Ngày 15/9, tại TPHCM, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) phối hợp với Tổ chức phát triển công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO) tổ chức hội thảo Phát triển khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam: Chính sách và giải pháp thực hiện.
Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Dự án Triển khai khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam theo hướng tiếp cận từ Chương trình khu công nghiệp sinh thái toàn cầu, do Cục Kinh tế - Liên bang Thụy Sĩ (SECO) tài trợ.
Quang cảnh hội thảo (Ảnh: Ngô Tùng). |
Ông Võ Văn Hoan - Phó Chủ tịch UBND TPHCM - cho rằng, các khu chế xuất, khu công nghiệp (KCN) đang hoạt động cần có những định hướng nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tính toán chuyển đổi mô hình theo hướng hiệu quả hơn.
Theo ông Võ Văn Hoan, TPHCM cam kết phối hợp chặt chẽ với Bộ KH&ĐT, UNIDO thực hiện Dự án Triển khai KCN sinh thái theo hướng tiếp cận từ chương trình KCN sinh thái toàn cầu tại TPHCM, trong đó KCN Hiệp Phước (huyện Nhà Bè) được chọn tham gia dự án. Kết quả của dự án sẽ là tiền đề để nhân rộng chuyển đổi các KCN hiện hữu sang mô hình KCN sinh thái tại TPHCM và trên cả nước.
Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Thị Bích Ngọc cho rằng, vượt lên trên tầm nhìn phát triển KCN sinh thái, hội thảo cũng đã đề cập đến những vấn đề lớn mang tầm quốc gia, như chuyển đổi năng lượng của Việt Nam.
Theo lãnh đạo Bộ KH&ĐT, phát triển KCN, khu kinh tế (KKT) theo hướng bền vững - xanh là xu thế tất yếu và lựa chọn tối ưu cho phát triển bền vững.
“Việt Nam là đất nước đang phát triển, nguồn lực còn hạn chế, nhưng đã có những bước đi quan trọng trong quá trình này. Đây là bước đi đúng đắn, khả thi, tối ưu cho dài hạn, tuy nhiên cũng là thách thức lớn trong thời gian tới, đòi hỏi cần có sự chuyển đổi tương xứng về mọi mặt để biến định hướng này thành hiện thực”, bà Ngọc nhận định và nói thêm, ngoài sự nỗ lực lớn từ Chính phủ, cần phải có sự phối hợp đồng bộ, toàn diện từ tất cả các bên có liên quan, sự đồng lòng của người dân, cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức, đối tác quốc tế.
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Thị Bích Ngọc. |
Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc cũng cho rằng, nguồn lực công - tư trong việc chuyển đổi, phát triển mô hình KCN sinh thái đang đặt ra cho Việt Nam một “cuộc chơi” mới nhằm tiến tới Net zero (mức phát thải ròng bằng 0). “Điều đó đặt ra vai trò và trách nhiệm của nhiều bên có liên quan, trong đó Chính phủ và các bộ, ngành có trách nhiệm xây dựng kế hoạch, chiến lược hành động tổng thể trên phạm vi quốc gia và làm cơ sở cho các địa phương và từng KCN triển khai thực hiện một cách bài bản”, bà Ngọc đánh giá.
Theo bà Ngọc, cần xây dựng bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn để theo dõi, giám sát các KCN sinh thái. Bộ tiêu chí này phải đánh giá dựa trên khung quốc tế chứ không chỉ đánh giá trên khung của Việt Nam; đồng thời cần có một hệ thống thông tin để có cơ sở theo dõi, đánh giá và giám sát tổng kết, rút kinh nghiệm. Từ đó, cộng đồng doanh nghiệp cũng có thể tự xây dựng và thực hiện các giải pháp hiệu quả về tài nguyên, sản xuất sạch hơn và cộng sinh công nghiệp. Mặt khác, cần xây dựng hành lang pháp lý để tạo "sân chơi" cho mô hình KCN sinh thái.
Bà Ngọc cho biết, tới đây Bộ KH&ĐT sẽ khuyến nghị các cơ quan hữu quan xây dựng các chính sách, công cụ để huy động nguồn lực cho phát triển xanh và bền vững. Theo đó, phải hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về huy động thị trường tài chính trong nước và quốc tế thông qua các công cụ tài chính xanh như trái phiếu xanh, tín dụng xanh, bảo hiểm xanh; đồng thời từng bước vận hành thị trường tín chỉ các-bon, hoàn thiện các công cụ thuế để kiểm soát các hoạt động phát thải các-bon...
Đến năm 2030, có 40-50% địa phương thực hiện KCN sinh thái
Theo báo cáo tổng kết 30 năm phát triển KCN, KKT của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã được Chính phủ đồng ý, đến năm 2030 sẽ có từ 40-50% địa phương có kế hoạch chuyển đổi các KCN hiện hữu sang KCN sinh thái và 8-10% địa phương có định hướng xây dựng KCN sinh thái mới từ bước lập quy hoạch xây dựng và định hướng ngành, nghề thu hút đầu tư. Việc quan tâm xây dựng mới KCN sinh thái được thực hiện đồng thời với việc chuyển đổi KCN truyền thống sang KCN sinh thái.