Tăng giá 1.800 dịch vụ y tế: Bệnh nhân mãn tính than trời

Sau tăng giá viện phí, liệu tình trạng này có còn tái diễn. Ảnh chụp tại một bệnh viện ở TPHCM. Ảnh: L.N.
Sau tăng giá viện phí, liệu tình trạng này có còn tái diễn. Ảnh chụp tại một bệnh viện ở TPHCM. Ảnh: L.N.
TP - Với mức tăng giá 1.800 dịch vụ y tế, ước tính viện phí tăng so với trước đây 20-30%. Kèm với những điều Bộ Y tế cho là người bệnh sẽ được hưởng lợi thì nhiều bệnh nhân sẽ phải đối mặt với khó khăn khi điều trị các bệnh nặng, mãn tính…

Người dân lo lắng

Việc điều chỉnh giá 1.800 dịch vụ y tế theo quy định mới khiến nhiều người dân lo ngại, nhất là những người mắc bệnh hiểm nghèo, bệnh mãn tính phải điều trị lâu dài.

Ông N.V.M (57 tuổi, ở huyện Thái Thuỵ, tỉnh Thái Bình) đang điều trị ung thư thực quản tại BV K (Hà Nội) cho biết, khi nhập viện điều trị do chưa có thẻ BHYT nên phải đóng 26 triệu đồng để được xạ trị 29 mũi. Thấy mức đóng quá cao lại nghe tin sắp tăng giá nhiều dịch vụ y tế nên ông M. báo người thân ở quê mua BHYT để hy vọng  giảm bớt được viện phí. 

Hôm nay (14/10), nộp thẻ BHYT mới cho BV, ông M. được BV trả lại 18 triệu đồng. Bệnh nhân M. chia sẻ: “Có thẻ BHYT nhưng tôi vẫn phải cùng chi trả 20%, đây thực sự là số tiền lớn với người làm ruộng như tôi. Nghe báo chí nói giá dịch vụ y tế sắp tăng đến 20-30%, tôi và những bệnh nhân cùng điều trị lo lắm, nhưng có bệnh không lẽ nằm chờ chết, mà chữa thì tiền nong chật vật…”.

Chị H.Th. (tỉnh Phú Thọ) điều trị ung thư vú giai đoạn 2 tại BV K cho hay mỗi lần nhập viện điều trị phải làm các xét nghiệm, chụp CT, xạ trị… được BHYT thanh toán 80% nhưng số tiền còn lại phải đồng chi trả cũng không nhỏ. Chị Th. lo lắng nếu giá viện phí tăng sẽ khó khăn thêm cho gia đình vì còn nuôi 2 con nhỏ ăn học. 

Chị Th. chia sẻ: “4 năm trước tôi bắt đầu chữa bệnh ở BV K, đến nay đi khám vẫn thấy chưa có nhiều thay đổi về thái độ phục vụ, cách phát số khám bệnh không khoa học, không có nhân viên hướng dẫn ban đầu cho bệnh nhân như BV tuyến tỉnh. Tăng giá liệu có thực sự thay đổi được thực trạng đó không?”.

Tại BV Bạch Mai, bệnh nhân N.T.L (55 tuổi), bị suy thận độ 4, đang chạy thận nhân tạo. Trong gần 2 năm qua ông L. phải cùng chi trả BHYT hơn 20 triệu đồng cho các chi phí trong quá trình lọc máu chu kỳ. Ông L. cho biết mình mới tham gia BHYT được 2 năm nên trong hơn 2 năm tới sẽ phải tự thanh toán số tiền khoảng hơn 60 triệu đồng mới đủ điều kiện để quỹ BHYT chi trả số tiền lớn hơn 6 tháng lương cơ sở. Ông L. bày tỏ: “Đọc báo, xem ti vi thấy thông báo sẽ tăng giá dịch vụ y tế, những bệnh nhân mạn tính như tôi lo lắm vì không có tiền thì không được chạy máy, thế chỉ có chết”.

