Tấm bi minh về một người thày

0:00 / 0:00
0:00
TP - Tuần rồi, trên nhiều tờ báo xôm tụ một sự kiện. Tưởng nhớ Nhà giáo ưu tú Nguyễn Đình Thảng, dịp Tiết Thanh minh, những học trò các thế hệ (Khoa Văn ĐHTH Huế và Khoa Văn ĐHTH Hà Nội) đã chung tay phụng lập một văn bia tưởng niệm tại phần mộ thày tại xã Bình Phước, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.
Tấm bi minh về một người thày ảnh 1

Buổi lễ khánh thành bi minh Thày Nguyễn Đình Thảng

Văn bia, hay bi minh, phần chí bằng văn xuôi ghi chép tiểu sử, lai lịch. Phần minh bằng văn vần ngợi ca, phẩm bình.

Văn bia tưởng niệm thày Nguyễn Đình Thảng, ngắn gọn cô đọng nhưng đủ cả CHÍ cùng phần MINH (xin xem bản trích).

Tác giả là Cao Tự Thanh.

… Tâm trí tôi lại ngược về mùa đông 51 năm trước, năm 1972 ở thôn Sát Thượng, huyện Yên Phong - Hà Bắc. Cái làng quê yên ả bên sông Cầu khi hơn 100 sinh viên Khoa Văn Khóa 17 từ Vĩnh Linh và khắp vùng miền xứ Bắc về nhập học có vẻ chộn rộn bởi một sự lạ.

Có sự lạ ấy bởi ngoài hai chuyên ngành Văn và Ngôn ngữ lại thêm một ngành mới toanh, Hán Nôm! Nơm nớp, bởi chẳng may xui xẻo phải phân về Hán Nôm thì khốn. Con số không đủ nên các thầy và bộ phận tổ chức phải đi chiêu mộ thuyết phục. Cuối cùng lớp Hán Nôm ấy chỉ gom được có 13 cô cậu cả thảy!

Lớp Hán Nôm hình như khai giảng muộn.

Còn mồn một bữa rét tê tái cữ đông. Lòng ngôi đình làng Sát Thượng từng dùng làm nơi chứa rơm thóc, 13 cô cậu đồ bệt trên sàn bề bộn rơm. Ánh mắt ngay ngắn hướng lên một ông thày dáng đậm, chất giọng miền trong. Sau mới biết, đó là thày Thảng. Nguyễn Đình Thảng.

Chất giọng thày Thảng trầm trầm.

… Chữ Hán được sinh ra từ nền văn hóa Trung Hoa cổ đại, vào nước ta từ đầu Công nguyên, được các thế hệ cha ông ta Việt hóa nó, đọc bằng âm Hán Việt (tương tự như Hàn Quốc có âm Hán Hàn, Nhật Bản có âm Hán Hòa (Onyomi).

… Chữ Hán đã tạo nên hơn 70% vốn từ vựng tiếng Việt.

Có người nói nên gọi chữ Nho cho khỏi lầm. Nhưng nó không chuẩn, vì chữ ấy không chỉ dùng trong các văn bản Nho, mà cả Phật, Đạo hay những loại văn hóa khác.

Có người nói nên dùng chữ Hán Nôm. Tôi thì không dùng vì trên đời không có chữ đó, mà chỉ có chữ Hán và chữ Nôm.

Vậy chữ Hán không phải là tiếng Hán, càng không phải Trung văn.

Tại sao chúng ta phải học chữ Hán? vv…

Bữa học nhập môn của thày Thảng mà tôi nghe lỏm, đại loại thế!

Trong đám cậu đồ, cô đồ, tôi để ý có một gã chân bị tật một bên đi cà nhắc cà nhắc, điếu thuốc luôn nhệch một bên mép… Đấy là Cao Văn Dũng.

Dũng lầm lì ít nói. Mà nói thì khó nghe lắm. Chả phải âm sắc Nam bộ mà là kiểu nói. Cứ ngang ngang lại thêm các kiểu đệm khá chói tai.

Đầu năm 1973, chúng tôi rời nơi sơ tán về Hà Nội. Văn - Hán - Ngữ cùng ở một khu nhà nên quen.

Cao Văn Dũng có cái phong thái không ấp úng rụt rè như nhiều trò hồi ấy mà khá tự tin! Ở lớp Hán, Dũng nổi trội vì học cứng. Sức nhớ bền, dai.

