Sống trong phong tỏa

0:00 / 0:00
0:00
Từ 18 giờ ngày 8/7, hàng rào phong tỏa dựng lên khắp nơi quanh khu phố 4, phường Tân Thuận Tây Ảnh: Đại Dương
Từ 18 giờ ngày 8/7, hàng rào phong tỏa dựng lên khắp nơi quanh khu phố 4, phường Tân Thuận Tây Ảnh: Đại Dương
TP - Cuộc sống của người dân bị phong tỏa có nhiều xáo trộn, lo âu và cũng có những cung bậc cảm xúc lạ lẫm rất khó tả.

Hàng loạt ca nhiễm COVID-19 được phát hiện ở các nhà máy trong Khu chế xuất (KCX) Tân Thuận khiến khu vực xung quanh, gồm toàn bộ phường Tân Thuận Đông, một phần phường Tân Thuận Tây và phường Bình Thuận (quận 7, TPHCM) bị phong tỏa kể từ 18 giờ ngày 8/7 cho đến khi có thông báo mới. Cuộc sống của người dân bị phong tỏa có nhiều xáo trộn, lo âu và cũng có những cung bậc cảm xúc lạ lẫm rất khó tả.

Bài 1: Cuộc chiến không tiếng súng

Nhà tôi ở khu phố 4, phường Tân Thuận Tây, nơi có rất nhiều công nhân trong KCX Tân Thuận sinh sống. Từ nhiều ngày trước, khi các F liên quan đến KCX liên tục được phát hiện, người dân đã hình dung được khu vực mình sớm muộn cũng sẽ bị phong tỏa nên nhấp nhổm không yên.

Hàng xóm láng giềng liên tục hỏi thăm nhau tình hình. Trên facebook, zalo.. mọi người không ngớt nhắn tin, cập nhật tin tức. Không khí ngày càng trở nên căng thẳng.

Thấy tình hình cấp bách, bà Triệu Thị Lý tổ trưởng tổ dân phố chỗ tôi tuy cao tuổi nhưng nhạy bén bèn lập ngay nhóm chat Zalo cho người dân trong tổ để kịp thời “rót” thông tin từ phường xuống quận về. Mọi người cũng tranh thủ chia sẻ, nhờ thế thông tin liên quan tình hình dịch xung quanh được cập nhật kịp thời.

Bão giá

Quyết định cách ly y tế (phong tỏa) khu vực 3 phường của quận 7 ban hành ngày 6/7 nhưng phải đến hôm sau người dân khu phố 4 mới biết chính xác khu vực này bị phong tỏa.

Kể từ lúc đó, mọi người hớt hải lao đi mua sắm. Trước đó, thành phố đã đóng cửa các chợ tự phát, nhiều chợ truyền thống cũng bị đóng cửa hoặc hạn chế nên lúc này các siêu thị, cửa hàng tiện lợi đặc kín người mua. Hàng hóa gần như bị vét sạch ngay từ đầu ngày, các kệ hàng trống trơn nên ai chậm chân là trở về tay trắng. Tôi cũng tranh thủ chở vợ ra chợ mua thực phẩm.

Vừa bước ra cửa đã thấy bà tổ trưởng, nhà ở phía đối diện, từ đâu đó về, ở giỏ xe đạp phía trước lỏng chỏng mỗi thùng mì ăn liền. “Đi mua mấy thứ để sẵn cho hai vợ chồng già mà hết trơn, chỉ có thùng mì này”- bà tổ trưởng vừa cười, vừa nói phớ lớ.

Chợ Cư xá Ngân hàng gần nhà đã bị giăng dây từ mấy hôm trước, các cửa phụ đã bị đóng, chỉ còn cửa chính mở nhưng luôn có dân phòng ngồi canh, ai vào cũng phải khai báo y tế và sát khuẩn. Ngại vào trong, các bà, các cô đổ dồn vào mấy cửa hàng rau đối diện cổng chợ. Tiếng người bán, người mua ơi ới. Giá cả tăng cao, có khi gấp đôi, gấp ba so với mọi ngày khiến nhiều người không khỏi kêu ca.

Mặc dù vậy, ai cũng vội vàng nhặt hàng bỏ vào túi nilon, thanh toán tiền thật nhanh rồi đi, phần vì để kịp đi mua những hàng khác, phần vì ngại tiếp xúc đám đông.

Sống trong phong tỏa ảnh 1

Người dân đổ xô đi siêu thị mua hàng dự trữ. Những xe hàng đầy ắp xếp hàng chờ thanh toán tại siêu thị Coop Xtra (quận 7)

Việc mua sắm không chỉ một hôm có thể xong vì hàng khan hiếm và phải xếp hàng dài chờ đợi, kể cả lúc vào mua lẫn khi thanh toán. Chính quyền TPHCM quyết định thực hiện giãn cách toàn thành phố theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng chính phủ trong 15 ngày, kể từ 0 giờ ngày 9/7.

Thông tin ấy khiến độ nóng của “vùng chiến sự” tăng thêm và cuộc chạy đua mua hàng dự trữ của người dân càng trở nên khẩn trương ráo riết.

Buổi trưa, bỏ cả ăn, vợ tôi lao đến siêu thị Coop Xtra gần nhà và tôi cũng bị lôi vào cuộc gom hàng. Lotte Mart, một siêu thị lớn cũng gần nhà, trước đó phải đóng cửa vì có nhân viên dính COVID-19. Các cửa hàng, siêu thị mini, chỗ nào cũng đặc người chen chúc.

