Thông điệp tiền nhân từ thượng nguồn sông Đà

0:00 / 0:00
0:00
TP - Tôi lại có dịp ngược Lai Châu. Lại lên Mường Lễ. Đường lên Mường Lễ bao xa/ Trăm bảy mươi thác trăm ba mươi gềnh. Lần trước được chiêm bái chữ của vua Lê Thái Tổ. Lần này thì được thấy một Lai Châu đổi mới hùng hậu trong bước chạy của hơn 5.000 VĐV Runner…

Câu ca dao nhọc nhằn ấy để trỏ một Mường Lễ hun hút gập ghềnh trúc trắc thuộc châu Ninh Viễn tít mù tắp xứ Tây Bắc mà Đại Việt có từ trước thời Lê Lợi. Xứ Mường Lễ ấy có viên thổ quan Đèo Cát Hãn tài nghệ giàu có xưng hùng xưng bá. Tiếng tăm của y vang xa cùng với hành động đầu hàng làm tay sai cho quân Minh xâm lăng Đại Việt. Quân Minh bị dẹp tan cút xéo về nước nhưng y không thần phục vua Lê Thái Tổ.

Thông điệp tiền nhân từ thượng nguồn sông Đà ảnh 1

Một góc Khu lưu niệm Đền Lê Lợi Pú Huổi Chỏ

Đèo Cát Hãn còn liên kết với một viên tù trưởng hùng mạnh khác tên Kha Đốn. Kha Đốn từng khởi binh chống lại vua Ai Lao đánh chiếm một vùng rộng lớn của đất Mường Muỗi, Mường Một (nay thuộc Sơn La). Năm 1431, Lê Thái Tổ ở ngôi được khoảng ba năm thì tin dữ từ mạn ngược dội về Kinh cái thanh thế của bọn Đèo Cát Hãn, Kha Đốn làm loạn.

Vua Lê Thái Tổ cho gọi riêng Đại tư đồ Lê Sát bàn việc dẹp loạn.

Tin loang nhanh. Triều đình khi ấy ai cũng lấy làm lạ rằng tại sao nhà vua lại dùng dao mổ trâu để giết gà như thế? Đám giặc cỏ ấy mạnh thì có mạnh nhưng làm gì mà phải cử một tầm cỡ lương đống triều đình, một tướng tâm phúc tài giỏi từng nằm gai nếm mật sát cánh cùng Bình Định Vương Lê Lợi suốt 10 năm đánh giặc Minh như thế? Uy dũng của Lê Sát trận vây hãm giặc Minh các thành Tây Đô, Đông Quan, Xương Giang… còn đương hôi hổi sáng chói! Thời điểm ấy Lê Sát lại vừa được Lê Thái Tổ giao cho công việc như chức Thủ tướng nội các kiêm việc trọng là kèm sát dạy dỗ hoàng tử Lê Nguyên Long. Dẹp thứ giặc cỏ ấy bất quá chỉ cần phải một đạo quân nhỏ của triều đình là ổn! Lại càng ngạc nhiên hơn, không những cử Lê Sát dẫn quân đánh giặc, vua Lê Thái Tổ còn có một quyết định đột ngột là tự mình thân chinh đi với Lê Sát!

Tầm vua Lê Thái Tổ nghĩ xa. Đất nước vừa ra khỏi chiến tranh. Đang rất cần sự thuần phục chung sức với triều đình trung ương của các lực lượng tù trưởng vùng miền. Và xa hơn là vị trí quan trọng hiểm yếu của các miền thượng du nói chung và Tây Bắc đối với lãnh thổ và sự an nguy của đất nước. Vậy nên nhà vua đã mau chóng có một quyết định ấn tượng!

Cuốn Đại Việt thông sử của nhà bác học kiêm sử học Lê Quý Đôn còn rành rẽ những dòng này.

Tháng 12 năm Tân Hợi (1431).... vua bèn sai Tư đồ Lê Sát dẫn quân [đi] đánh [Mường Lễ], rồi vua lại thân chinh cùng theo.

Lê Quý Đôn không chép cụ thể, nhưng lộ trình ra trận của vua tôi nhà Lê ấy có thể hình dung như này.

