Nơi đảo xa luôn hướng về đất mẹ

Nơi đảo xa luôn hướng về đất mẹ
TP - Năm 1891, những người Việt đầu tiên đã đặt chân tới hòn đảo Caledonia và Vanuatu (Tân đảo) ở Nam Thái Bình Dương. Đó là những người tù khổ sai ở Côn Đảo bị thực dân Pháp đày sang đây.

Từ năm 1935 - 1949, thực dân Pháp lại chiêu mộ người Việt sang đây để khai thác khoáng sản với hợp đồng 5 năm. Khi hết hạn hợp đồng cũng là lúc chiến tranh thế giới nổ ra, Pháp viện cớ chiến tranh, không đưa họ trở lại quê hương...

Nơi đảo xa luôn hướng về đất mẹ ảnh 1
Những người Việt tại New Caledonia và Vanuatu đã hồi hương từ năm 1960

Đấu tranh để được trở về

Kể từ khi bị kẹt lại ở hòn đảo nằm chơ vơ giữa Nam Thái Bình Dương này, những người Việt vừa tiếp tục làm việc để sinh tồn, vừa không ngừng đấu tranh để đòi được quyền hồi hương. Dường như cũng đoán trước được sự xa xôi cách trở, nên trước khi lên đường sang đây, những người Việt đã không quên mang theo cả cuộc sống nơi quê nhà.

Dù cách Việt Nam nửa vòng trái đất nhưng ở đảo Caledoni này, người Việt chẳng thiếu thứ gì gọi là hương vị Việt. Họ cũng trồng rau, nuôi gia cầm. Đời sống tinh thần cũng vẫn được giữ nguyên như khi còn ở Việt Nam. Cũng có biểu diễn tuồng, chèo với không ít đạo cụ như y phục, râu tóc, mặt nạ... mà họ mang theo từ trong nước. Ở nơi xa xôi này cũng có hẳn một đội bóng đá của người Việt.

Cuộc sống nơi đây khá dễ chịu. Phong cảnh hữu tình, có thể nói đẹp như thiên đường nhưng người Việt vẫn luôn mong có ngày về. Theo thống kê năm 1940, số người Việt sinh sống tại đảo Caledoni và Vanuatu là 4.400 người. Khi chưa có điều kiện trở về, bà con vẫn luôn hướng về đất nước bằng cách quyên tiền ủng hộ kháng chiến.

Năm 1946, nghe tin Chủ tịch Hồ Chí Minh đang ở Paris họp hội nghị, bà con liền gửi một bức điện sang Paris ngỏ ý muốn ủng hộ kháng chiến. Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc đó đã xúc động vô cùng trước tấm lòng vì dân vì nước của kiều bào.

Bác Hồ đã đánh một bức điện trả lời, rằng đất nước sẵn sàng tiếp nhận tấm lòng của bà con. Chỉ trong một thời gian ngắn, bà con đã gửi về 1,5 triệu franc tiền quyên góp để ủng hộ kháng chiến.

Ông Nguyễn Văn Ngân - Chi hội trưởng Chi hội liên lạc người Việt Nam ở New Caledonia cho biết, hai bức điện này đã được bà con gìn giữ như kỷ vật thiêng liêng, rồi sau này gửi về tặng Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Ông Ngân là một trong số những người Việt cuối cùng được hồi hương năm 1964, bồi hồi kể lại: “Sau 20 năm mòn mỏi chờ đợi, vào đầu những năm 1960, hiệp ước hồi hương mới được thực hiện.

Hơn 6.600 người Việt sống tại đảo Caledonia và khoảng 2.000 người tại đảo Vanuatu đã được hồi hương bằng 11 chuyến tàu biển. Trước khi về đợt cuối cùng, bà con đem toàn bộ số tiền quyên góp mua 11 chiếc ô tô đời mới nhất của Pháp lúc bấy giờ là loại xe Peugeot 404 mang về tặng Chính phủ”.

