Đại diện một số đơn vị vận tải thừa nhận tình trạng mất an ninh trật tự tại một số trạm dừng, nhà chờ hiện nay khiến nhiều hành khách ngán ngại và nói không với xe buýt.
Vừa đón, vừa run
Trưa 23/10, nhà chờ xe buýt trước Bệnh viện Ung bướu TPHCM có khá nhiều người nghiện lảng vảng xung quanh. Họ ngồi bệt trên lề đường, thỉnh thoảng chìa tay xin tiền, cặp mắt không ngừng láo liên quan sát. Hai thanh niên gầy ốm, xăm vằn vện từ cầu vượt bộ hành đi xuống bước vào nhà chờ, ngồi phịch xuống, khuôn mặt đờ đẫn…
Một số hành khách lặng lẽ nhường ghế, dời đi, di chuyển đến vị trí cách nhà chờ khoảng 10m để đứng chờ xe. Ông H. chạy xe ôm trước Cty Cổ phần Cấp nước Gia Định, nói: “Tụi nó khoảng 7-8 đứa, hầu hết đều nghiện. Có đứa còn đóng giả làm người nhà bệnh nhân để xin tiền người đi đường. Ai sơ hở thứ gì là tụi nó chôm. Hai thằng đó vừa trèo lên cầu vượt chích xì ke.
Có hôm lên cơn đột ngột, nó chích tại chỗ rồi vứt ống chích trên vỉa hè. Tụi nó lúc nào cũng thủ ống chích trong người nên ai cũng sợ. Mới hôm qua, có một cô tầm 40 tuổi đang chờ xe buýt thì bỏ chạy qua đường xin đi nhờ xe ôm. Cổ nói bị mấy thằng xì ke cầm ống chích xin tiền”.
Chiều cùng ngày, chúng tôi lên chiếc xe buýt mã số 104 chạy tuyến Đại học Nông Lâm TPHCM - Ngã tư An Sương. Xe còn khá nhiều ghế trống dù đang trong giờ cao điểm. Thanh, sinh viên Trường Đại học Công nghệ TPHCM, cho biết, nhiều sinh viên cùng trường đã chuyển sang sử dụng xe máy vì lo ngại xe buýt không còn an toàn.
“Một số bạn đang chờ xe thì bị con nghiện đến xin tiền. Lên xe thì bị móc túi, bị kẻ xấu lợi dụng đông đúc để sàm sỡ. Thỉnh thoảng, em ngồi chung hàng ghế với người nghiện. Thấy họ ngáp hoài, sợ lắm”, Thanh nói.
Ông Phùng Đăng Hải, Tổng giám đốc Liên hiệp HTX Xe buýt TPHCM, thừa nhận nhiều trạm chờ xe buýt đang mất an ninh và trên xe còn hiện tượng trấn lột, móc túi hành khách. “Tình trạng cướp giật, xì ke, ma túy, mất vệ sinh tại các trạm dừng, nhà chờ, nạn móc túi trên xe buýt đang khiến nhiều hành khách bất an.
Ngoài ra, xe buýt hiện nay chạy rất chậm, từ trung tâm TPHCM đến quận Thủ Đức chỉ mất một tiếng, nhưng nhiều lúc chạy hơn một tiếng rưỡi vẫn chưa tới nơi. Hành khách đi một lần là hết dám đi tiếp” - ông Hải nói.
Số người đi xe buýt giảm
“Tình trạng cướp giật, xì ke, ma túy, mất vệ sinh tại các trạm dừng, nhà chờ, nạn móc túi trên xe buýt đang khiến nhiều hành khách bất an.
Tại buổi tọa đàm “Làm gì để xe buýt tiếp tục phát triển?” vừa được tổ chức tại TPHCM, Phó giám đốc Sở GTVT TPHCM Dương Hồng Thanh thông báo, sau tám năm phát triển rất nhanh, vận tải xe buýt đang có xu hướng đi xuống. Năm 2007, xe buýt TPHCM phục vụ 296,23 triệu lượt khách; năm 2008 tăng lên 342,49 triệu lượt khách.
Năm 2009 giảm xuống còn 342,10 triệu lượt khách. Năm 2010 tăng trở lại với 364,76 triệu lượt khách, nhưng sang năm 2011 lại giảm. Năm 2012 tăng so với năm 2011, sản lượng đạt 413,14 triệu lượt hành khách, song qua năm 2013 lại giảm còn 411,20 triệu lượt khách.
Theo dự báo, năm 2014, nếu không có đột phá, vận tải hành khách công cộng TPHCM khó hoàn thành chỉ tiêu phục vụ 650 triệu lượt khách, đáp ứng 10,85% nhu cầu đi lại của người dân, trong đó xe buýt đáp ứng 7,34%, còn lại là taxi.
Theo ông Thanh, tình trạng giảm lượng khách đi xe buýt ngoài nguyên nhân thói quen của người dân, xe cá nhân phát triển “nóng”, cấu trúc đô thị không phù hợp với hoạt động của xe buýt (thiếu bến bãi, không có làn đường ưu tiên...) còn do tình hình an ninh trật tự ở các trạm, nhà chờ và trên xe buýt phức tạp, gây bất an, ngán ngại cho hành khách.
“Sở GTVT đã đề xuất UBND thành phố cho phép phối hợp với lực lượng thanh niên xung phong hỗ trợ bảo đảm an ninh trên xe buýt. Cần tăng cường đảm bảo an ninh trật tự tại các trạm, nhà chờ và trên xe buýt, tăng điểm dừng, nâng cao chất lượng dịch vụ để thu hút người dân đi xe buýt”, ông Thanh nói.
Ông Thanh cho biết, theo quy hoạch sử dụng quỹ đất cho vận tải hành khách công cộng do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến năm 2025, TPHCM dành 1.141 ha cho bến bãi. Tuy nhiên, đến nay, TPHCM mới bố trí 80% diện tích trên giấy. Trong 147 tuyến xe buýt đang hoạt động, chỉ 22 vị trí điểm đầu, cuối tuyến có bến bãi đỗ xe đàng hoàng, còn lại hầu hết xe buýt phải đỗ dưới lòng đường, vỉa hè, góc chợ và thường xuyên bị đuổi.
“Việc đưa xe buýt vào các trung tâm thương mại, khu vui chơi rất khó. Khi chúng tôi đề xuất làm trạm xe buýt phía sau khu du lịch Suối Tiên để tránh kẹt xe trên xa lộ Hà Nội thì phía Suối Tiên không đồng ý. Xe buýt cũng không thể vào sân bay Tân Sơn Nhất.
Khách xuống xe buýt, phải đi một đoạn rất xa mới đến được khu vực làm thủ tục trong sân bay”, ông Phạm Đình Đức, Trưởng phòng Vận tải - Sở GTVT, nói.