Diệu kỳ bốn chữ ở Đền Vua Đinh

0:00 / 0:00
0:00
TP - Diệu kỳ! Có lẽ khó tìm từ nào khác để gẫm thêm về bốn chữ BẮC MÔN TỎA THƯỢC trên nóc cổng chính Đền Vua Đinh Tiên Hoàng. Một sự kỳ diệu của ngoại giao Đại Việt!

Cữ tận xuân sơ hạ này, dịp may tìm hiểu thêm về bốn chữ ấy đã đến. Lần trước về Kinh đô Hoa Lư - lần kỷ niệm 1050 năm (2018) ngày vua Đinh đặt quốc hiệu Đại Cồ Việt, những lấn bấn tìm hiểu hỏi han để cảm thức thêm ngữ nghĩa ba chữ vĩ đại ấy, tôi đã quên khuấy đi một thông điệp ngoại giao độc đáo kỳ khôi của cụ Đinh Tiên Hoàng.

Từ năm 968, Hoa Lư trở thành kinh đô đầu tiên của nhà nước phong kiến trung ương tập quyền ở Việt Nam, tồn tại 42 năm (968 - 1010), gắn với sự nghiệp của ba triều đại liên tiếp là nhà Đinh, nhà Tiền Lê và nhà Lý với các dấu ấn lịch sử: thống nhất giang sơn, đánh Tống - dẹp Chiêm và phát tích quá trình định đô Thăng Long - Hà Nội. Sau này các triều đại nhà Trần, nhà Tây Sơn đều xây dựng phòng tuyến ở vùng đất này để làm nên những chiến công vang dội.

Năm 968, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng đế. Đinh Tiên Hoàng là người xưng hoàng đế đầu tiên ở Việt Nam.

Sử gia Lê Văn Hưu cho rằng có lẽ ý Trời vì nước Việt ta mà sinh bậc thánh triết. Vua chính thống của nước Việt ta, thực bắt đầu từ đấy.

Hình như đang có một khoảng trống của chính sử về sự khởi đầu của việc xây cất Đền Vua Đinh Vua Lê? May mắn sử liệu của địa phương Ninh Bình còn những dòng ít ỏi.

Rằng trên nền cung điện cũ ở Hoa Lư, đền thờ vua Đinh được nhân dân xây dựng. Lúc đầu đền quay ra hướng Bắc trông ra núi Hồ, núi Chẽ. Trải qua những biến thiên, hai ngôi đền cũ không còn nữa.

Mãi đầu thế kỉ XVII, Quận công Bùi Thời Trung, người làng Chi Phong thuộc tổng Trường Yên đã xây dựng lại ngôi đền. Năm 1606 khắc bia lưu lại. Năm 1676, một số quan chức và dân Trường Yên đại tu Đền.

Tấm bia Tiền triều Đinh Tiên Hoàng đế công đức tăng tu điện miếu bi ký được dựng năm 1696 cho biết rõ hơn về việc tu sửa đền vua Đinh:

“Khoảng năm Bính Thìn (1676) vâng lệnh trên tu chỉnh miếu đền như cũ, gác chuông không đổi, càng làm sáng thêm hương lửa khắc vào đá vàng bất hủ, dài lâu nơi dân sinh, thọ thêm cho quốc mạch kéo dài nghiệp đế nghiệp vương cho quốc triều muôn vạn năm” và “Nước đảo dân cầu thần ứng thiêng liêng, truy phong là đền thờ “thần thượng đẳng”, rực rỡ tự điển, xuân thu bốn mùa lễ bái báo đáp”.

Sự quan tâm đặc biệt của chính quyền Lê - Trịnh đối với đền Vua Đinh, Vua Lê thể hiện qua các lần trùng tu, tôn tạo. Trong chính sử còn lưu đậm những lệnh chỉ (hình thức công văn, lệnh của các chúa Trịnh) chỉ đạo sát sao các lần trùng tu, tôn tạo đền vua Đinh, vua Lê lớn nhất.

Xôm tụ những xây cất cùng trùng tu Đền có lẽ vào thời Nguyễn. Lại thêm những điểm tô giữ gìn gần đây nên bây giờ dưới gầm giời Nam có được tổ hợp kiến trúc Vua Đinh - Lê ngoạn mục. Đền Vua Đinh - Vua Lê được xếp hạng "Top 100 công trình 100 tuổi nổi tiếng ở Việt Nam". Cũng như các di tích khác thuộc cố đô Hoa Lư, đền Vua Đinh nằm trong quần thể di sản thế giới Tràng An đã được UNESCO công nhận năm 2014.

… Bao thứ mãn nhãn bắt mắt chốn này. Những sân rồng, nhà Bái đường, long sàng cùng điện thờ Vua Đinh Tiên Hoàng. Điện Thiêu hương, kiến trúc theo kiểu ống muống, nơi thờ tứ trụ triều đình nhà Đinh là các quan trung thần. Rồi bức đại tự rờ rỡ hàng chữ: "Chính thống thủy" ca ngợi Đinh Bộ Lĩnh là người mở nền chính thống. Đôi câu đối hoành tráng: "Cồ Việt Quốc đương Tống Khai Bảo - Hoa Lư đô thị Hán Tràng An" (Nước Đại Cồ Việt sánh ngang với nước Tống - Kinh đô Hoa Lư bề thế như kinh đô Tràng An).

