Theo báo cáo mới nhất của Bộ LĐ-TB&XH, cả nước hiện có trên 200 ngàn người nghiện ma túy. Tuy nhiên, áp dụng quy định mới theo Luật Xử lý vi phạm hành chính (hiệu lực từ tháng 1/2014) và Nghị định 211, thì tại 10 tỉnh thành đến tháng 9/2014 mới đưa được…33 người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo quyết định của tòa án cấp huyện !
Theo luật mới ban hành, người nghiện ma túy được coi như người bệnh, chứ không còn là tệ nạn xã hội như trước. Việc chuyển quyền quyết định cai nghiện bắt buộc từ chính quyền sang cho tòa án được xem là bước tiến đề cao quyền công dân, phù hợp với hội nhập. Bởi việc hạn chế quyền tự do của một công dân (cai nghiện bắt buộc) không thể bằng quyết định hành chính như trước đây. Thế nhưng, sự ách tắc trong quy trình xử lý đối với người nghiện ma túy đã xảy ra, bởi quy trình ấy rườm rà, phụ thuộc quá nhiều cấp, ngành. Thậm chí hiện còn chờ thông tư của các bộ liên quan mới có thể xác định thế nào là “nghiện ma túy”. Cho thấy vẫn căn bệnh chịu trách nhiệm tập thể với chữ ký của đủ ban ngành, đoàn thể, kể cả phải có chữ ký khai báo của… người nghiện với phường xã !
Sốt ruột và ngày càng thêm sốt ruột những ngày qua cùng nghị trường, là chuyện nợ công, chi tiêu ngân sách, đầu tư phung phí, tham nhũng, bộ máy cồng kềnh, năng suất lao động kém… Đến thời điểm này, dường như ai cũng đều nhận ra nguyên nhân chính thuộc về cơ chế, thể chế điều hành, cũng như yếu tố con người. Như phát biểu đầy sốt ruột trước Quốc hội của đại biểu Trương Trọng Nghĩa: “Chúng ta vẫn chưa thoát khỏi mô hình và phương thức tăng trưởng cũ… Chúng ta vẫn chạy trên đường ray cũ, về hướng cũ, làm sao nhìn thấy chân trời mới được”. Còn Bộ trưởng Kế hoạch – Đầu tư Bùi Quang Vinh, hôm qua khi trình bày tại phiên thảo luận về tái cấu trúc kinh tế của Quốc hội, cũng sốt ruột và đầy da diết: “Chúng ta phải đổi mới thể chế, pháp luật chứ không thể dùng lời khuyên, mong muốn để thay đổi. Tiềm năng hay không thì cái chính là ở con người, chứ tài nguyên không phải cái quyết định. Thể chế sẽ quyết định tăng trưởng”.
Quả vậy. Không tái cơ cấu con người, bộ máy lãnh đạo chỉ đạo, tái cơ cấu trách nhiệm, thì tái cơ cấu nền kinh tế dù cố gắng đến đâu cũng vẫn chệch choạc, và bước chậm dần đều theo hướng đi cũ trên “đường ray cũ”. Những căn bệnh kinh niên vẫn còn bám chặt, và nặng thêm.
Sốt ruột lắm thay !