Ngày 9/9 vừa qua, khi dẫn đoàn Việt kiều New Caledonia lần đầu tiên về thăm quê cha đất tổ, ông Ngân đã không nén được xúc động khi tới thăm khu di tích Hồ Chủ tịch.

Ông Ngân cho biết, ở nơi xa xôi vậy nhưng tình cảm của bà con dành cho đất nước vẫn vẹn nguyên. Vì chỉ có về nước mới cảm thấy mình thực sự là người Việt, mới thấy tình quê ấm nóng như lời tâm sự của ông Jean Martial Khắc - Chủ tịch Hội Ái hữu người Việt tại New Caledonia.

Trở về nước, ông đã tích cực vận động bà con hướng về quê hương và lần đầu tiên một đoàn kiều bào người Việt tại New Caledonia đã thực hiện chuyến hành hương về nguồn.

Cuộc sống xa xứ

Gặp gỡ những thành viên của Đoàn kiều bào New Caledonia về thăm quê cha đất tổ, có những người sinh ra ở New Caledonia, tóc đã điểm bạc nhưng vẫn nói được tiếng Việt. Đó là bà Christina Hồi, Trưởng đoàn kiều bào hay ông Nguyễn Bá Vinh, nguyên Chủ tịch Hội Ái hữu người Việt tại New Caledonia.

Các em nhỏ, thế hệ thứ năm sinh ra và lớn lên tại New Caledonia đi theo đoàn thường nói tiếng Pháp với nhau nhưng vẫn có thể hát được bài hát tiếng Việt.

Ông Ngân cho biết, ra đường có thể nói tiếng Pháp nhưng khi về nhà là phải nói tiếng Việt. Đó là qui định bất thành văn của những gia đình người Việt ở đây. Chính vì thế mà gần nửa thế kỷ chưa một lần về nơi chôn rau cắt rốn nhưng tiếng Việt của bà con Việt kiều giữ được, dù phát âm đôi khi vẫn còn chưa chuẩn.

Sau đợt hồi hương năm 1964, đến nay vẫn còn khoảng 3.000 người đang làm ăn và lập nghiệp ở xứ người. Vốn bản chất cần cù, chăm chỉ, nhiều người Việt đã rất thành đạt tại đây. Chỉ với nghề trồng rau, có gia đình Việt đã trở thành triệu phú nhờ việc trồng và cung cấp rau xanh cho cả hòn đảo này. Rau muống, rau thơm, cà pháo của Việt Nam đều có bán ở chợ.

New Caledonia là nước đứng thứ tư thế giới về trữ lượng niken. Người đứng đầu Hiệp hội khai thác khoáng sản của New Caledonia hiện nay là một người Việt. Ngoài ra, ông còn có các mỏ khai thác tại châu Phi. Nhiều người Việt tại đây đứng ra làm chủ xí nghiệp, chủ thầu. Những công trình của họ không chỉ ở New Caledonia mà vươn cả sang Pháp và châu Phi.

Làm ăn thành đạt ở xứ người nhưng những người Việt ở New Caledonia và ở đảo Vanuatu luôn đau đáu nhớ về quê hương. Do cách biệt về vị trí địa lý, nên sóng VTV chưa phủ được tới đây, sách báo trong nước cũng khó vận chuyển tới, vì thế trong chuyến về thăm quê hương lần này, đoàn đã tha thiết đề nghị với Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, tạo điều kiện cho họ cập nhật thông tin nước nhà để lập một thư viện sách tiếng Việt tại New Caledonia và nếu có thể cử đại diện ngoại giao hoặc lãnh sự danh dự.

MỚI - NÓNG
Giá vàng nhẫn tiếp tục giảm mạnh
Giá vàng nhẫn tiếp tục giảm mạnh
TPO - Sáng nay (15/11), giá vàng trong nước tiếp tục giảm mạnh theo giá thế giới. Giá vàng nhẫn giảm từ 500.000 đồng đến hơn 1 triệu đồng/lượng về mốc 81 - 82 triệu đồng/lượng, tuỳ từng thương hiệu vàng.