Cần sự hỗ trợ của Nhà nước
Chính phủ đề xuất đưa sách giáo khoa vào diện nhà nước định giá khi sửa đổi Luật Giá. Chủ trương này nhận được sự đồng tình ủng hộ của các đại biểu Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, khi cho ý kiến về Luật Giá sửa đổi. Lý do vì, sách giáo khoa là mặt hàng thiết yếu và tác động rất lớn đến đời sống người dân.
Cho ý kiến về việc này, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh lý giải, thực hiện Nghị quyết Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, trong luật cũng đã đưa sách giáo khoa vào danh mục được Nhà nước định giá và giao cho Bộ GD&ĐT quyết định giá tối đa. “Về ý này chúng tôi hoàn toàn nhất trí”, ông Vinh nói.
Tuy nhiên, thực tế dư luận vẫn có một số ý kiến trái chiều, cho rằng để các nhà xuất bản, các đơn vị tham gia kinh doanh về sách thì chuyện định giá hạn chế rất nhiều trong việc sáng tạo ra các bộ sách giáo khoa.
Về việc này, ông Vinh cho rằng, trước mắt việc này dứt khoát “phải định giá và quản lý giá tối đa” như luật đã quy định, cũng như thẩm tra của Ủy ban Tài chính Ngân sách đã nêu.
“Còn về lâu dài, chúng tôi mong muốn Bộ GD&ĐT với chức trách là cơ quan quản lý nhà nước, nên xây dựng một bộ sách giáo khoa của Bộ, ngành giáo dục để dùng bộ sách của Nhà nước. Đây chính là một yếu tố để đảm bảo điều kiện tối thiểu cho học sinh và dùng bộ sách đó để dẫn dắt giá thì hay hơn việc phải quy định giá cho tất cả các loại bộ sách”, ông Nguyễn Đắc Vinh nêu.
Thẩm tra nội dung này, Uỷ ban Tài chính Ngân sách cũng nhấn mạnh, sách giáo khoa, đây là mặt hàng thiết yếu, có phạm vi ảnh hưởng rất rộng, tác động trực tiếp đến người dân, trong đó có người thu nhập thấp. Vì vậy, cần thiết phải kiểm soát, khống chế giá để bảo đảm không tác động tiêu cực đến người tiêu dùng.
“Tuy nhiên, hiện nay có nhiều đơn vị được phép phát hành sách, thị trường có tính cạnh tranh. Do vậy, Thường trực Ủy ban đề nghị Nhà nước quy định giá bán tối đa; không ấn định giá, để các đơn vị phát hành sách quyết định giá bán cụ thể nhằm tạo tính cạnh tranh, góp phần hạ giá bán, bảo đảm và quyền lợi của người dân”, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính Ngân sách nêu.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh quan điểm, những mặt hàng đưa vào định giá là để quản lý, bảo vệ lợi ích chung của nền kinh tế, bảo vệ lợi ích của nhân dân, của người tiêu dùng và đảm bảo cho việc phát triển một cách hài hòa, hợp lý.
Tại sao sách giáo khoa lại đưa vào nhà nước định giá? Điều này cũng đã được phản ánh ở diễn đàn Quốc hội. “Sách giáo khoa mỗi nơi một giá, trong khi sách giáo khoa lại có ảnh hưởng đến đại đa số người nghèo, cho nên cần phải có sự hỗ trợ hay điều chỉnh của Nhà nước”, ông Phớc lý giải.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh |
Bộ trưởng “ra điều kiện khi anh em xin nghỉ việc”
“Tư lệnh” ngành tài chính cũng giãi bày những khó khăn trong quá trình làm luật. Theo ông, khi làm Tổng Kiểm toán nhà nước, trong 5 năm chỉ sửa một bộ luật đã thấy rất vất vả. “Nhưng sang đây (Bộ Tài chính) làm 13 bộ luật, chưa kể thông tư, nghị định, liên tục phải đọc, phải tổ chức hội nghị, nghiên cứu, tiếp thu, rất vất vả, trong khi bộ máy hiện nay rất khó khăn, anh em xin nghỉ việc nhiều, kể cả vụ phó cũng xin nghỉ việc, trưởng phòng cũng xin nghỉ việc, tôi phải gặp và động viên suốt”, ông Phớc bày tỏ.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc |
Bộ trưởng Tài chính cũng cho biết, vừa hôm trước, khi gặp một trưởng phòng của Cục Quản lý giá để thuyết phục ở lại và ông phải đưa ra điều kiện:
“Em đã làm ở Bộ Tài chính 20 năm rồi, có 2 bằng đại học, 1 bằng thạc sĩ rồi, lại giỏi tiếng Anh, bây giờ em bỏ ra em làm gì?
Cô ấy bảo, em không làm gì, em chỉ nghỉ thôi.
Tôi nói, nếu ở lại, tôi có thể chuyển cô sang bộ phận khác ít rủi ro hơn, nhàn hơn. Rồi cô ấy bảo, nếu thế hóa ra em phản bội anh em. Bây giờ cục khó khăn, em lại chuyển đi cục khác, em chỉ xin về thôi”.
Chia sẻ về những khó khăn về bài toán nhân sự, song ông Phớc vẫn khẳng định quyết tâm, nỗ lực trong giai đoạn này, để làm thế nào hoàn thành được nhiệm vụ được giao.