Sau 4/1975 một dạo, đùng cái nghe nói Dũng đã thôi học vô Nam làm việc. Ai cũng tiếc cho sức học của Dũng. Lại nghe thêm thày chủ nhiệm lớp Hán Nôm Nguyễn Đình Thảng chuyển vô dạy ở ĐHTH Huế.

Mấy năm sau lại nghe Dũng trở ra Bắc học nốt năm cuối lớp Hán. Nghe nói do thày Thảng khuyên.

*

* *

Mãi lần ấy, ông bạn Nguyễn Thông cùng khóa 17 làm ở báo Thanh Niên dẫn tôi đến Cao Văn Dũng.

Tãi ra những nghiên cứu cùng dịch thuật là cảm hứng và nguồn sống của Dũng. Có lẽ trong lĩnh vực nghiên cứu Hán Nôm, duy nhất Cao Văn Dũng - Cao Tự Thanh là người nghiên cứu độc lập không thuộc biên chế Nhà nước. Cái nhà mà chúng tôi tới là nhà Dũng thuê. Nguyễn Thông cười, ở trong này, người ta kêu lão bằng ẩn sĩ, kỳ sĩ nhưng bọn tớ gọi Dũng là Hàn nho Nam Bộ Cao Tự Thanh!

Lớp Hán Nôm 13 cậu đồ, cô đồ nay đã chững chạc, thành danh những GS, PGS, TS những nhà nghiên cứu danh tiếng. Những Nguyễn Công Việt (từng giữ chức Viện trưởng Viện Hán Nôm nhiều năm), Hoàng Thị Ngọ, Trần Thị Kim Anh, Lê Thị Nga…

Trên cái giá sách nhà Dũng ken chật ít cuốn gáy dày mỏng đại diện cho hơn trăm cuốn sách dịch và mấy chục cuốn nghiên cứu của Cao Tự Thanh là tác giả hoặc viết chung.

Chất giọng rè ám khói thuốc của Dũng.

“May mà tao còn biết thân lẻ loi đi vào đời thì phải cẩn thận như đi trên băng mỏng, viết cái gì cũng phải cố nắm vững tư liệu và vấn đề không được sai lại càng không được ẩu càng không được trộm cắp xào xáo của người khác chứ đâu có dám dễ dãi vô tư...”

Thoáng lấp lóa trên tường mấy câu mà chủ nhân là tác giả, dạng tự vịnh.

Chỉ nhân thức tự thành hao mục/... Bạch phát nguyện khan tân thế giới/ Thanh tâm tàm đối cựu giang sơn/ Thị tri thị tội tòng thiên mệnh/ Kim cổ du du ý độc hàn (Bởi chưng biết chữ nên mắt ta cay/ Tóc trắng mỏi mệt nhìn thế giới mới/ Ao xanh thẹn trước núi sông xưa/ Người ta biết hay bắt tội đành theo mệnh trời/ Cổ kim mênh mông riêng thấy run sợ).

Tấm bi minh về một người thày ảnh 2

Trước tác lưu danh thiên hạ dị Dĩ thân vi giáo thế gian nan (thơ Cao Tự Thanh trên văn bia. Thủ bút của Xuân Ba)

*

* *

Kỳ họp Quốc hội tháng 6/2007. Cái tin nhắn của ông bạn Trần Tuấn (học trò thày Thảng, Khóa 10 Khoa Văn ĐHTH Huế) báo tin dữ thày Thảng vừa mất sau một cơn tai biến. Trần Tuấn biết tôi đang theo kỳ họp Quốc hội (QH) bèn nhắn tôi báo cái tin buồn cho ông Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng.

Loáng thoáng có biết thày Thảng và ông Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng là đồng môn Khoa Văn Đại học Tổng hợp. Ông Trọng sinh năm 1944 kém thày Thảng (sinh 1925) nhiều tuổi. Hồi ấy ở Khoa Văn so le chênh lệch tuổi tác của các đồng môn là chuyện thường. Tập kết ra Bắc, thày Thảng từng đi tu nghiệp ở Trung Quốc và Đức nên thày về theo học Khoa Văn hơi muộn.

Giờ giải lao của phiên họp, tôi đã truyền đạt tinh thần cuộc nhắn của Trần Tuấn.

Đám tang thày Thảng, nghe anh em bạn bè thuật lại hơi bị ấn tượng. Ngoài vòng hoa viếng, trên bức trướng viếng thày Thảng của ông Nguyễn Phú Trọng có bốn chữ Vãng sanh cực lạc (tạm hiểu, vãng sanh nghĩa là từ bỏ thân xác phàm trần nghiệp báo này, để tái sanh trong cảnh giới an lành của Cực lạc Tây phương)..