Rồi nữa, Long sàng trước Nghi môn ngoại và trước Bái đường Đền thờ Vua Đinh Tiên Hoàng đã được công nhận là Bảo vật quốc gia Việt Nam.

***

Về Đền Vua Đinh lần này, được thư thả quan chiêm những bức hoành liễn đối với các kiểu chữ chuẩn chỉnh cùng ngữ nghĩa uẩn súc với mấy ông bạn đồng khoa từng công tác ở Viện Hán Nôm. Ấn tượng là cả bọn chú mục và luận bàn lâu hơn trước bốn chữ BẮC MÔN TỎA THƯỢC đắp nổi trên cổng chính lối vào Đền.

Thú vị như một cuộc hội thảo nho nhỏ được đột xuất tổ chức, không chỉ có những ông túc nho ở Viện Hán Nôm mà có vài vị ở ngành sử.

Đã từng ngự và xuất hiện trên cổng Đền cổ bốn chữ ấy khi nào vậy? Cảm giác ngạc nhiên thán phục khi tôi được nghe họ khẳng định chắc khừ rằng bốn chữ ấy đã có từ thuở xa xưa khi Đền Vua Đinh được xây dựng? Và được giữ nguyên mỗi lần trùng tu qua các thời kỳ.

Bốn chữ ấy nghĩa là Khóa chặt cửa Bắc!

Khóa chặt cửa Bắc!

Để phòng lúc trái gió trở giời. Để ngăn gió độc mùa đông từ mạn Bắc?

Để luôn cảnh giác với mưu đồ xâm lăng của giặc phương Bắc?

Diệu kỳ bốn chữ ở Đền Vua Đinh ảnh 1

Bốn chữ BẮC MÔN TỎA THƯỢC trên cổng Đền Vua Đinh

Chao ôi, thông điệp của tiền nhân. Của vị hoàng đế đầu tiên của Đại Việt!

Nhưng “tỏa thược” phải chăng là “bế quan tỏa cảng”? Triều đình nhà Đinh đã làm cái việc không bang giao, không tiếp xúc với phương Bắc?

May mắn, cả bọn đã được mấy vị ngành sử rành rẽ cụ thể.

…Năm 970, Đinh Tiên Hoàng sai sứ sang giao hảo với nhà Tống.

Rồi năm 971, sau khi Bắc Tống hoàn thành việc tiêu diệt Nam Hán, biên giới với Đại Cồ Việt chính thức liền kề.

Năm 972, Đinh Tiên Hoàng đã làm một việc vô tiền khoáng hậu, sai con trưởng là Nam Việt vương Đinh Liễn đi sứ nhà Tống lần thứ hai. Vua Đinh cử chính con trưởng của mình với tước vị Nam Việt Vương đi sứ sang nhà Tống mà không quản ngại mọi hiểm nguy kể cả đối với tính mạng. Việc nhà vua (nước chư hầu) sai hoàng tử đi sứ sang “thiên triều” quả là hy hữu. Phải chăng đó là sự thể hiện khí phách, bản lĩnh ngoan cường của vua Đinh - vị hoàng đế vốn là một võ tướng tài năng sáng suốt dũng cảm mưu lược.

Năm 973, Đinh Liễn trở về. Tống Thái Tổ sai sứ sang phong cho Đinh Tiên Hoàng làm Giao Chỉ Quận Vương, Đinh Liễn làm thái sư tiết độ sứ An Nam đô hộ.

Mùa xuân Ất Hợi 975, Đinh Tiên Hoàng lại sai Trịnh Tú đi sứ nhà Tống lần thứ ba, đem vàng lụa, sừng tê, ngà voi sang. Đến mùa thu năm đó, Tống Thái Tổ sai Hồng lô tự khanh Cao Bảo Tự dẫn đầu đoàn sứ cùng Vương Ngạn Phù đem chế sách sang Đại Cồ Việt lần thứ hai.

Diệu kỳ bốn chữ ở Đền Vua Đinh ảnh 2

BẮC MÔN TỎA THƯỢC thủ bút của Xuân Ba

Đầu năm 976, Đinh Tiên Hoàng sai em Trần Lãm là Trần Nguyên Thái đi sứ lần thứ tư, sang đáp lễ nhà Tống.

Tháng 10 năm 976, Tống Thái Tổ qua đời, Tống Thái Tông lên ngôi. Sang năm 977, Đinh Tiên Hoàng sai sứ sang lần thứ năm, mừng Thái Tông lên ngôi.