Từ bến sông Hồng, đoàn thủy binh của vua Lê ngược lên Ngã Ba Hạc rồi cứ theo sông Đà ngược mãi lên cho đến khi chạm mặt với trận địa của Đèo Cát Hãn giăng ra ở khúc sông Đà đoạn ở Mường Lễ.

Cái đoạn khó nhọc lẫn độc đáo của trận chinh phạt ấy là quan quân nhà Lê đã đón một cái Tết Nhâm Tý ngay tại chiến trường!

Lê Quý Đôn chép tiếp.

Năm Nhâm Tý (1432), mùa xuân tháng Giêng, quan quân đánh được Mường Lễ, Kha Lại bị giết, Đèo Cát Hãn chạy trốn, quan quân bắt hết dư đảng. Vua bèn đổi Mường Lễ làm Phục Lễ. Ngày 3 tháng 3, vua kéo quân trở về... Tháng 11, Cát Hãn và con là Mạnh Vượng xin hàng, được nhà vua tha tội. Khi Cát Hãn tới kinh tạ tội, được phong chức Tư mã.

Tháng Chạp năm Tân Hợi (1431) Vua Lê Thái Tổ đã cho khắc một bài thơ lên vách đá Pú Huổi Chỏ bên bờ Bắc sông Đà.

…Viết đến đây, có lẽ phải biết ơn ông bạn viết, nhà văn Nguyễn Như Phong. Liên tục hơn 10 năm, với tài khéo của mình, Như Phong đã liên kết được nhiều Mạnh Thường Quân - các doanh nhân, doanh nghiệp hằng tâm hằng sản trong công tác an sinh xã hội đưa quần áo chăn màn và quà Tết lên tặng bà con các dân tộc tỉnh Điện Biên và Lai Châu. Chuyến đi nào Phong cũng thịnh tình rủ tôi đi cùng.

Lại cũng phải biên ra thứ… lạ này. Ông cụ thân sinh Nguyễn Như Phong, nhà văn Hoài An làm ở Báo Văn Nghệ. Sinh thời, nhà văn Hoài An liên tục có những chuyến lên vùng cao Tây Bắc. Dần dà Như Phong cảm mến gắn bó vùng đất cực Tây Tổ quốc gần như máu thịt. Có lần, Như Phong thổ lộ với tôi là sẽ quyết tâm ướm lại dấu chân bố mình từng đặt chân đến những địa danh ở vùng Điện Biên, Lai Châu!

Nhờ bám theo những chuyến hàng an sinh xã hội ấy với Phong, tôi đã đến được những Cầu Hang Tôm, khu dinh thự vua Mèo Đèo Văn Long rồi Giào San, Phong Thổ… rồi những Mường Tè, Sín Thầu và Ngã Ba Biên Giới.

Lần ấy lên Lai Châu, Phong bảo chuyến đi sẽ chậm lại hai ngày. Hai ngày ấy để Phong chi dùng cho một địa danh mà ông bố, nhà văn Hoài An trước khi mất từng xuýt xoa luyến tiếc với con trai rằng, rất muốn đến nhưng hồi ấy đường xá hiểm trở quá, khó đi!

Địa danh ấy là Pú Huổi Chỏ bên dòng sông Đà thuộc xã Lê Lợi của huyện Nhậm Nhùn thuộc Lai Châu bây giờ! Xã Lê Lợi từng là một phường của tỉnh Điện Biên. Nhưng sau đó điều chỉnh lại thuộc về Lai Châu.

Nơi có vách đá mà vua Lê Thái Tổ đã từng đề bài thơ gần 600 năm trước! Chắc có tên Lê Lợi cho xã cho phường ấy, hẳn vua Lê từng đích thân đề thơ?

Đường từ thành phố mới Lai Châu đi Nhậm Nhùn đã khác thuở hiểm trở của nhà văn Hoài An. Chỉ chưa tới 3 giờ đồng hồ, lại được người của công an Lai Châu dẫn đường, tôi và Như Phong đã đến được địa danh Pú Huổi Chỏ.

Nhưng có một Pú Huổi Chỏ khác, cách địa điểm cũ!