Có lẽ viếng bạn đồng môn lớn tuổi lại là một nhà nho uyên thâm nên ông Trọng đã dùng cụm từ ấy chăng?

Trong đám môn sinh của thày Thảng, nghĩa thày trò có nhiều chuyện cảm động.

…Năm 2004, nhân dịp thày 80 tuổi, tôi ngỏ lời xin mừng thọ thày một bộ lễ phục truyền thống; năn nỉ mãi thày mới đồng ý.

Đã chuẩn bị từ trước, tôi đưa bác thợ may lớn tuổi, thạo nghề may lễ phục ở Huế đến chỗ ở của thày (khu tập thể Đống Đa) để đo kích cỡ. Bác thợ may còn đo cả vòng đầu để làm khăn đóng cho thày.

Bộ lễ phục hoàn thành, tôi mang đến biếu thày. Thày mặc bộ lễ phục áo dài, khăn đóng màu xanh, bên trong là bộ áo quần trắng, đính nút thắt bằng vải. Thầy vui “Lâu nay, đi đâu tôi đều mặc mấy bộ vest của ông Nguyễn Phú Trọng tặng, bây giờ có thêm bộ lễ phục này là đầy đủ lắm rồi”.

Khi thày bị đột quỵ rồi mất, tôi cùng bạn Phan Anh Dũng vào Quảng Ngãi viếng thày. Nhìn thày nằm trong chiếc áo quan (có lắp ô kính) với bộ lễ phục áo dài xanh khăn đóng, tôi không tài nào cầm được nước mắt. Em Phong cùng gia đình thực hiện đúng ý nguyện của thày tôi. Thông thường, khi tẩm liệm, người ta thường cắt bỏ hết nút áo làm bằng chất liệu nhựa, sừng, kim loại… còn nút thắt bằng vải sẽ được giữ lại nguyên vẹn.

Hồi ức của Nguyễn Thế, học trò thày Thảng, ít người biết. Có thể thày Thảng đã tâm sự với Nguyễn Thế, một học trò yêu chuyện này chăng? Chuyện Bí thư chi bộ của Khoa Văn Khoá 8 Nguyễn Đình Thảng được phân công theo dõi bồi dưỡng đoàn viên thanh niên Nguyễn Phú Trọng vào Đảng. Bí thư Nguyễn Đình Thảng đã hoàn thành nhiệm vụ. Ngày 19/12/1967, sinh viên Nguyễn Phú Trọng đã vinh dự được kết nạp Đảng ngay tại Khoa Văn ĐHTH.

Có câu của cổ nhân. “Tao khang chi thê bất khả hạ đường. Bần tiện chi giao mạc khả vong”.

(Người vợ từng chịu hoạn nạn với mình thì khi phú quý cũng không nên bỏ, bạn bè từng chơi với mình lúc nghèo nàn thì khi mình giàu sang cũng chẳng nên quên). Rằng hay thì thật là hay. Nhưng thực tế mấy ai mần được? Nhưng thày Thảng thì khác.

Thời điểm thầy tập kết ra Bắc, vợ thầy ở lại trong Nam.

Rồi hoàn cảnh, vợ thày đã phải lấy chồng. Không phải một mà hai đận. Và có ba con. Khi đất nước thống nhất, thầy trở về. Vẫn nối duyên chồng vợ lại với bà, sinh thêm được một đứa con trai. Thầy còn hỗ trợ, phụ giúp cùng bà nuôi một đứa con riêng trước đó của bà nữa. Bà mất, khi đứa con trai sau cùng mới lên 4 tuổi, đứa con của tình duyên thầy và bà tái hợp sau đằng đẵng cách xa. Thầy một mình gà trống nuôi con.

*

* *

...Cuối năm 2006, 3 lớp Văn Hán Ngữ khóa XVII chúng tôi có buổi họp mặt nhân 30 năm ngày ra trường. Mọi người xúm quanh cuốn Việt Nam Bách gia Thi độc ấn bản.

Sách ấy khổ 1,5 mét x 0,9 mét. Nặng 54 kilôgam, đóng bằng thứ giấy tốt. Mỗi trang như thế đều có hoa văn chìm như tôn thêm kiểu chữ khải chữ chân sắc nét của người viết. Sách chọn, trích thơ của một trăm tác giả cổ điển Việt Nam. Công trình xiết kể mấy mươi. Của thày Nguyễn Đình Thảng và Hàn nho Nam Bộ Cao Tự Thanh. Thày thân viết chữ. Trò Cao Tự Thanh sưu tầm và dịch.

