Tấm thẻ duy trì sự sống

Bệnh nhân Nguyễn Văn Tuyên, với 26 năm gắn bó và duy trì sự sống nhờ thẻ BHYT.
Bệnh nhân Nguyễn Văn Tuyên, với 26 năm gắn bó và duy trì sự sống nhờ thẻ BHYT.
Tấm thẻ Bảo hiểm y tế (BHYT) với đa số bệnh nhân mắc các bệnh nan y đã trở thành chiếc phao duy trì sự sống, giúp họ tiếp tục sống bên người thân, có mặt trên đời này. Đó cũng là minh chứng cho sự chia sẻ của cộng đồng với mỗi người kém may mắn. 

Theo suốt cuộc đời

Chúng tôi gặp anh Nguyễn Văn Tuyên (26 tuổi, quê huyện Ứng Hoà, Hà Nội) tại Trung tâm Hemophilia - Viện Huyết học và truyền máu Trung ương. Đã nhiều năm qua anh thành người thân của nơi nay vì căn bệnh Hemophilia (tan máu bẩm sinh). Mỗi tháng, anh Tuyên phải đến viện nằm điều trị, thời gian ở viện còn nhiều hơn ở nhà. “Từ 9 tháng tuổi mình đã phát hiện bị bệnh tan máu bẩm sinh. Suốt từ đó tới nay, đã 26 năm cuộc sống gắn với bệnh viện. Mỗi đợt điều trị tốn hàng trăm triệu đồng. Gần đây, bác sĩ còn cho biết, bệnh tôi đã chuyển sang thể kháng thuốc nên thời gian từng đợt điều trị sẽ dài thêm và chi phí cũng tăng lên. Đợt điều trị tháng 6 vừa qua, tổng chi phí hết hơn 1,04 tỷ đồng. Tất cả đều được BHYT thanh toán, nhờ nó mà tôi còn sống tới ngày hôm nay”, anh Tuyên chia sẻ.

Sinh ra trong gia đình nghèo, với nghề chính là làm ruộng, chăn nuôi và cửa hàng tạp hoá nhỏ, nếu không có thẻ BHYT và sự chia sẻ của cộng đồng, anh Tuyên không dám tin đời mình sẽ về đầu, liệu còn có ngày hôm nay. Thậm chí, để mưu sinh, bộ mẹ Tuyên đã phải xa quê vào Nam làm thuê kiếm sống. Nếu không được quỹ BHYT chi trả 100% chi phí điều trị thì anh Tuyên và gia đình đã bỏ cuộc từ lâu. “Tôi không nhớ mình có thẻ BHYT từ bao giờ. Từ khi còn rất nhỏ, tôi đã thấy tấm thẻ màu xanh này mẹ thường gói nilong cất kỹ trong tủ, khi đi lại kẹp vào ví cẩn thận. Mẹ tôi vẫn nói đó là “bùa hộ mệnh” của tôi. Quả thật, căn bệnh của tôi quá hiểm nghèo, điều trị lâu dài và rất tốn kém nhưng nhờ có thẻ BHYT mà tôi có thể yên tâm chữa bệnh”, anh Tuyên tâm sự.

Còn Ngô Công Thủy (24 tuổi, huyện Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh) mắc căn bệnh Bạch cầu mãn tính dòng tủy (một dạng của ung thư máu), dù không phải nằm viện nhưng hàng tháng chỉ cần đến khám và lấy thuốc theo đơn về uống. Thủy cho biết, mỗi viên thuốc Glivec điều trị bệnh này có giá 500.000 đồng, mỗi ngày phải uống 4 viên. Một tháng, Thủy phải uống 120 viên với tổng số tiền 60 triệu đồng. Từ nhiều năm nay, Thủy đã điều trị căn bệnh này 4 năm qua. “Khi biết mình mang bệnh, với chi phí thuốc men đắt đỏ, cả nhà gần như suy sụp. Vì với nghề đánh bắt hải sản vèn bờ, số tiền cho thuốc men là cả gánh nặng không thể vượt qua. Cũng may mình có thẻ BHYT, và được Quỹ BHYT thanh toán chi phí thuốc men, nhờ đó gia đình tìm thấy niềm hi vọng”, Thủy tâm sự. Chàng trai này kể, trước đây không bệnh tật gì nên cũng không để ý lắm tới mua thẻ BHYT, khi còn đi học thì mua theo diện bắt buộc. Chi khỉ bệnh tật ập xuống, khi đó mới thấy giá trị của tấm thẻ BHYT, cho thêm niềm tin, niềm hi vọng để chống chọi với bệnh tật. “Với nhiều người, thẻ ngân hàng có giá trị lớn nhất nhưng với em tấm thẻ BHYT mới là giá trị lớn nhất”, Thủ nói thêm.

Chiếc phao cứu những sinh mạng

BS. Nguyễn Thị Mai, Giám đốc Trung tâm điều trị Hemophilia (Viện Huyết học và truyền máu Trung ương) cho biết, chỉ riêng Trung tâm hiện điều trị cho hơn 1.000 bệnh nhân. Điều trị hemophilia phải dài ngày và chi phí rất tốn kém, trung bình khoảng 400 - 500 triệu đồng/năm/bệnh nhân. Nếu bệnh nhân nặng, ở thể kháng thuốc có thể lên tới cả tỷ đồng và người bệnh phải điều trị cả cuộc đời. Đây là số tiền không hề nhỏ ngay cả với cả những người giàu, chưa nói tới những người mặc bệnh đa số có hoàn cảnh khó khăn. Tuy nhiên, nếu tham gia BHYT người bệnh sẽ được chi trả từ 80 - 100% chi phí điều trị. “Thường xuyên tiếp xúc với bệnh nhân nên chúng tôi rất thấm thía tầm quan trọng và tính nhân văn của chính sách BHYT. Tham gia BHYT hằng năm sẽ là một việc làm cần thiết để mỗi người bảo vệ sức khỏe, kinh tế của bản thân và gia đình”, BS.Mai chia sẻ.

TS.Bạch Quốc Khánh - Viện trưởng Viện Huyết học và truyền máu Trung ương cũng khẳng định, BHYT có vai trò vô cùng quan trọng nhất là đối với những bệnh nhân không may mắc phải bệnh hiểm nghèo. Hiện nay, các cơ sở y tế ngày càng áp dụng những phác đồ điều trị, máy móc tiên tiến, hiện đại; chất lượng khám chữa bệnh tăng lên đồng nghĩa với chi phí cũng cao hơn. Do đó, nếu không có BHYT, người bệnh rất khó đủ điều kiện tiếp cận, thụ hưởng. “Tại Viện chúng tôi, có từ 97 - 98% người bệnh có thẻ BHYT. Đây chính là chiếc phao cứu sinh của các bệnh nhân. Nếu không có thẻ BHYT thì hầu hết người bệnh khó có thể điều trị được một, hai đợt hóa chất và sử dụng các dịch vụ, loại thuốc đắt tiền”, TS.Khánh nói thêm.

Theo BHXH Việt Nam, hết 6 tháng đầu năm, toàn quốc có hơn 84,7 triệu người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT), đạt tỷ lệ bao phủ BHYT 89,3% dân số, với tổng số thu đạt hơn 46.079 tỷ đồng. Trong cùng thời gian, toàn ngành đã thanh toán cho 86,73 triệu lượt người khám chữa bệnh nội trú và ngoại trú, với số chi ước hơn 49.021 tỷ đồng.

MỚI - NÓNG