‘Sốt gạo’còn có lý do từ hệ thống phân phối

‘Sốt gạo’còn có lý do từ hệ thống phân phối
TPO - Trao đổi với Tiền phong Online chiều 28/4, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội cho rằng có tình trạng sốt ảo về gạo trên thị trường hiện nay, ngoài yếu tố đầu cơ còn do sự yếu kém trong khâu phân phối, cung cấp hàng hóa tại các siêu thị.

>> Nghiêm cấm mua vét đầu cơ lúa, gạo

‘Sốt gạo’còn có lý do từ hệ thống phân phối ảnh 1
ông Vũ Vinh Phú

Theo đại diện Hiệp hội Siêu thị Hà Nội trong 2- 3 ngày qua hiện tượng “căng” về gạo trên thị trường là có thật.

Nguyên nhân đầu tiên là do nhà cung ứng tăng giá bán từ 25% - 30%. Việc thiếu tạm thời và việc đầu vào của siêu thị “cạn” kéo theo hiệu ứng tâm lý thiếu hụt trong người dân khiến lượng người dân đổ xô đi mua gạo tăng lên. 

Ông Phú cũng cho biết hệ thống siêu thị hiện chiếm 10-12% doanh số trên địa bàn Hà Nội, nhưng doanh số gạo chỉ chiếm khoảng 2% - 3%. Siêu thị thường bán gạo chất lượng, ví dụ Unimart chỉ bán gạo Nhật. Còn lại là gạo bán trên thị trường tự do, len lỏi vào từng khu dân cư. 

Gạo là mặt hàng Nhà nước không định giá nhưng nó lại động chạm đến cái ăn hàng ngày của toàn dân, nhất là người nghèo. Chính vì vậy khi có tình trạng sốt ảo thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của người dân.

"Tôi về Quỳnh Phụ, Thái Bình có 500 đồng/kg cà chua trong khi giá bán ở Hà Nội lên tới 8.000 đồng/kg nhưng có nghịch lý cà chua ở Thái Bình lại không thể “nhảy” về Hà Nội được. Đây là điểm yếu của hệ thống phân phối" - Ông Phú nói.

Cũng theo ông Phú, một ví dụ khác, 1 kg tôm trước khi đưa vào thị trường Hà Nội được tư thương mua lại, vét sạch với giá 80.000 đồng nhưng khi số tôm này được đưa ra bán tại các chợ lớn của Hà Nội thì bị đẩy lên tới 160.000 đồng/kg. Như vậy phải chăng cần phải có một sàn giao dịch nông sản cho nông dân để họ đưa thẳng hàng hóa từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ.

“Không có sàn gạo, không có sàn tôm, không có sàn cá thì việc mua bán cứ như kiểu ú tim và ở giữa tư thương tha hồ trục lợi. Người tiêu dùng thiệt trong khi người sản xuất cũng không được lợi gì nhiều. Hiện ở miền Nam đã tổ chức được một vài chợ đầu mối thành sàn giao dịch cho nông dân. Tôi đi các tỉnh các tỉnh miền Bắc đã chứng kiến tình cảnh người dân khóc trước mặt vì bị ép giá”.- Ông Phú nói.

Ông thử giải mã tình hình cung ứng gạo trên thị trường hiện nay?

Việc “sốt” là do thông tin gạo xuất khẩu trên thị trường thế giới lên tới 1.200 USD/tấn nên có những nhà buôn lớn ở Việt Nam mua gom hàng để xuất khẩu. Thứ hai là do các nhà buôn bán nội địa có hàng nhưng “găm lại” cũng để chờ giá lên.

Cùng với đó nhà cung ứng “ép giá” các siêu thị với mức tăng 30%. Tất cả những yếu tố này tạo thành áp lực đẩy giá lên. Cùng với đó là áp lực về tâm lý của người dân khi thấy hàng hoá trên quầy không còn. Thời gian trước Tết Nguyên đán vừa qua cũng có hiện tượng sốt do tích trữ giả tạo trong dân, gây căng thẳng cho thị trường.

