Tái cấu trúc niềm tin

Tái cấu trúc niềm tin
TP - Phiên thảo luận ngày 7- và 8- 6 tại Quốc hội (QH) đã nóng lên bởi nhiều ý kiến khá mạnh của các đại biểu QH khi đề cập đến tình hình kinh tế xã hội và Đề án tái cấu trúc nền kinh tế.

> Nguy cơ quốc nạn 'nốc ao' quốc sách

Đại biểu (ĐB) Lê Như Tiến chua chát nói: “Một số quả đấm thép đang tan chảy” và phải chăng có sự nuông chiều các công tử này của nhà nước”? ĐB Trần Du Lịch lại mường tượng đến “cục máu đông” - nợ xấu đang nằm gọn trong hệ tuần hoàn tiền tệ của quốc gia.

Cũng ĐB Lê Như Tiến còn đưa ra cảnh báo, quốc nạn tham nhũng có thể hạ đo ván quốc sách? …

Tựu trung lại, nhiều vị ĐB đại diện cho ý chí và nguyện vọng của dân bày tỏ sự ủng hộ với quan điểm của Đảng, Nhà nước về việc phải tái cấu trúc nền kinh tế, song cũng không khỏi băn khoăn thậm chí nghi ngờ về các giải pháp đủ mạnh thực thi các chính sách, bởi vẫn là câu chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi, chỉ có chưa làm mà thôi”.

Một trong những điểm nhấn của đề án tái cấu trúc nền kinh tế là việc tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước mà trọng tâm là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước.

Điều đáng nói là nhóm “anh cả” của nền kinh tế này hiện đang sở hữu khoản nợ lên đến 415 ngàn tỷ đồng, chiếm gần 17% tổng dư nợ tín dụng.

Hiệu quả được kỳ vọng từ khối doanh nghiệp này đang hiển hiện thành nỗi thất vọng khi mà ngày càng nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước lỗ nặng. Tổng số lỗ lũy kế của các tổng công ty, tập đoàn đến hết năm 2011 là trên 26 ngàn tỷ đồng.

Nếu coi khối doanh nghiệp này là của 86 triệu cổ đông thì bình quân mỗi cổ đông đang gánh khoản lỗ 380 ngàn đồng. Hơn thế trong “cục máu đông” tiền tệ có sự góp phần không nhỏ từ nợ xấu của khối doanh nghiệp nhà nước.

Vậy là thay vì làm trụ cột, dẫn dắt và định hướng nền kinh tế giúp Chính phủ điều hành nền kinh tế vượt khó khăn, giờ đây chính những “anh cả” lại chìa nhanh bàn tay giành lấy sự ưu ái từ Nhà nước.

Không chỉ lo ngại về vấn đề nợ nần, thua lỗ, hiệu quả kinh tế thấp từ khối doanh nghiệp nhà nước, nhiều chuyên gia đang rất băn khoăn về “bản chất” đầu tàu của khối doanh nghiệp này.

Ngoại trừ một số doanh nghiệp phát tài bởi đã đột phá vào công nghệ khai thác tài nguyên như Tập đoàn Dầu khí, Tập đoàn Than- Khoáng sản chúng ta hiếm những doanh nghiệp thực sự gặt hái thành công vang dội ở thị trường trong nước và khu vực bằng ngành nghề kinh doanh chính của mình.

Với những “điểm nhấn” thương hiệu kiểu như tòa tháp 102 tầng ( của Tập đoàn Dầu khí); trung tâm cao ốc văn phòng của EVN; Taxi Dầu khí; Xe máy Vinashin; Ô tô TKV… đâu có thể sánh được với những cái tên: Bưởi Năm Roi; Cà phê Buôn Ma Thuột; Nước mắm Phú Quốc… của những nông dân chân lấm tay bùn...

Cả thập kỷ trôi qua, chúng ta chưa gây dựng và khẳng định được những thương hiệu mạnh Quốc gia mà đáng lý những “ quả đấm thép” phải làm. Những tồn tại, yếu kém đó đã được chỉ ra, song việc chấn chỉnh, xử lý không được rốt ráo làm cho hậu quả ngày càng trầm trọng, nhân dân giảm sút niềm tin.

Các điều kiện để tái cấu trúc nền kinh tế, đặc biệt là tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước dường như đã chín muồi. Dù vậy một liều thuốc đắng không phải dễ dàng được chấp nhận và hấp thụ.

Công cuộc tái cấu trúc kinh tế là quá trình đầy khó khăn và thử thách. Hơn lúc nào hết sự đồng thuận và niềm tin của dân vào chủ trương của Đảng và Nhà nước sẽ là điều kiện tiên quyết đảm bảo sự thành công của Đề án tái cấu trúc kinh tế.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Mùa mưa ở TPHCM và Nam bộ bao giờ kết thúc?
Mùa mưa ở TPHCM và Nam bộ bao giờ kết thúc?
TPO - Dự báo từ ngày 28-29/11, khu vực TPHCM khả năng có mưa rào và dông rải rác, vài nơi có mưa vừa, những ngày còn lại không mưa hoặc chỉ có mưa vài nơi với lượng mưa không đáng kể. Từ đầu tháng 12, khu vực Nam bộ sẽ kết thúc mùa mưa và bước sang giai đoạn mùa khô.