Vào năm 2003, anh H.K.S (trú tại thị xã Cửa Lò, Nghệ An) đang thụ án tại Trại giam số 3 - Bộ Công an, được đưa đi lấy máu xét nghiệm theo chương trình giám sát trọng điểm do Ban AIDS thực hiện. Kết quả là anh H.K.S HIV dương tính được quản lý với mã số 1**8.
Năm 2007, anh H.K.S được chuyển quản lý từ Trung tâm y tế dự phòng cho Trung tâm phòng chống HIV tỉnh Nghệ An.
Đến năm 2013, anh H.K.S kết thúc thời gian thi hành án và trở về địa phương, chịu sự quản lý, chăm sóc của Trạm y tế phường N.T – nơi anh S. sinh sống theo diện đối tượng nhiễm HIV.
Thấy qua các kỳ kiểm tra sức khoẻ định kỳ, đối tượng đều có sức khoẻ tương đối đảm bảo, ông Trạm y tế phường N.T đặt câu hỏi: Tại sao bệnh nhân nhiễm HIV 10 năm mà sức khỏe lại tốt thế này? và đã động viên và tạo điều kiện để anh S. đi kiểm tra lại.
“Về mặt chuyên môn, trên thế giới có những cái mà laboratory (phòng thí nghiệm) cũng không thể lý giải nổi. Có những người lúc xét nghiệm phát hiện kháng thể HIV nhưng một thời gian sau lại không thấy kháng thể HIV nữa”, Phó Giám đốc Sở Y tế Nghệ An Nguyễn Xuân Hồng nói.
Kết quả kiểm tra tại Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS và Bệnh viện Đa khoa Nghệ An cho thấy bệnh nhân… âm tính với HIV. Như vậy, sau 10 năm sống chung với “bản án” tử thần này, anh S. mới phát hiện ra mình hoàn toàn khỏe mạnh.
Sau khi biết mình bị kết luận nhiễm HIV nhầm, anh S. đã có đơn gửi các cơ quan chức năng liên quan, đề nghị đền bù tổn thất về tinh thần, vật chất do rất khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm, bị kỳ thị, xa lánh sau khi kết thúc thi hành án. Thậm chí, “công cuộc” hỏi vợ của anh cũng hết sức khó khăn. Để lấy được vợ, anh S. đã phải 2 lần trình giấy kiểm tra sức khỏe cho bố vợ tương lai mới nhận được cái gật đầu.
Nói về trường hợp của anh H.K.S, bác sỹ Nguyễn Xuân Hồng - Phó PGĐ Sở Y tế Nghệ An cho biết đây là một trường hợp hi hữu của ngành y tế. Trong số gần 10.000 trường hợp nhiễm HIV tại Nghệ An, trường hợp của anh H.K.S là duy nhất.
“Tuy nhiên, đây là vấn đề liên quan giữa 2 ngành Công an và Trung tâm y tế dự phòng. Giờ để phân định trách nhiệm thuộc về ai thì rất khó bởi sự việc đã xảy ra 12 năm rồi. Vào thời điểm đó toàn tỉnh Nghệ An mới chỉ có 2 người chuyên trách về HIV/AIDS, mặt khác trình độ chuyên môn, sinh phẩm xét nghiệm, trang thiết bị… còn nhiều hạn chế. Những người trực tiếp thực hiện xét nghiệm đã già.
Kết quả xét nghiệm không chính xác là điều đáng tiếc, đã ảnh hưởng đến bản thân anh S. và gia đình cũng như ngành y tế. Không phải biện hộ nhưng sai sót trong xét nghiệm có tỷ lệ xác suất, khó tránh khỏi.
Với tinh thần cầu thị cao nhất, chia sẻ cao nhất và trách nhiệm cao nhất, chúng tôi đã làm tất cả những bước thuộc về trách nhiệm của mình. Liên ngành công an và y tế sẽ rút kinh nghiệm. Rất may là sự nhầm lẫn là không vui nhưng cũng mừng cho chính anh S. và gia đình anh”, ông Hồng cho biết.