Được giới thiệu, năm 2005, Nhà máy thủy điện Sơn La được xây dựng. Vách đá Pú Huổi Chỏ nơi Đức Vua đề thơ sẽ chìm dưới nhiều thước nước của lòng hồ thủy điện!

Để tránh bị ngập nước, phần bút tích văn bia của vua Lê Thái Tổ từng nghiêm ngắn tạc khắc trên vách đá lớn có kích thước dài 2,62 m, cao 1,85 m, trọng lượng trên 15 tấn phải được sấn, bứng để di dời.

Kể ra thì dài. Một công trình xiết kể mấy mươi! Năm 2012, phần việc nặng nhọc ấy đã được hoàn tất. Khoảng thạch liền khối cõng chữ của nhà vua Lê Lợi đã được di dời khỏi vách đá Pú Huổi Chỏ đến khuôn viên Đền thờ vua Lê Thái Tổ được xây mới cách vị trí cũ 500m.

Phần phi lộ văn bia và phần bài thơ được “luân chuyển” tài tình nay chĩnh chiện trong khuôn khổ hình chữ nhật có kích thước 1,2m x 0,8m.

Rờ rỡ đều tăm tắp lối chữ khải, chân. Tỷ mẩn đếm cả thảy 132 chữ.

(Sau này mới được biết nội dung bài thơ và phần phi lộ đã được nhà bác học Lê Quý Đôn chép vào sách Toàn Việt thi lục. Cuốn Đại Nam thống nhất chí của Quốc sử quán Triều Nguyễn cũng từng cẩn chép!

Di tích Bia Lê Lợi thuộc xã Lê Lợi và xã Pú Đao, huyện Nậm Nhùn (Lai Châu) đã được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia. Cuối năm 2016, Bia Lê Lợi chính thức được công nhận là bảo vật quốc gia. Đầu năm 2017, Đền thờ vua Lê Lợi cũng được Nhà nước xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia.

Bia Lê Lợi được coi là hiện vật gốc độc bản, hoàn toàn không trùng lặp với các văn bia đã được phát hiện. Cũng cần nói thêm, vua Lê Thái Tổ còn có bài thơ thứ hai bằng chữ Hán, theo thể thất ngôn bát cú, được khắc trên vách núi Hào Tráng thuộc địa phận tỉnh Hòa Bình có tên là Chinh Đèo Cát Hãn, quá Long Thủy đê - Đi đánh Đèo Cát Hãn trở về, qua đường đê Long Thủy.

Chúng tôi sẽ trở lại tác phẩm cùng địa danh này một dịp thích hợp.

Trở lại bài thơ thứ nhất. Nguyên văn bài thơ như sau:

Bọn quân điên cuồng sao dám tránh sự trừng phạt,

Dân biên thùy đã từ lâu đợi ta đến cứu sống.

Kẻ bầy tôi làm phản từ xưa vẫn có,

Đất đai hiểm trở từ nay không còn.

Tiếng gió thổi hạc kêu làm cho quân giặc run sợ,

Sông núi từ nay nhập vào bản đồ.

Đề thơ khắc vào núi đá

Trấn giữ phía Tây nước

Việt ta.

Ngày lành tháng 12 năm Tân Hợi [1431]

Ngọc Hoa động chủ đề.

Thông điệp tiền nhân từ thượng nguồn sông Đà ảnh 2

Phần bài thơ của vua Lê Thái Tổ (thủ bút của Xuân Ba)

(Ngọc Hoa động chủ là một tước hiệu của Lê Thái Tổ)

Trước bài thơ, nhà vua có phần phi lộ, trong đó có đoạn: “Mới đây, vì chính sự nhà Trần, nhà Hồ suy yếu, các bè tôi nơi phên dậu trở nên ương ngạnh. Cát Hãn nhờn theo thói cũ cứ như thế không thôi. Nay ta đem quân đi chinh phạt, thủy bộ cùng tiến công, chỉ một trận đã dẹp yên được. Nhân đây làm một bài thơ khắc vào đá để răn...