Tăng thêm 20%-30%

Theo thông tư liên bộ sắp ban hành, khoảng 1.800 dịch vụ y tế được điều chỉnh giá. Cụ thể gồm: giá khám bệnh theo hạng bệnh viện (BV); giá ngày giường (theo hạng BV và chuyên khoa) và giá dịch vụ kỹ thuật, nhóm kỹ thuật (áp dụng chung cho các hạng BV). 

Ngoài ra, 26 loại hình dịch vụ y tế với hàng chục ngàn hạng mục thuộc các chuyên ngành: hồi sức cấp cứu, chống độc, nội khoa, nhi khoa, ngoại lao, da liễu, tâm thần, nội tiết, ngoại khoa, bỏng, ung bướu, phụ sản, tạo hình thẩm mỹ, nội soi được kết cấu giá theo mức phẫu thuật, thủ thuật loại đặc biệt, loại I, II và III. Trong đó mỗi phẫu thuật loại đặc biệt sẽ gánh thêm khoảng 1,5 triệu đồng phụ cấp và gần 980.000 đồng tiền lương cho một kíp mổ từ 6-8 người.

Mức giá do liên bộ dự kiến ban hành có bổ sung chi phí chi trả phụ cấp đặc thù (bao gồm phụ cấp thường trực 24/24h, phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật) và tiền lương. Ví dụ, đặt nội khí quản cấp cứu sơ sinh và thở máy giá khi chưa có tiền lương là 950.600 đồng; tiền lương 138.535 đồng; phụ cấp 91.500 đồng. Như vậy giá sẽ tăng lên 1.042.100 đồng. 

Tương tự phẫu thuật nội soi cắt tử cung sẽ điều chỉnh từ 11.362.100 đồng lên 11.952.100 đồng - tăng 590.000 đồng và sau đó tăng tiếp lên 12.494.300 đồng. Trong khoảng 1.800 dịch vụ kỹ thuật được điều chỉnh lần này, tăng nhiều nhất là các phẫu thuật, thủ thuật đặc biệt như phẫu thuật nội soi nhi khoa robot, thay khớp háng do lao phụ cấp cộng thêm vào lên đến 1,5 triệu đồng.

Ông Nguyễn Ngọc Hiền, Phó Giám đốc BV Bạch Mai cho biết, nếu tính đúng, tính đủ ước tính giá dịch vụ y tế tại BV Bạch Mai sẽ tăng gấp đôi so với hiện nay.

Ông Hiền cho hay: Chủ trương tính đúng, tính đủ viện phí cũng là vì người bệnh, hướng tới phục vụ người bệnh tốt hơn. Khi đó bắt buộc BV phải tự chủ về tài chính, đây là một áp lực rất lớn đối với các BV. Nếu không làm tốt người bệnh sẽ không đến khám chữa bệnh đồng nghĩa với việc BV không có tiền để trang trải các khoản chi.  

Tính lương vào giá dịch vụ để nhà nước khỏi chi trả

Trao đổi với Tiền Phong việc tăng giá dịch vụ y tế tới đây, bà Nguyễn Thị Khá, Ủy viên Thường trực Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, việc tăng trên sẽ không ảnh hưởng gì đến những người đã tham gia bảo hiểm y tế. Có tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế thì mới có điều kiện để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.

Cũng theo bà Khá, việc tính tiền lương, phụ cấp đặc thù vào giá dịch vụ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế là điều hợp lý. Bởi tới đây, nhà nước sẽ giảm dần việc đầu tư và chi thường xuyên cho ngành y tế, trong đó có việc chi trả lương và các hoạt động khác của các bệnh viện. 

Các bệnh viện sẽ phải tự chủ, tự trả lương cho cán bộ và các bác sỹ làm trong bệnh viện căn cứ tỷ lệ người tham gia bảo hiểm khám chữa bệnh ở đó. Do đó, việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế, bảo đảm tính đúng, tính đủ là phù hợp. “Bây giờ nhà nước sẽ tính toán xem bệnh viện đảm nhận được các phần nào thì nhà nước cắt phần đó đi. Phần nào mà bệnh viện chưa đảm nhận được thì nhà nước mới hỗ trợ, cấp ngân sách, chứ không cấp tất cả như trước nữa”, bà Khá nói.

                Văn Kiên

MỚI - NÓNG