Trên thị trường hiện nay chỉ có siêu thị là niêm yết giá còn các thành phần khác nói chung là không niêm yết. Điều này dẫn đến việc bán thách, “chặt chém” người tiêu dùng trong khi người tiêu dùng không biết giá thực ra sao. Gạo là mặt hàng nhà nước không định giá, nhưng lại là mặt hàng thiết yếu cho nên động chạm đến cuộc sống hàng ngày.

Để gỡ tình trạng này cần có biện pháp gì thưa ông?

Cách đây một tháng Liên hiệp lương thực Hà Nội có  công bố đảm bảo trong 6 tháng đầu năm lương thực không lên giá. Nhưng cái đảm bảo về giá mới là điều kiện cần thôi chưa đủ. Quan trọng là phải nói rõ và có biện pháp cụ thể về việc khả năng cung cấp bao nhiêu triệu tấn gạo mới quan trọng. Theo số liệu của chúng tôi Hà Nội mỗi ngày tiêu thụ ước chừng 1500 tấn gạo.

Để giải cơn sốt hiện nay cần áp dụng 3 nguyên tắc: Phải có lực lượng áp đảo (60% thị phần); Tung ra đúng thời điểm nhất định và phải thu mua tận gốc để giảm bớt áp lực về giá.

Tuy nhiên từ khi có hiện tượng căng về cung gạo mấy hôm nay chưa thấy Hiệp hội lương thực đưa ra giải pháp nào. Nếu bây giờ đưa cung cấp gạo cho các siêu thị thì ngay lập tức giá sẽ hạ ngay. Cho nên, cam kết về giá phải đi đôi với cam kết về lực lượng, chứ cam kết không thì chỉ là điều kiện cần nhưng chưa đủ.

Mới đây ông Hoàng Thọ Xuân, Vụ trưởng Vụ Chính sách thị trường trong nước, Bộ Công Thương cũng nói rằng, các thành viên của Hiệp hội lương thực có 1,1 triệu tấn gạo nhưng bây giờ nó nằm ở đâu, có đưa về ngay Hà Nội và các tỉnh để bán cho nhân dân hay không. Vấn đề bây giờ phải đưa thật nhanh về các quầy để bán cho dân. Nếu không 1,1 triệu tấn này cũng là vô nghĩa.

Như vậy có hiện tượng “làm giá” trên thị trường trong thời điểm hiện nay?

Điều khiến các siêu thị lo nhất là giá gạo tăng lên và không có hàng để bán. Hiệp hội siêu thị đã động viên các thành viên chấp nhận giá cao trước mắt để nhập hàng về cung cấp cho người dân chứ không để tình trạng trống quầy.

Một điều khó nữa hiện này là các siêu thị không thể hỏi nhà cung ứng vì sao giá lên 30% được. Hiện có tình trạng siêu thị lớn ép nhà cung ứng trong khi siêu thị nhỏ bị nhà cung ứng ép.

Điển hình nhất của một sự việc mà tôi biết mới đây là ở Hà Tây có một nhà cung cấp có 2 tấn cá trong ao đến lứa thu hoạch. Khi vào một siêu thị lớn ở Hà Nội để liên hệ bán thì nhân viên phòng nghiệp vụ ở đây thản nhiên yêu cầu vào TP.HCM để liên hệ mà bán. Sau đó nhà cung cấp này phải bán đổ bán tháo với giá 9.000 đồng trong khi giá thị trường là 16.000 đồng/kg.

Điều đáng lưu ý nữa là Hà Nội dường như chưa có phản ứng hay có động thái quyết liệt để giải quyết việc này. Theo tôi, các lãnh đạo cơ quan chức năng phải có giải pháp quyết liệt trong tình hình hiện nay. Tình hình quyết liệt phải có giải pháp quyết liệt, phải có tổ chức thực hiện, địa chỉ giải quyết quyết liệt chứ không thể nói chung chung được.

Xin cảm ơn ông

Phạm Tuyên
Thực hiện 

MỚI - NÓNG
Tước hơn 3.400 giấy phép lái xe trong ngày 30/4
Tước hơn 3.400 giấy phép lái xe trong ngày 30/4
TPO - Chiều 30/4, Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia cho biết, trong ngày 30/4, toàn quốc xảy ra 61 vụ tai nạn giao thông, làm chết 27 người, bị thương 45 người. Lực lượng chức năng tước hơn 3.400 giấy phép lái xe các loại do vi phạm an toàn giao thông.