Như vậy, chỉ trong vòng 11 năm tồn tại, nhà Đinh đã hoạt động ngoại giao với nhà Tống 7 lần: 5 lần sứ Đại Cồ Việt sang Trung Quốc, 2 lần sứ nhà Tống sang Đại Cồ Việt.

Hai lần sứ nhà Tống đến kinh đô Hoa Lư, được vua Đinh Tiên Hoàng tạo điều kiện cho đi lại tham quan thoải mái. Được tới nhiều chỗ trong cung khuyết cùng tòa ngang dãy dọc của kinh đô Hoa Lư.

Thêm một ngạc nhiên nữa.

Đó là ý kiến hơi bị táo bạo của một nhà sử học bữa ấy. Tôi xin mạo muội chép ra đây như một sự tham khảo!

Rằng buổi tham quan dạo cảnh thuở ấy, một vị sứ giả nhà Tống khá tinh mắt đã ngó thấy bốn chữ Bắc Môn Tỏa Thược trên nóc cổng Đền.

Viên sứ giả lập tức cật vấn một vị lễ tân tháp tùng có tên là Khuông Việt Thiền Sư rằng “đóng chặt cửa Bắc” là có ý gì vậy?

Cũng mở thêm cái ngoặc.

Khuông Việt là pháp hiệu. Ngài sinh năm 933 quê ở Cát Lợi huyện Thường Lạc nay thuộc Tĩnh Gia Thanh Hóa. Tên thực là Ngô Chân Lưu. Chính sử từng rành rẽ, thiền sư Khuông Việt tên thật là Ngô Xương Tỷ thuộc dòng dõi đế vương. Theo phả hệ họ Ngô Việt Nam, ông là con cả của Thiên Sách Vương Ngô Xương Ngập, anh trai của sứ quân Ngô Xương Xí, tức là cháu đích tôn của Tiền Ngô Vương Ngô Quyền, vị vua đầu tiên của nhà Ngô trong lịch sử Việt Nam.

Ngô Chân Lưu đọc khắp các sách Phật, tìm hiểu yếu chỉ của Thiền Tông. Tới năm thiền sư Ngô Chân Lưu 40 tuổi, danh tiếng của ông đã vang tới tận triều đình. Tới năm 969, Vua Đinh Tiên Hoàng đã mời Ngô Chân Lưu tới gặp, phong cho thiền sư Ngô Chân Lưu chức Tăng thống, ban pháp hiệu Khuông Việt. Ngô Chân Lưu trở thành vị thiền sư đầu tiên giữ chức Tăng thống trong lịch sử Việt Nam.

Đồng thời Khuông Việt cũng là vị cố vấn tâm đầu ý hợp của Vua Đinh Tiên Hoàng, đặc biệt vai trò giúp vua tiếp kiến các sứ giả thiên triều.

…Khuông Việt thiền sư đã nhẩn nha cắt nghĩa cho viên sứ giả bốn chữ lấy ở… Vạn Lý Trường Thành bên Tàu! Rằng Vạn Lý Trường Thành có một cửa hiểm yếu. Trên cổng cũng có ghi “Bắc Môn Tỏa Thược” với hàm ý chiếc chìa khóa của cửa thành phía Bắc!

Rằng sứ giả nhà Đinh lần ấy sang sứ nhà Tống được dẫn đi tham quan đã được chứng kiến.

Viên sứ thần nhà Tống toát mồ hôi hột! Thì ra chất giọng nhẩn nha thư thả của Thiền sư Khuông Việt như đang vô tình nhắc lại nỗi đau nỗi ám ảnh sợ hãi giặc Phương Bắc của Thiên triều.

Chao ôi, triều đại thống nhất trước nhà Tần là Chu, cũng sụp đổ vì giặc phương Bắc. Rồi Rợ Khuyển Nhung tràn xuống. Trung Nguyên tan nát tơi bời thời Đông Chu Liệt Quốc.

Sau nhà Tần, giặc phương Bắc còn xuất hiện bạo tàn hơn, tạo nên mối đe dọa thường trực với Hán tộc. Nhà Đường đổ, tới thời Ngũ Đại Thập Quốc (thế kỷ X) tựa như Loạn 12 sứ quân của An Nam.

Rồi người Khiết Đan của nước Liêu cũng từ phương Bắc tràn xuống khiến hoàng đế nhà Tống đã phải ký hòa ước cống nạp vàng lụa, châu ngọc hàng năm và phải gọi vua Liêu là "anh".

Vạn Lý Trường Thành, công trình kỳ vĩ nhưng chẳng phải biểu tượng cho chiến thắng mà như thứ chứng tích khổng lồ của sự sợ hãi giặc phương Bắc của nhiều triều đại Thiên triều!

Nhưng để trấn an vị sứ thần đương đổ mồ hôi hột, chất giọng vị Thiền sư bình thản đại loại rằng bốn chữ trên nóc cổng kia, bản quốc chúng tôi cũng chỉ có cái ý là nhớ đóng chặt cửa đề phòng gió độc từ phương Bắc bất ngờ thổi tới phạm đến sức khỏe mà thôi!

MỚI - NÓNG