Tác giả 'Nơi đảo xa' nằm viện vì tai biến lần hai

Nhạc sĩ Thế Song đang nằm viện vì tai biến lần thứ hai. Ông gầy đi nhiều, mọi cử động đều rất khó khăn, cần con cháu hỗ trợ.

Nhạc sĩ Thế Song bị tai biến lần thứ nhất vào năm 2008. Với thể lực khỏe mạnh, ông đã nhanh chóng phục hồi. Sau đó, nhạc sĩ vẫn trở lại được với nếp sinh hoạt thường ngày. Ông tập thể dục thường xuyên, mỗi chiều lại đạp xe một vòng quanh Hồ Tây. Nhưng tháng 5 này, ông bị tai biến lần hai và sức khỏe giảm sút trầm trọng.

Tác giả 'Nơi đảo xa' nằm viện vì tai biến lần hai ảnh 1

Nhạc sĩ Thế Song (giữa) chụp ảnh cùng các con vào tháng 12/2013, trong dịp mừng ông 81 tuổi.

Sau một đợt điều trị tại Viện 108 (Hà Nội), trở về nhà nhạc sĩ Thế Song lại tiếp tục được con cháu đưa nhập viện Bạch Mai. Căn bệnh tiểu đường cùng tai biến mạch máu não khiến sức khỏe của ông giảm sút từng ngày. Con trai út của nhạc sĩ - nhạc sĩ Thế Hiển cho biết, mặc dù đầu óc vẫn còn minh mẫn, ông không thể nói được do bị cứng lưỡi và người gầy đi nhiều. Nhạc sĩ chỉ có thể nằm yên và ra dấu hiệu cho con cháu túc trực ngày đêm bên cạnh. Ông cũng phải ăn bằng ống truyền. 

Nhạc sĩ Thế Song dành trọn cuộc đời cho âm nhạc. Ông làm biên tập tại Ban Ca nhạc, Đài Tiếng nói Việt Nam trong 40 năm (từ năm 1956 tới 1996). Sau khi nghỉ hưu, ông làm Ủy viên Ban chấp hành Hội Âm nhạc Hà Nội suốt ba nhiệm kỳ.

Trong sự nghiệp, ông sáng tác rất nhiều, với hai mảng chủ đề chính là ca ngợi quê hương đất nước và tình yêu đôi lứa. Gia tài âm nhạc của Thế Song có khoảng 600 bài. Nhạc sĩ Thế Hiển đưa ra danh sách rất dài các ca khúc của cha được thu âm, trong đó nhiều bài được các ca sĩ nổi tiếng thể hiện như Bài ca trên đỉnh Pò Hèn (Lê Dung), Cánh sóng vẫn theo anh (Bích Việt), Biển mưa (Thùy Dung), Đời trai Mộ Đức (Thu Phương)… 

Ông cũng là người sáng tác nhiều ca khúc về biển đảo. Ngoài Nơi đảo xa mà hầu hết công dân Việt Nam đều biết đến, nhạc sĩ Thế Song còn nói lên tâm tình của người lính hải quân và ca ngợi biển đảo bằng âm nhạc trong các bài Hoa hồng biển đảo, Ngôi nhà lính đảo, Biển chuyện tình hóa đá, Biển mưa, Mênh mang Trường Sa, Tình em theo cánh sóng, Hát từ vùng gió xoáy, Hòn mưa, Sóng rũ, Em yêu mến anh bộ đội…

Viết về các vùng quê, nhạc sĩ Thế Song thường được các địa phương đặt hàng. Quà cảm ơn đôi khi chỉ là chai mật ong, túi khoai hay gói đường…, ông vẫn vui vẻ nhận. Chỉ cần có cảm xúc là ông viết, chứ không nhất thiết phải bồi dưỡng bằng quà cáp.

Tác giả 'Nơi đảo xa' nằm viện vì tai biến lần hai ảnh 2

Nhạc sĩ Thế Song (thứ hai từ trái sang) cùng các chiến sĩ hải quân trong lần ông tới Trường Sa năm 1995.

Khoảng những năm 2000, khi âm nhạc nước ngoài vào Việt Nam nhiều hơn, nhạc sĩ Thế Song cũng thường nghe và đặc biệt yêu thích các bản thu âm của nhạc trưởng người Pháp Paul Mauriat. Ông đã học hỏi cách phối khí hiện đại này, áp dụng vào công việc lúc bấy giờ.

Năm 2008 nhạc sĩ Thế Song có sáng tác ca khúc Tuổi hồng con gái, được ca sĩ Ngọc Hằng thể hiện. Từ đó đến nay ông không viết nhạc nữa. 

Khi còn làm biên tập âm nhạc tại Đài tiếng nói Việt Nam, nhiều ca sĩ trẻ đã tìm đến ông để được rèn giũa. Ông hướng dẫn, dạy dỗ các ca sĩ trẻ, tập dượt với họ rồi đưa tới phòng thu để ghi lại giọng hát và quảng bá. Nhiều ca sĩ sau này thành danh từng làm việc với Thế Song như NSND Lê Dung, NSƯT Ma Thị Bích Việt, các ca sĩ Tuyết Tuyết, Quỳnh Hoa, Quỳnh Liên, Thanh Tâm…

Là một người cẩn thận, ông đóng những cuốn sổ tay, ghi chép lại danh sách những bài hát thu âm, có mã bài hát, tên tác giả, ca sĩ, ngày giờ thu âm… cẩn thận. 

“Đối với người làm biên tập âm nhạc, những cuốn sổ như vậy rất quý. Các chủ đề, thời điểm được thể hiện trong những bài hát được lưu giữ giúp những người làm chương trình sau đỡ mất công tìm kiếm. Hàng chục cuốn sổ như vậy được cha tôi giữ gìn cẩn thận, sau này khi về hưu ông đã tặng lại cho các biên tập viên trẻ làm nguồn tư liệu”, nhạc sĩ Thế Hiển nói.

Theo Theo VnExpress
MỚI - NÓNG
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
TPO - Theo ông Nguyễn Minh Tấn - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, nồng độ bụi PM10 và bụi PM2.5 trung bình ngày và năm ở Hà Nội vượt nhiều lần khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, đồng thời ghi nhận ô nhiễm cục bộ khí NO2 và O3.