Tăng cường đầu tư vào an sinh xã hội sau đại dịch

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Chuyên gia Tổ chức Lao động Quốc tế nhìn nhận, việc tăng cường đầu tư vào an sinh xã hội chính là đầu tư cho nguồn nhân lực quốc gia sau đại dịch, đồng thời góp phần hoàn thiện độ bao phủ chính sách và giúp chống chọi với các cú sốc về kinh tế.

Ngày 20/9, tại TPHCM, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp Hội đồng Lý luận Trung ương, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tổ chức Hội thảo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XI về một số vấn đề chính sách xã hội giai đoạn 2012 – 2020 (khu vực phía Nam).

Tăng cường đầu tư cho an sinh xã hội

Trao đổi tại hội thảo, ông Bùi Tôn Hiến - Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, đến năm 2021, Việt Nam đã xác nhận được trên 9,2 triệu người có công, trong đó có trên 1,2 triệu người có công được hưởng trợ cấp thường xuyên.

Tăng cường đầu tư vào an sinh xã hội sau đại dịch ảnh 1

Ông Bùi Tôn Hiến trao đổi tại hội thảo. Ảnh: Ngô Tùng

Theo ông Bùi Tôn Hiến, qua 2 năm ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, phản ứng chính sách của Chính phủ là tích cực nhưng cũng còn bộc lộ một số khoảng trống an sinh.

Việt Nam đề ra mục tiêu đến năm 2030 sẽ hoàn thiện hệ thống chính sách xã hội hướng đến bao phủ toàn dân, bao trùm và toàn diện. Đến năm 2045, xây dựng xã hội phát triển, hiện đại, hài hòa và bền vững; tất cả công dân đều có cơ hội tham gia, phát triển và được bảo đảm an sinh xã hội, được hưởng phúc lợi xã hội cao.

Ông Trịnh Đức Tài - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Dương nhận định, có nhiều giai đoạn tỉnh thực hiện chuẩn nghèo cao gấp đôi so với chuẩn nghèo trung ương; đảm bảo chăm lo tốt chế độ cho các gia đình chính sách trên địa bàn, trong đó thực hiện nhiều chính sách đặc thù cho người có công với cách mạng. Cùng với đó, các phong trào đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn được thực hiện với nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả.

Tăng cường đầu tư vào an sinh xã hội sau đại dịch ảnh 2

Giám đốc quốc gia ILO tại Việt Nam - bà Ingrid Christensen.

Bà Ingrid Christensen - Giám đốc quốc gia ILO tại Việt Nam nhìn nhận, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết của Hội nghị T.Ư 5 khóa XI, dù đạt được nhiều kết quả nổi bật về các chính sách hỗ trợ xã hội, tuy nhiên Việt Nam cũng còn nhiều khó khăn, thách thức và cần nỗ lực hơn nữa để đảm bảo an sinh xã hội cho tất cả mọi người.

Bà Ingrid Christensen cho rằng, để thực hiện tốt mục tiêu này, Việt Nam cần tăng cường đầu tư vào an sinh xã hội. Đây là động lực chính để đảm bảo phục hồi sau đại dịch, đồng thời cũng là đầu tư vào nguồn nhân lực sau đại dịch, góp phần vào việc hoàn thiện độ bao phủ chính sách và giúp người dân chống chọi với các cú sốc về kinh tế.

Cần cách tiếp cận mới trong thực hiện chính sách xã hội

Tăng cường đầu tư vào an sinh xã hội sau đại dịch ảnh 3

Chuyên gia Bùi Sỹ Lợi trao đổi tại hội thảo.

Tại hội thảo, TS. Bùi Sỹ Lợi - nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội của Quốc hội nhìn nhận hệ thống chính sách đôi lúc chưa đảm bảo tính toàn diện và đáp ứng được nhu cầu của người dân, đặc biệt là y tế cơ sở, y tế dự phòng, vốn được bộc lộ rõ sau đại dịch vừa qua.

Vị chuyên gia kiến nghị cần thống nhất thực hiện chính sách xã hội theo hướng chia sẻ giữa nhà nước, xã hội và người dân. Cùng với đó phải đổi mới đồng bộ, mạnh mẽ về thể chế, thiết kế lại hệ thống cung cấp dịch vụ xã hội theo hướng hiệu quả, công bằng và minh bạch.

Tăng cường đầu tư vào an sinh xã hội sau đại dịch ảnh 4

Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương Phạm Văn Linh.

Kết luận hội thảo, ông Phạm Văn Linh - Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng việc thực hiện chính sách xã hội cần đảm bảo tính kiên trì, bền vững và “lấy con người làm trung tâm trong tất cả chính sách”.

Mặt khác, chính sách xã hội không thể ngắt quãng mà phải có tính kế thừa, học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình hay cùng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.

Ông Linh cho rằng đại dịch COVID-19 vừa qua chính là phép thử lớn về chính sách xã hội, qua đó đánh giá được tính bền vững của từng chính sách cụ thể. Do đó, chính sách xã hội phải sát với thực tiễn và có cách tiếp cận mới.

Sau 10 năm, kết quả thực hiện Nghị quyết Hội nghị T.Ư 5 khóa XI đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Hệ thống chính sách xã hội đã cơ bản đảm bảo công bằng, toàn diện, bao trùm, tiệm cận các tiêu chuẩn quốc tế, đảm bảo cơ bản quyền an sinh của người dân, góp phần phát triển kinh tế, ổn định chính trị và trật tự xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

Hầu hết các chỉ tiêu đều đạt và vượt mục tiêu nghị quyết với nhiều điểm sáng trong lĩnh vực người có công, giảm nghèo và an sinh xã hội. Chỉ số phát triển con người (HDI) năm 2020 đạt 0,706, có sự cải thiện trong bảng xếp hạng của Liên Hợp Quốc.

Chính sách ưu đãi người có công được quan tâm đặc biệt và là chính sách tốt nhất trong các chính sách xã hội; phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” được triển khai sâu rộng.

Chính sách an sinh xã hội khẳng định vai trò là xương sống của hệ thống chính sách xã hội trong phòng ngừa, giảm thiểu và khắc phục các rủi ro của người dân trong cuộc sống...

MỚI - NÓNG