Ông Đinh Xuân Thảo (đại biểu Quốc hội TP Hà Nội) cho rằng: “Đoàn đại biểu Quốc hội - nơi đại biểu đó ứng cử cũng phải có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan hữu quan để cùng làm rõ vấn đề”.
Thưa ông, trong họp báo Chính phủ chiều 27-5, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son có nói việc báo chí phản ánh về nhà vườn của Bí thư tỉnh ủy Hải Dương Bùi Thanh Quyến là chính đáng, còn việc xem xét là thuộc cơ quan chức năng. Ông Quyến hiện là đại biểu Quốc hội. Vậy theo ông, Quốc hội nên đặt vấn đề này như thế nào?
Ông Đinh Xuân Thảo: Việc xử lý thông tin liên quan đến các đại biểu Quốc hội vẫn làm. Khi có những ý kiến của công luận đưa lên về một vụ việc nào đó mà có nghi vấn về tính minh bạch tài chính, thu nhập thì cần phải làm, bất kể người đó là ai.
Người đó có chức quyền, cán bộ, đảng viên thì càng phải làm nhanh, làm sớm.
Để thứ nhất, công luận rõ thì sẽ tạo niềm tin đối với người dân và nếu không có cũng là một cách để “minh oan” cho người bị nghi ngờ, bảo vệ cán bộ, bảo vệ uy tín cho Đảng, Nhà nước.
Vậy khi có những vụ việc liên quan đến cán bộ, đảng viên, công chức thì phải có những cơ quan nào vào cuộc, thưa ông?
Khi có hiện tượng nêu lên như vậy thì có ba cơ quan phải vào cuộc. Theo quy định của Luật phòng, chống tham nhũng thì cơ quan nào quản lý hồ sơ kê khai tài sản phải vào cuộc đầu tiên. Thanh tra công vụ, cơ quan tổ chức, bộ phận tổ chức là nơi nắm giữ hồ sơ có kê khai tài sản.
Nếu liên quan tới đất đai, tài sản thì thanh tra Tài nguyên - Môi trường phải đi làm.
Nếu liên quan đến cấp nào thì cơ quan cấp trên (phải trên một cấp) phải vào cuộc thì mới khách quan.
Cụ thể liên quan đến đại biểu Bùi Thanh Quyến thì sao, thưa ông?
Trường hợp này do thanh tra Bộ Tài nguyên - Môi trường, thanh tra công vụ của Bộ Nội vụ và là Đảng viên thì Uỷ ban Kiểm tra Trung ương phải tiến hành xác minh, làm rõ.
Nếu xác định, nguồn gốc tài sản là minh bạch thì trả lại cho người ta, còn nếu có vấn đề, liên quan tới dấu hiệu phạm pháp sẽ đến việc của thanh tra nhà nước, cơ quan điều tra của công an vào cuộc.
Trong vụ việc này, Quốc hội có nên vào cuộc hay không, thưa ông?
Quốc hội có cơ quan công tác đại biểu (như cơ quan tổ chức của Đảng) có chức năng quản lý các đại biểu của mình, Quốc hội cũng phải có trách nhiệm xem xét việc này để kiến nghị, phối hợp các cơ quan để xem xét, bảo vệ cho đại biểu của mình. Hoặc nếu trong trường hợp Quốc hội không họp phải thông qua Ủy ban Thường vụ quốc hội xem xét.
Theo ông, việc công khai, minh bạch tài sản của những người ứng cử vào các vị trí lãnh đạo hiện nay đã thực sự hiệu quả?
Việc công khai ra bên ngoài thì quy định chưa rõ. Ví dụ như Quốc hội Na Uy thì tất cả thu nhập của các quan chức, kể cả đại biểu Quốc hội, nghị sĩ… đều được lưu trữ đầy đủ (trong dữ liệu của Quốc hội - PV). Nếu ai quan tâm thì chỉ cần tìm kiếm trên máy tính chứ không cần lục vào hồ sơ.
Chúng ta tiến tới công khai, minh bạch thì cũng phải làm như thế. Tất cả tài sản, thu nhập của cán bộ công chức cũng được kê khai để khi cần thiết bất cứ ai đó (người dân hoặc báo chí) muốn đi thẩm tra thì cứ việc làm.
Ví dụ, tôi có một cái nhà ở địa điểm A, B, C nào đấy thì ai quan tâm, muốn điều tra có thể đến xem. Nếu phát hiện cái không bình thường thì có thể đặt vấn đề là để nghị ông/bà cho biết nguồn gốc tài sản đó do đâu mà có. Người có tài sản phải có trách nhiệm chứng minh…
Ở một số nước, nếu người nào ra ứng cử mà không có tài sản thì bị mất điểm. Vì bản thân anh năng lực không có, chưa lo được cho cuộc sống gia đình, bản thân thì còn lo được cho ai.
Cho nên, có những nước qui định, anh muốn ra ứng cử một chức vụ về quản lý hoặc dân biểu phải có năng lực nói chung, trong đó có năng lực về kinh tế. Nó như một tiêu chí để đặt cược.
Xin cảm ơn ông!
Theo Vũ Hạnh
VOV Online
Dinh cơ con bí thư Hải Dương không bình thường Ngày 27-5, tại cuộc họp báo thường kỳ của Văn phòng Chính phủ, đề cập các thông tin trên báo chí thời gian qua, Bộ trưởng Bộ Thông tin - truyền thông Nguyễn Bắc Son cho biết vừa qua báo chí đã đưa tin về một hiện tượng chưa gọi là tiêu cực vì chưa có kết luận, nhưng có thể gọi là không bình thường ở huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương.
Theo tìm hiểu của phóng viên, ông Bùi Thanh Tùng (con trai ông Bùi Thanh Quyến, bí thư Tỉnh ủy Hải Dương) sở hữu một thửa đất rộng hơn 4.000m2 đang được xây dựng thành khu vườn sinh thái tại xã Ninh Thành, huyện Ninh Giang. Ông Tùng đang là cán bộ của Sở LĐ-TB&XH tỉnh Hải Dương. Ước tính riêng hệ thống tường bao xung quanh mảnh đất, cổng vào đã lên tới con số tiền tỉ. Đó là chưa kể tới công trình nhà, sân, vườn, núi cảnh, đá phong thủy và một số hạng mục công trình khác. Đặc biệt, có hàng chục cây gỗ được cho là gỗ sưa cổ thụ được trồng xung quanh nhà và trước cửa nhà lớn. Một chuyên gia về cây cảnh sau khi xem những hình ảnh trên clip quay được tại đây cho rằng nếu đây đích xác là cây sưa đỏ thì tuổi thọ của nó không chỉ là 100 năm mà còn nhiều hơn thế. Dư luận đang đặt câu hỏi: ông Tùng lấy đâu số tiền lớn như vậy để xây dựng dinh cơ này? Ông Nguyễn Quang Phúc, bí thư Huyện ủy Ninh Giang, cho biết, ông Tùng không phải là đảng viên sinh hoạt tại Ninh Giang nên ông Tùng không thuộc chức năng giám sát đảng viên của Đảng bộ huyện. Khi nào có yêu cầu kiểm tra giám sát hoặc báo cáo, huyện ủy sẽ làm việc đó. Theo V.V.THÀNH - H.ĐIỆP - H.PHONG |