Đền Lê Lợi được xây cất khá đắc địa. Một tổ hợp mái cong của gỗ, chắc khừ vững chãi của đá hiện diện trên độ cao vừa phải của Pú Huổi Chỏ. Du khách được thả tầm mắt khoát hoạt bao quát quan chiêm cảnh trí hùng vĩ thơ mộng của sông núi Đà giang.

Lúc hạ sơn, tôi và Như Phong ghé bản Chang dưới chân núi và bữa ấy được nhấm nháp món cá nướng (rất nhiều hộ ở bản nuôi cá lồng) với mắc khén kèm xôi nếp nương. Lại thưởng thức thêm chương trình xoè của đội văn nghệ bản Chang chiêu đãi một đoàn du khách có hẹn trước!

Mai này quanh địa danh Đền thờ vua Lê Lợi sẽ nẩy nở ra các tua du lịch hút khách?

***

… Lần ngược Mường Lễ về với Lai Châu này bám theo sự kiện Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài báo Tiền Phong lần thứ 64 - năm 2023 chúng tôi không có dịp qua Đền Lê Lợi ở Pú Huổi Chỏ của Nhậm Nhùn.

Nhưng mới tới Lai Châu, được ngồi với vị Chủ tịch tỉnh (được coi là trẻ nhất nước sinh 1975) Trần Tiến Dũng qua chất giọng cởi mở được biết Lai Châu đang có kế hoạch khá hoành tráng về phát triển du lịch mà Đền Lê Lợi là một trong những cú hích. Qua ông cũng được biết thêm nghĩa cử của bà con các dân tộc ở thành phố Lai Châu đã thịnh tình chung lo với BTC Giải Tiền Phong Marathon dành 1.544 phòng để đón các VĐV và du khách. Lai Châu đã góp cho Giải hơn 150 VĐV. Riêng Chủ tịch Trần Tiến Dũng đăng ký chạy chặng marathon 10km!

Thông điệp tiền nhân từ thượng nguồn sông Đà ảnh 3

Không khí những ngày này ở Lai Châu

Ảnh: Lê Xuân Sơn

Chủ tịch Dũng bộc bạch, Giải Tiền Phong Marathon là giải thể thao lớn có chất lượng được tổ chức để quảng bá tiềm năng về đất, người, văn hóa và vẻ đẹp du lịch của các tỉnh, thành trên cả nước; lan tỏa tinh thần thể thao, phong trào điền kinh tới mọi người. Hy vọng, Lai Châu sẽ được lan tỏa những giá trị ấy để làm cơ sở tổ chức nhiều sự kiện lớn hơn về thể thao du lịch. Giải Tiền Phong Marathon 2023 thành công sẽ là một điểm nhấn trong chặng đường phát triển của tỉnh.

Ngắm ngó những sải chân khoát hoạt của các chân chạy - khoảng 4.000 VĐV khắp mọi vùng miền đất nước đương lướt trên những cung chặng ngoạn mục của xứ Mường Lễ hẵng còn vương vất không khí Xuân Tây Bắc thầm mong những người chạy hôm nay có dịp nán lại để biết thêm và ghé địa danh Pú Huổi Chỏ. Để những tua du lịch lữ hành của du khách đến với Nậm Nhùn lòng tay họ thơm nồng thêm vị nếp nương quện với cá lòng hồ sông Đà nướng mắc khén. Để điệu xòe Thái xứ Mường Lễ vương thêm ánh mắt nồng nàn của cô gái bản Chang năm ấy như tôi với Như Phong từng được can dự.

MỚI - NÓNG
Phát triển nghề đông y trên phố Lãn Ông gắn với du lịch Hà Nội
Phát triển nghề đông y trên phố Lãn Ông gắn với du lịch Hà Nội
TPO - Ngày 20-4, tại Trung tâm Giao lưu Văn hoá Phố cổ Hà Nội số 50 Đào Duy Từ, Hoàn Kiếm đã diễn ra buổi toạ đàm “Nghề Đông y Hoàn Kiếm gắn với sự phát triển phố nghề Lãn Ông”. Sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động văn hóa “Giữ nghề xưa trên phố”, nhằm tôn vinh nghề đông y cổ truyền và Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.