Trong khi đó, nhà chức trách của thành phố và các đơn vị bán lẻ dõng dạc tuyên bố không thiếu hàng, nguồn hàng gia tăng và lượng hàng cung ứng gấp ba, bốn lần, phương thức phân phối cũng được đa dạng…

Tuyên bố là vậy, nhiều kệ hàng trong các siêu thị vẫn trống trơn, nhất là các quầy hàng thực phẩm tươi sống như thịt cá, rau, củ quả…Ai cũng có tâm lý lo sợ không có cơ hội để đi mua trong những ngày tới, hoặc ngại tiếp xúc đám đông nên một lần đi là mua nhiều nhất có thể nên nhiều xe hàng đầy ú ụ chờ đợi đến lượt thanh toán.

Do vậy, dù là đại siêu thị, hàng hóa luôn đầy ăm ắp, song những ngày này, các kệ hàng thực phẩm tươi sống ở Coop Xtra gần như trống trơn.

Không ít người trong các khu trọ khác quanh nhà tôi, chủ yếu là người lao động tư do và công nhân lao động không có việc làm, cũng vội vàng khăn gói, rồng rắn về quê bằng xe máy. Riêng dãy trọ phía đối diện có khoảng 30 trong tổng số 40 người vội vã di tản, chủ yếu về quê.

Mua ở siêu thị không đủ, vợ lại kéo tôi ra chợ. Thực phẩm ngoài chợ còn tương đối nhiều nhưng bắt đầu lên cơn bão giá.

Tại chợ Tân Mỹ, tôi như không tin vào tai mình, một bó rau muống ngày thường 10.000 đồng, nay 50.000 đồng; đậu que từ 25.000 lên 50.000/kg; xà lách từ 20.000 lên 50.000 đồng/kg...

Những mặt hàng được coi là mang tính sát khuẩn, chống virus như gừng, sả…càng trở nên khan hiếm.

Di tản

Dãy trọ cạnh nhà tôi chỉ có 4 gia đình, gồm anh Tư, Sang, Tuệ và Minh. Cả bốn đều đã hoặc tính đường di tản khỏi khu vực bị phong tỏa. Vợ chồng Tuệ bán cơm bình dân trước cổng trường Đại học Tôn Đức Thắng. Khi thành phố bắt đầu giãn cách theo Chỉ thị 15, quán cơm đã phải đóng cửa.

Không có thu nhập, vợ Tuệ đem hai con về quê Quảng Ngãi để tránh dịch và giảm bớt chi phí sinh hoạt. Tuệ ở lại xử lý những việc còn tồn đọng rồi cũng về, nhưng chưa kịp về thì quê nhà đã ngưng tất cả các chuyến xe khách từ Quảng Ngãi đi TPHCM và ngược lại.

Anh Tư chạy xe công nghệ giao hàng nuôi cả gia đình. Sợ ở lại sẽ phải “chôn chân” trong nhà, anh Tư vội vàng cùng vợ con chuyển đến ở nhà một người thân tại Nhà Bè, giáp tỉnh Long An, với hy vọng nơi đây chưa bị phong tỏa nên vẫn còn cơ hội chạy xe kiếm tiền lo cho gia đình.

Sang làm bốc xếp hàng ở cảng, vợ ở nhà chăm hai con nhỏ, trong đó đứa bé mới ba tháng tuổi. Khi nghe khu vực này bị cách ly, Sang vơ vội ít áo quần bỏ vào ba lô, chuẩn bị qua nhà bố mẹ đẻ ở quận 4, nơi không bị cách ly, ở để hàng ngày tiện đi làm. Vợ và hai con của Sang vẫn ở tại nhà trọ.

“Biết đi là đi luôn, đến khi hết phong tỏa mới được quay lại, để mình vợ chăm hai con nhỏ sẽ rất vất vả, nhưng có mỗi mình em đi làm, giờ ở nhà thì lấy gì nuôi vợ con?”- Sang trần tình rồi khoác túi ra đi.

Người cuối cùng của dãy trọ di tản là Minh, một shiper, chuyên giao hàng bằng xe máy. Cuộc sống của cả nhà đều trông chờ thu nhập từ việc giao hàng của Minh nên buộc lòng anh phải thoát khỏi khu vực phong tỏa để tiếp tục duy trì nguồn thu nhập trang trải cho gia đình 4 người.

Đúng 18 giờ, các chốt kiểm soát với hàng rào thép gai đồng loạt được dựng lên ở các cửa ngõ ra vào khu phố, hệt như một vùng chiến sự. Mọi dòng chảy người và xe bỗng khựng lại, phố sá mới lên đèn nhưng đã im ắng như giữa đêm khuya.

(Còn nữa)

MỚI - NÓNG
Giá vé máy bay tiếp tục đắt đỏ?
Giá vé máy bay tiếp tục đắt đỏ?
TPO - “Giá vé sẽ tiếp tục ở mức đắt đỏ, dù có thể giảm nhẹ bởi nguồn cung hạ nhiệt trong mùa thấp điểm. Chi phí vận hành cao do giá dầu, nhân sự khiến giá vé máy bay khó giảm sâu" - ông John Grant - trưởng nhóm phân tích của công ty dữ liệu du lịch OAG - dự báo.