới. Ảnh: Ngọc Mai.
TP - Nhà nước sẽ không bao cấp giá các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu như: điện, xăng dầu, nước, giáo dục, y tế mà sẽ tăng giá, phí để tiếp cận thị trường. Với mục tiêu này, tới đây sẽ có làn sóng tăng giá mới, nhưng đâu là điểm dừng của giá thị trường?

Bài 1: Cẩn trọng khi tăng giá đồng loạt

Bốn tháng qua, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) liên tục giảm,  nên giờ có thể là lúc để Chính phủ tăng giá các mặt hàng thiết yếu, nhiều chuyên gia nhận định. Tuy nhiên, nếu điều này xảy ra, nhiều doanh nghiệp sẽ lâm vào thế khó khăn hơn, thậm chí phá sản.

Giá thị trường nhưng chưa có thị trường

Tính hết tháng 2/2015, đã 4 tháng liên tục CPI tháng sau giảm hơn tháng trước. Trong khi đó, mục tiêu điều hành lạm phát năm 2015 của Chính phủ là kiềm chế dưới 5%. Để đạt mục tiêu lạm phát này, sẽ phải có những “cú” hích về giá mặt hàng thiết yếu. Điển hình như tăng giá điện thêm 7,5% so với giá cũ từ ngày 16/3 (trước đó, giá xăng dầu tăng khoảng 10% từ  ngày 11/3). Việc tăng giá 2 mặt hàng thiết yếu này được thực hiện ngay vào tháng Tết Nguyên đán Ất Mùi - điều chưa từng xảy ra vào những năm trước đây, có thể giúp CPI tháng 3 được cải thiện, nhưng khó khăn sẽ đổ đầu DN và người dân.

“Điều cốt yếu hiện nay không phải là tăng giá, mà cần khắc phục những hạn chế về năng suất, chất lượng, lãng phí… để giúp kinh tế phục hồi”.

Chuyên gia giá cả TS  Ngô Trí Long

TS Ngô Trí Long (nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Giá cả - Bộ Tài chính) cho biết: “Nếu căn cứ vào CPI thấp để tăng giá các mặt hàng thiết yếu là không ổn với điều hành vĩ mô và làm tổn hại cho nền kinh tế, đi ngược lại kinh tế thị trường. Điều hành giá phải phụ thuộc mặt bằng giá để điều chỉnh”. Đặc biệt, theo vị chuyên gia này, dù CPI thấp, nhưng chưa vững chắc, giá thấp không phải do năng suất, chất lượng, hiệu quả của nền kinh tế mà do giá xăng dầu giảm; tồn kho tăng nên DN phải giảm giá để giải phóng hàng tồn.

GS.TS Đặng Đình Đào, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển (ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội), cũng đồng tình: Trong khi các yếu tố thị trường của chúng ta chưa hình thành đầy đủ mà điều hành giá tăng liên tục và nói để tiếp cận thị trường là không phù hợp.

“Nếu chỉ điều hành giá một số mặt hàng theo thị trường thì rõ ràng đang làm thị trường méo mó. Những lý giải để tăng giá rõ ràng không thuyết phục người dân, mang cảm tính lãnh đạo và thể hiện rõ sự độc quyền trong kinh doanh (khi môi trường cạnh tranh chưa có). Ngoài ra còn hàm ý cả lợi ích nhóm trong đó. Điều này đang đẩy bất lợi cho người tiêu dùng”, ông Đào nói.

Theo TS Đào, các nước trên thế giới đều tận dụng giá xăng dầu thấp để kích thích sản xuất, tăng trưởng, còn ta lại tăng giá, tăng thuế. Ngược đời hơn nữa, theo vị chuyên gia này, DN xăng dầu vẫn cứ kêu lỗ, điều này chưa lý giải được.

TS Ngô Trí Long cũng cảnh báo, CPI giảm tạo tâm lý chờ hạ giá mới mua của người dân, người dân không mua buộc DN phải giảm giá, thậm chí bán lỗ và đối mặt nguy cơ phá sản. “Đấy là những điều rất nguy hiểm cho nền kinh tế”, ông Long nói.

Trong bối cảnh đó, theo ông Long, nếu nới rộng chính sách tiền tệ (bằng đầu tư công, bơm tiền cho nền kinh tế) có thể đẩy lạm phát tăng. Do đó, theo ông Long, điều cốt yếu hiện nay không phải là tăng giá để tăng CPI, mà cần khắc phục những hạn chế về năng suất, chất lượng, lãng phí… giúp kinh tế phục hồi.

TS Lưu Bích Hồ (nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Phát triển - Bộ KH&ĐT) cho rằng, không nên vì mục tiêu tăng trưởng (tăng GDP) mà điều chỉnh giá tăng để kéo CPI lên. Theo đó, để thúc đẩy tăng trưởng cần nhiều yếu tố, hiện Việt Nam đang quá tập trung vào bơm vốn.

“Bơm vốn phải nâng được chất lượng tăng trưởng, thúc đẩy tái cơ cấu. Còn nếu chỉ để đổi vài điểm tăng trưởng, tăng thêm ít nguồn thu thì sang năm chẳng còn gì nữa và chúng ta mãi kéo dài tình trạng trì trệ hiện nay”, ông Hồ nói.

Phải tính các kịch bản tăng giá

Trong 2 tháng đầu năm 2015, dù trùng với tháng Tết Nguyên đán Ất Mùi, nhưng CPI đều giảm. Với viễn cảnh hiện nay, có thể nhận thấy mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới 5% của Chính phủ gần như sẽ đạt được.

Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, CPI những tháng qua liên tục giảm chủ yếu do giá xăng dầu trong nước được điều chỉnh giảm. Tuy nhiên, lạm phát của nền kinh tế phụ thuộc vào nhiều yếu tố, như: Cung - cầu; giá mặt hàng nhập khẩu; tiền tệ… Vì vậy, với riêng yếu tố xăng dầu chưa thể nói lạm phát năm 2015 sẽ được kiểm soát ở mức thấp.

Về khả năng điều hành giá thời gian tới của Chính phủ do CPI thấp, ông Lâm cho biết, Chính phủ đã xây dựng lộ trình điều chỉnh giá các mặt hàng thiết yếu trong điều kiện mục tiêu lạm phát 5%. “CPI thấp là một yếu tố để Chính phủ điều chỉnh giá một số mặt hàng thiết yếu sát với giá thị trường, đồng thời vẫn đạt mục tiêu kiểm soát lạm phát”, ông Lâm nói.

Theo ông Lâm, năm nay, dù yếu tố chi phí tiếp tục giữ lạm phát ở mức thấp, nhưng những rủi ro tiềm ẩn về giá xăng dầu là áp lực cho kiểm soát lạm phát. Vì vậy, ông Lâm đề xuất, các bộ ngành cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường; kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật trong kinh doanh xăng dầu (đặc biệt với hệ thống đại lý bán lẻ).

Với điều hành giá cả, trước khi thực hiện cần xây dựng kịch bản tác động. “Ngoài ra, thời điểm điều chỉnh giá các mặt hàng thiết yếu rất quan trọng, cần tránh gây tác động lan tỏa về mặt tâm lý lên CPI”, ông Lâm nói. Ông Lâm dự báo, CPI tháng 3 có thể tăng, nhưng không nhiều, nhờ tác động của lần tăng giá xăng dầu hôm 11/3, và tăng giá điện vào ngày 16/3 tới.

(còn nữa)

MỚI - NÓNG