Taliban đe doạ thủ đô Kabul, chính quyền Afghanistan đề nghị 'san sẻ quyền lực'

0:00 / 0:00
0:00
Các tay súng Taliban ở Ghazni. Ảnh: AP
Các tay súng Taliban ở Ghazni. Ảnh: AP
TPO - Taliban đã giành quyền kiểm soát Ghazni, thủ phủ của tỉnh Ghazni, cách thủ đô Kabul khoảng 130 km về phía Tây Nam. Đây là thủ phủ thứ 10 mà Taliban chiếm được trong chưa đầy một tuần.

Một quan chức an ninh cấp cao nói với hãng tin Reuters rằng Taliban đã chiếm được thành phố Ghazni, nằm trên đường cao tốc giữa Kabul và Kandahar. Các tay súng Taliban đã chiếm tất cả các trụ sở cơ quan chính phủ sau cuộc đụng độ nặng nề.

“Tất cả các quan chức chính quyền địa phương, bao gồm cả thống đốc tỉnh, đã được sơ tán về Kabul", quan chức giấu tên nói.

Trong khi đó, một nguồn tin chính phủ xác nhận với Al Jazeera rằng chính phủ Afghanistan đã đề nghị Taliban chia sẻ quyền lực, miễn là tình trạng bạo lực gia tăng ở nước này tạm dừng. Theo Al Jazeera, đề xuất được đưa ra thông qua Qatar, quốc gia đóng vai trò trung gian hoà giải giữa Taliban và Afghanistan.

Trước đó, Bộ trưởng Nội vụ Afghanistan, Tướng Abdul Sattar Mirzakwal hôm thứ Tư cho biết quân đội chính phủ nước này đang tập trung bảo vệ các tuyến đường cao tốc chính, các thành phố lớn và cửa khẩu biên giới sau khi Taliban chiếm giữ 9 thủ phủ tỉnh trong vòng chưa đầy một tuần.

“Chúng tôi đang hành động theo ba giai đoạn. Đầu tiên là ngăn chặn những thất bại của lực lượng chính phủ, thứ hai là tái hợp lực lượng của chúng tôi để tạo ra các vòng vây an ninh quanh các thành phố”, ông Mirzakwal nói với Al Jazeera.

“Với tất cả những người lính đã rời bỏ vị trí, chúng tôi sẽ đưa họ trở lại. Sau đó là giai đoạn ba, bắt đầu hoạt động tiến công. Hiện tại, chúng tôi đã chuyển sang giai đoạn hai.”

Chỉ trong vòng ba tháng, Taliban đã mở rộng gấp đôi vùng lãnh thổ mà nhóm này kiểm soát. Bắt đầu từ tuần trước, Taliban đánh chiếm các thủ phủ tỉnh và giành được 9 thủ phủ trong chưa đầy một tuần.

Tướng Mirzakwal cho biết quân chính phủ thất bại ở nhiều nơi là do mất quyền kiểm soát đường bộ và đường cao tốc. Nhiều khu vực phải được tiếp tế bằng máy bay. Và sau khi Mỹ bắt đầu rút quân, khả năng sử dụng máy bay để tiếp tế của quân đội Afghanistan cũng giảm đi đáng kể.

“Thật không may, khi Mỹ rút quân, giao tranh đã bùng phát ở 400 địa điểm trên khắp cả nước. Việc hỗ trợ trên không rất hạn chế vì các máy bay trực thăng đang được huy động để vận chuyển vật tư, sơ tán những binh sĩ bị thương và những người tử vong.”

Theo ông Mirzakwal, chính quyền trung ương đang trao quyền cho các lãnh đạo địa phương để chiêu mộ binh sĩ, thu thập vũ khí chống lại Taliban.

“Những người này đã tuyên bố ủng hộ hoàn toàn tổng thống và chính phủ. Họ sẽ cùng với lực lượng chính phủ chiến đấu chống lại Taliban”, ông Mirzakwal nói.

“Cộng đồng quốc tế lo ngại về các nhóm dân quân mới nổi này, nhưng tất cả các thành viên của họ cuối cùng sẽ hợp nhất với lực lượng chính phủ Afghanistan.”

Thống đốc Wardak, Lawang Faizan, cho biết ông đã chiêu mộ được 300 binh sĩ trong lực lượng dân quân địa phương, nhưng chỉ có thể cung cấp vũ khí cho 2/3 nhóm này.

Được biết, chính phủ Afghanistan đã đưa ra một sáng kiến hồi tháng Sáu với tên gọi “Huy động toàn quốc” nhằm trang bị vũ khí cho các nhóm dân quân địa phương.

Hàng nghìn sĩ quan rời bỏ vị trí trong những tháng gần đây cũng được cho là sẽ trở lại và được đào tạo lại trước khi lên đường ra thực địa.

Trong vòng ba tuần qua, có thêm 5.000 người đã đăng kí tham gia lực lượng an ninh, và 2.000 người khác sẽ tốt nghiệp các khoá đào tạo vào cuối tuần này.

Giao tranh giữa các lực lượng Afghanistan và Taliban đã leo thang đáng kể kể từ tháng Năm, khi liên quân quân sự do Mỹ dẫn đầu bắt đầu cuộc rút quân cuối cùng - dự kiến hoàn thành vào cuối tháng Tám.

Taliban cam kết sẽ không tấn công các lực lượng nước ngoài khi họ rút quân, nhưng chưa đồng ý ngừng bắn với chính phủ Afghanistan.

“Tôi yêu cầu Taliban dừng các hành động tàn bạo, dừng giết chóc. Hãy ngồi xuống và cùng tìm giải pháp”, ông Mirzakwal nói. “Chúng ta hãy thành lập một chính phủ liên minh, càng sớm càng tốt.”

Theo Al Jazeera
MỚI - NÓNG