Tai họa của nhà văn

Tai họa của nhà văn
TP - Đôi khi, nhân cách nhà văn được ngợi ca và dựng tượng, thì các tác phẩm của họ cũng biến mất. Milan Kundera đã chỉ ra điều trớ trêu đó trong cuốn tiểu luận văn chương Một cuộc gặp gỡ (Nguyên Ngọc dịch).

> Nhà văn không nhất thiết phải nói về Nobel
> Nhà văn Peru đoạt giải Nobel Văn học

Maxim Gorki - tên tuổi đã trở thành khuôn mẫu của văn học xã hội chủ nghĩa, không được Kundera (nhà văn vĩ đại nhất còn sống của Czech) đánh giá cao. Tất nhiên đây là nhận định cá nhân, ông phát biểu nhân nói đến những “vinh quang quá đỗi chính thức” của nhà văn, ở trang 68-70 của sách.

Với Soljenitsyne (nhà văn kiêm nhà sử học Nga), Kundera đặt câu hỏi “Con người vĩ đại ấy có phải nhà tiểu thuyết lớn? Làm sao tôi biết được? Tôi chưa bao giờ giở cuốn sách nào của ông”.

“Một vài nhà tiểu thuyết đi vào ký ức cộng đồng như một “nhân vật vĩ đại”, điều đó cũng chỉ do trùng hợp lịch sử và, đối với tác phẩm của họ, đó là một tai họa lớn” - Kundera viết.

Tóm lại, tác giả giải thiêng điều này: Nhà văn không nhất thiết phải là một nhân cách vĩ đại. Không có chuyện người tốt sẽ viết sách hay hơn người không tốt lắm. Tầm vóc của nhà văn nằm ở tác phẩm. Thậm chí, những nhà văn đăng đàn tuyên truyền quá nhiều và khẳng định lập trường quá rõ ràng, người ta sẽ chán ngấy không đọc tác phẩm của họ nữa.

Ở phần sau cuốn Một cuộc gặp gỡ, tác giả lại dẫn một cách đánh giá đáng chú ý khác. Đó là hồ sơ Thiên tài trong thế kỷ của một tuần báo uy tín ở Paris năm 1999. Có 18 thiên tài được liệt kê- không có nhà văn, nhà thơ, nhà viết kịch nào cả. Đùa chăng? Thế kỷ 20 đầy ắp tên tuổi vĩ đại, thậm chí vô tiền khoáng hậu: Marcel Proust, James Joyce, Franz Kafka… Họ đâu cả rồi?

Trong danh sách thiên tài đó lại có tên nhà thiết kế Coco Chanel, nhà thần kinh học Sigmund Freud, họa sĩ Pablo Picasso, tỷ phú dầu lửa Rockefeller, tỷ phú công nghệ Bill Gates… Tất nhiên, Albert Einstein. Đầy cay đắng, văn học hầu như bị bỏ qua. “Rất nhẹ nhàng người ta đã thích Coco Chanel và sự vô tội của những cái áo bà thiết kế hơn là những người lĩnh xướng văn hóa kia”.

Đó là một trong những câu dễ hiểu mà Kundera viết. Cách hành văn của ông, phần nào là của người dịch, trong toàn bộ cuốn sách khá rườm rà, liên hệ rộng và không dễ nắm bắt ý, đối với người đọc thông thường - chứ không phải là một chuyên gia thưởng thức văn hóa nghệ thuật như chính tác giả. Sách không có mục lục, hơi khó để theo dõi vì vốn lối viết đã tản mạn.

Kundera điểm tên những nhà sáng tạo ông yêu thích: họa sĩ Francis Bacon, các nhà văn Philip Roth, Gabriel Garcia Marquez, Louis-Ferninand Céline…

Còn Trăm năm cô đơn của Marquez là ví dụ tiêu biểu cho việc “nhân vật chính trong các tác phẩm văn chương lớn nhất thế kỷ đều không sinh đẻ”. Cuốn sách chỉ hoàn tất khi nhân vật tuyệt tự. Trăm năm cô đơn, theo Kundera, là “sự tôn vinh thời đại tiểu thuyết, đồng thời là lời vĩnh biệt thời đại tiểu thuyết”.

Đúng như tinh thần đã nói ở đầu bài, Kundera quan tâm đến tác phẩm hơn là con người nghệ sĩ, hoặc ít nhất ông viết về nghệ sĩ từ tác phẩm trước hết. Ông gọi cuốn sách là “cuộc gặp của các suy tư và kỷ niệm, các chủ đề lâu năm và các tình yêu lâu năm” - đoạn đề tựa này giải thích cho tên sách.

Cảm nhận của Kundera rất độc đáo, đôi chỗ cực khác thường. Ông nhìn ra sự thô bạo trong tranh của Bacon - gợi cảm tưởng bàn tay họa sỹ như muốn “hiếp” nhân vật. Bài luận về cảm giác “muốn hiếp dâm” này được chính Bacon tán thưởng.
Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG