Tận thấy những phu vác đá tuổi chín, mười

Tận thấy những phu vác đá tuổi chín, mười
TP - Hòa trong tiếng động long óc, bụi dày như sương sa và sự rình rập của đá lở, khoảng hơn 100 em nhỏ dưới 9-10 tuổi hăng say bốc vác đá.

Hai lần tôi đến lèn đá này đều bị ho sặc sụa vì bụi và càng làm cho nỗi thương cảm các em nhỏ cần mẫn làm công việc nặng nhọc quá sức đối với cả người lớn, tìm kiếm bát cơm, manh áo...

Tuổi thơ hòa bụi đá

Buổi chiều, tôi hướng theo tiếng ì ầm mà tìm đến công trường khai thác đá ở mỏ đá Cù Hải (xã Quỳnh Văn, Quỳnh Lưu). Gió mùa đông bắc bạt từ trên đỉnh dãy núi đá cao cỡ trên trăm mét xuống vừa lạnh vừa cuốn theo bụi đá bốc lên. Thế mà hàng chục em nhỏ nhễ nhại mồ hôi trong áo mỏng hì hục bê đá lèn.

Công trường khai thác đá này chạy dài gần 1 km, cứ khoảng 50 m lại có một điểm tập kết đá để từ đây bốc lên xe vận chuyển đi. Gần 100% lực lượng tham gia bốc đá là các em nhỏ. Chỉ một nhóm vài người đàn ông làm công việc khoan đá, đu trên dây thừng cheo leo trên vách để khoan.

Nhìn những thớ đá chênh vênh trên đỉnh chực rơi xuống bất cứ lúc nào, nghĩ đến những vụ lở núi đá kinh hoàng tại Bản Vẽ (Tương Dương, Nghệ An); hay Thạch Bàn (Hà Tĩnh), Kim Bảng (Hà Nam) và gần đây nhất là vụ tai nạn thương tâm tại mỏ đá Lèn Nậy (Hoàng Mai, Quỳnh Lưu) hàng chục người chết và bị thương…, tôi thấy lạnh xương sống.

Những con người bé nhỏ kia đang đánh đu với số phận. Những lỗ khoan được nhồi thuốc nổ vào để đánh đá. Dưới chân lèn đá là con đường gồ ghề, các em nhỏ tụ tập chỗ này để đợi xe vào “ăn đá”. Mỗi khi có chiếc xe tải nào chạy vào, các em nhanh nhảu cầm rổ tre chạy theo, cuốn trong bụi.

Thường thì cứ 1 - 3 người lớn (toàn là phụ nữ) và 15 - 17 em nhỏ tập trung thành một nhóm bốc đá cho một xe tải. Nhìn Phạm Thị Tình, tôi không tin được em đã 14 tuổi. Vẹo lưng hất rổ đá lên vai và bước đi, khi đến chiếc xe tải, em rướn toàn thân hất đá vào thùng xe.

Nhưng rồi Tình cũng không còn gây sự ngạc nhiên cho tôi nữa bởi càng tiếp xúc tôi nhận thấy em nào cũng với thân hình còi cọc, bé tẹo như mới lên 9 lên 10. Một người phụ nữ trong tốp cho biết: “Đã có thâm niên bốn năm đi bốc đá nên hầu hết lũ trẻ này đều “sắt”, còi như rứa cả”.

Nguyễn Văn Mạnh – tài xế chiếc xe tải mà các em đang bốc đá, anh chép miệng nói với tôi: “Tội nghiệp lắm nhưng cũng chỉ vì miếng cơm manh áo. Hồi trước chưa có lệnh cấm xe công nông thì các cháu đỡ vất vả hơn chút vì thành xe thấp. Bây chừ toàn loại xe này, thành nó cao, sàn xe đã ngang bằng hoặc cao gấp rưỡi đầu bọn trẻ”.

Sau khi được đánh mìn, nhiều khối đá tảng lớn lăn xuống công trường. Những người thợ dùng búa chẻ ra thành nhiều loại đá. Sản phẩm cuối cùng là đá hộc, đá dăm hoặc đá xay để phục vụ xây dựng. Và công việc với sản phẩm cuối cùng này do chính các em nhỏ đảm nhận.

Xen với những chiếc xe tải nhỏ và vừa là xe tải lớn có trọng tải cỡ hàng chục tấn vào “ăn đá”. Trần Văn Bình (13 tuổi) nói: “Xe loại chi bọn em cũng bốc tuốt. Cũng may là dạo ni các xe thường hay ăn loại đá năm bảy (loại có kích cỡ khoảng 5 đến 7 cm) nên cũng đỡ nặng nhọc hơn đôi chút”.

Bốc xong một xe đá, nếu ở khu vực cạnh bên đã có người bốc, tốp “cửu vạn” nhí này lại ùa nhau ra chân lèn. Các em nữ (chiếm khoảng 2/3 số các em đi bốc đá), đứa trò chuyện, đứa ngồi bần thần ngoảnh về phía đầu đường đợi tiếng động cơ hoặc đám bụi bốc lên, đó là dấu hiệu có xe ô tô vào ăn đá. Các em nam tụ tập đùa nghịch nhau thật hồn nhiên.