Thoảng bên tôi chất giọng trầm, rủ rỉ của Cao Tự Thanh.

Bao năm nay không chỉ là thày học bởi ngoài ngữ nghĩa ra còn học được ở thầy nhiều điều bất ngôn nhi giáo trong cách sống và đạo làm người.

Bữa ấy, tôi có hỏi Cao Tự Thanh về cái tên hiệu Hanh Phủ của thày Thảng. Thày là cháu nội chú của nhà yêu nước Nguyễn Tự Tân - một trong những thủ lãnh của phong trào Cần Vương chống Pháp. Hanh phủ cũng là tên tự của cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm. Cao Tự Thanh cho hay từ năm 1973, có hỏi thày học cái tên hiệu ấy, thày chỉ cười cười… Cao Tự Thanh đồ chừng, có lẽ thày dùng lại cái tên Hanh phủ ý cũng để noi gương tiền nhân và là răn mình chăng?

Chỗ hội lớp ngay cạnh Tòa báo. Liên hoan xong, mấy anh em thày trò ghé lại chỗ phòng làm việc của tôi khi ấy còn rộng rãi để thày Thảng nghỉ ngơi chút xíu trước khi trở lại Quảng Ngãi.

Tấm bi minh về một người thày ảnh 3
Chữ TÂM, bút tích của thày Nguyễn Đình Thảng tặng học trò

Chả hiểu anh bạn Nguyễn Hữu Tưởng (học trò thày Thảng lớp Hán Nôm vốn tính lanh lẹ) mấy ly rượu hồi nãy bung biêng sao đó cầm cái vé tàu của thày và người nhà, đã kêu toáng lên rằng sắp nhỡ tàu phải mau mau lên.

Mới chợp mắt được tý, thày đã phải tốc táo theo chúng tôi ra ga.

Báo hại cho Hữu Tưởng đã nhìn lầm. Phải gần 3 tiếng nữa mới có tàu. Trở lại thì thày nói không tiện. Thế là trên chiếc ghế gỗ, mấy thày trò lại chuyện ríu ran.

Chả thể ai ngờ. Năm ấy thày Thảng đã 82. Còn thư thả sải những bước chắc chắn. Vậy mà chỉ mấy tháng sau, thày đã về cõi. Năm kia, Hữu Tưởng cũng đi theo thày.

HANH PHỦ

NGUYỄN ĐÌNH TIÊN SINH

MỘ CHÍ MINH

(Trích)

Trước tác lưu danh thiên hạ dị,

Dĩ thân vi giáo thế gian nan.

Ôi, viết sách lưu danh là chuyện dễ dưới gầm trời, lấy mình dạy người mới là điều khó trên thế gian, điều ấy quả đúng với Hanh Phủ Nguyễn Đình tiên sinh vậy.

Tiên là người quân tử đạt đạo chí thành lại là kẻ trung ẩn nép mình giấu sáng, học vấn uẩn súc mà không thẹn hỏi người dưới, thư pháp nổi tiếng mà riêng tự thành gia, về học nghiệp thì kẻ tầm thường không sao sánh được.

… Được tin tiên sinh tạ thế, chính mắt mục kích tang lễ nên lại được các vị đồng môn sai soạn bi minh, cũng để ghi lại sự kính ngưỡng của tất cả môn đệ với tiên sinh trong muôn một.

Minh rằng:

Than ôi thầy ta, Tâm tính từ hòa,

Nghiêm trang độ lượng, Học nghiệp

sâu xa.

Sinh gặp thời loạn, Thiếu niên bôn ba. Liền năm đất khách, Trung niên

không nhà. Thương trò trọng bạn, Người người ngợi ca.

Sư mẫu thất lộc, Vãn niên cô độc,

Nuốt lệ vào lòng, Nuôi con ăn học.

Thân giữa trần hoàn, Lòng ngoài

vinh nhục. Cốt trọn đạo người, Kể gì họa phúc.

Tám mươi ba tuổi, Cưỡi hạc xa chơi.

Núi Ấn xế nắng, Sông Vệ về khơi.

Sao đức rơi rụng, Môn sinh ngậm ngùi. Mộ phần dễ viếng, Ơn thầy khôn nguôi.

MỚI - NÓNG