Đám khác lại ngồi quây đánh bài. Tôi hỏi một em nhỏ nhất trong tốp: “Ở đây có ai bé nhỏ hơn em không?”. Em bẽn lẽn xoa tay lên mái đầu bạc phếch của bụi đá: “Có nhiều em học lớp ba lớp bốn cũng đi làm như cháu nhưng vào buổi sáng…”.

Tìm sách, áo nơi công trường

Tận thấy những phu vác đá tuổi chín, mười ảnh 1
Nỗi mệt nhọc dường như tan biến sau khi được trả 1.500 đồng

Sáng sớm hôm sau tôi trở lại lèn đá này. Sương mù còn dày đặc, nông dân chưa ra đồng nhưng bước chân của các em nhỏ đã sải đến công trường.

Các chủ xe tải muốn thêm chuyến, các chủ khai thác muốn tăng lượng đá bán, và các em nhỏ cũng đi sớm về muộn để hòa theo guồng làm việc.

Hàng chục em nhỏ đổ về điểm bốc đá, ở đó có những chiếc xe tải chờ sẵn. Trong tiếng động vọng ra từ những chiếc máy khoan đá, một em gái giới thiệu tên Phương (10 tuổi) rướn người bê rổ đá cao hơn đầu mới đổ đá được vào thùng xe.

Bê rổ đá bên phải, đầu ngả sang trái, phần giữa thân người oằn về bên phải, rồi tôi nghe tiếng “hự” khi em đạt độ gắng sức nhất để rổ đá vượt qua đầu chạm thành xe. Nhiều em trong những áo mỏng, quần xắn cao để lộ những đôi chân gầy đen nhẻm, xù xì.

Cũng có nhiều em chân đi dép lê mòn, vá víu; quần loang lổ màu trắng vì bụi đá quện mồ hôi. Có em cẩn thận bịt khăn ở mặt để giảm bụi, có em không khăn và chẳng mũ nón. Nhưng trên cơ thể mỗi em đều dính quện màu bột đá.

Một hình ảnh khiến cảm xúc của tôi nặng hơn khi nhìn khuôn mặt nào cũng trắng xoá những hàng lông mi; trắng tóc, trắng lỗ mũi và những hàm răng sữa màu nâu của sự cực khổ.

Một chiếc xe tải nữa chất đầy đá lại nhả khói bò ra khỏi mỏ đá, để lại 30.000 đồng tiền công bốc vác. Các em nhỏ xúm lại chia nhau, số tiền chia cho 20 lao động nhí. Cầm trên tay 1 ngàn rưỡi đồng, như đàn chim, các em lại tíu tít chờ chiếc xe khác để tiếp tục công việc.

Phạm Thị L. học sinh lớp 3 cho biết: “Bố mẹ vào Nam làm ăn cả, cháu ở với ông bà. Đi được mấy tháng rồi nhưng chưa thấy bố mẹ gửi tiền về, nhà không có tiền cháu ra đây đi bốc vác để giúp ông bà”.

Em Nguyễn Thị Hiền, học sinh lớp 4 cho biết: “Ông bà thương lắm và không muốn cho cháu đi làm nhưng cháu chưa có áo ấm mặc mùa đông này nên phải gắng…”. 

Với 1 ngàn rưỡi đồng sau khi bốc một xe ô tô đá, hơn 100 em nhỏ nơi này phải xoay xở không biết bao khoản chi tiêu, trong đó sách vở, tấm áo và miếng ăn luôn thiếu thốn thường trực.

Khai thác đá thủ công theo kiểu “hàm ếch”, phía trên đầu các em là vô số khối đá nặng hàng trăm tấn có thể đổ xuống bất cứ lúc nào. “Sợ thì rất sợ nhưng không có cách nào khác. Thi thoảng vẫn có đá rơi làm bị thương vài người” - Các em cho biết.

Trao đổi với thầy giáo Hoàng Nguyên Vẹn - Hiệu trưởng trường Tiểu học Quỳnh Văn B, thầy cho biết: “Trừ một số rất ít phụ huynh không quan tâm đến con cái, còn lại bố mẹ các em phải tha phương làm ăn. Vùng dân cư sống gần lèn đá hầu hết được di dân từ nơi khác đến đã từ khá lâu. Đất canh tác ít, bạc màu nên họ rất nghèo…”.

Tôi lại không cầm lòng được khi nghe thầy Vẹn kể: “Nhiều hôm làm lễ chào cờ, tôi đi xuống phía học sinh đang đứng xếp hàng, không ít em rét run trong manh áo mỏng. Hỏi thì các em cứ cúi mặt không trả lời. Tìm hiểu ra mới biết do hoàn cảnh không có điều kiện mua áo ấm, và đang gắng lên núi lèn bốc đá…”.

Bụi mịt mù như đuổi tôi ra khỏi mỏ đá, một tốp em gái nhỏ ngồi trên chiếc xe tải chất đầy đá, còi inh ỏi vượt qua tôi. Các em mờ trong bụi đá cuộn trắng đặc trên đoạn đường tôi về.

Đầu tôi nặng trĩu với ước mong làm sao các em sớm quên hẳn mỏ đá này…

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.