Sống trong phong tỏa: Giữa vòng vây F0

0:00 / 0:00
0:00
Lực lượng y tế tiến hành khử khuẩn vùng tâm dịch tại Khu phố 4 (phường Tân Thuận Tây). Ảnh: Ðại Dương
Lực lượng y tế tiến hành khử khuẩn vùng tâm dịch tại Khu phố 4 (phường Tân Thuận Tây). Ảnh: Ðại Dương
TP - Mỗi ngày TPHCM có nhiều ổ dịch và hàng trăm, thậm chí hàng nghìn ca F0 được phát hiện. Xe cứu thương chạy khắp nơi, cả ngày lẫn đêm. Tiếng ú, òa liên hồi và ánh sáng nhấp nháy tạo thành những vệt dài trên phố, xé toang sự tĩnh lặng của màn đêm.

Ổ dịch

Khu chế xuất (KCX) Tân Thuận có 250 công ty với khoảng 60.000 lao động. Đây là một ổ dịch thuộc loại nóng nhất tại thành phố thời gian qua. Ca mắc COVID-19 đầu tiên được ghi nhận tại Công ty FAPV ngày 7/6. Từ đó, dịch tiếp tục lan nhanh khiến hai doanh nghiệp trong KCX với gần 2.000 công nhân quyết định tạm ngừng hoạt động 15 ngày để phòng dịch.

Việc dừng hoạt động nhằm ngăn nguy cơ lây nhiễm dịch ở KCX ra cộng đồng, song lại gia tăng nguy cơ lây nhiễm dịch trong các khu dân cư xung quanh. Sau một thời gian cắm trại trong các nhà máy, rất nhiều công nhân của các doanh nghiệp bị phong tỏa và ngưng hoạt động được trở về nhà, chủ yếu là về lại các xóm trọ. Điều đó khiến người dân ở các khu vực quanh KCX, nơi mật độ công nhân ở trọ dày đặc, thực sự lo lắng, hốt hoảng.

“Tối nay khu chế xuất sẽ cho các công ty nghỉ toàn bộ….”. Một dòng tin nhắn của người có trách nhiệm ở khu phố gửi đi cho người dân. Tiếp đó là cảnh báo của chính quyền địa phương về nguy cơ lây nhiễm tăng lên rất cao, đồng thời yêu cầu các chủ nhà trọ kiểm soát chặt số người này và đề nghị họ không được ra khỏi phòng trọ; ngoài ra ghi tên tuổi, CMND, số phòng trọ để phường tiện theo dõi, quản lý.

Hẻm 860 đường Huỳnh Tấn Phát, phường Tân Phú (Q.7) bị phong tỏa ngay sau đợt test nhanh phát hiện 8 ca F0, chủ yếu là công nhân trong KCX và thợ hồ.

Trước khi bị phong tỏa, người dân được test nhanh COVID-19. Việc này nằm trong chiến dịch xét nghiệm tổng lực nhằm truy vết nhanh các F0 toàn thành phố. Để tiết kiệm thời gian và vật tư, mẫu thử của 5 hoặc 10 người được dồn vào một để xét nghiệm. Những người nằm trong nhóm mẫu dương tính với virus SARS-CoV-2 mới được gọi tên đi xét nghiệm lại nhằm xác định chính xác người mắc COVID-19.

Cuối ngày phong tỏa thứ hai, tôi ra đầu đường 17, nơi có chốt chặn để nhận món hàng người nhà gửi. Bà Nguyên, cán bộ phường, là người quen trong xóm, đang làm nhiệm vụ ở chốt, cho biết: “Hai vợ chồng bà bán cá mới bị đưa đi cách ly tập trung hồi đầu giờ chiều nay vì dính Cô-vít”. Vừa nói, bà Nguyên vừa chỉ về phía dãy cửa hàng chợ tự phát trên đường 17, cách chốt chừng vài chục mét và cách nhà bà Nguyên mấy bước chân.

Bà tổ trưởng dân phố lại thông báo khẩn: “Yêu cầu mọi người dân không ra khỏi nhà, không tụ tập, tránh xa khu vực có ca nhiễm”. Từ đó trở đi, đoạn đường trước cửa nhà tôi vốn là sân chơi huyên náo mỗi chiều của trẻ con trở nên im phăng phắc. Các nhà đều đóng cửa, tuyệt nhiên không thấy bóng dáng trẻ con, người lớn cũng rất ít ra ngoài…

Sống trong phong tỏa: Giữa vòng vây F0 ảnh 1
Chốt phong tỏa trong hẻm 88 được dựng lên ngay sau khi phát hiện nơi đây có nhiều ca F0. Ảnh: Ðại Dương

Quá tải

Diễn biến của dịch ngày càng phức tạp và số ca F0 trên địa bàn không ngừng gia tăng khiến trang thiết bị, nhân viên y tế và các lực lượng phối hợp phòng, chống dịch của địa phương trong tình trạng quá tải.

Tình trạng quá tải thiếu nhân lực, vật lực cũng diễn ra toàn thành phố. Những chậm trễ thiếu sót ngoài mong muốn cũng từ đó mà ra. Vào một chiều muộn, Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hữu Hưng cho biết trong thời gian vừa qua TP HCM thực hiện test nhanh để phát hiện ca F0. Ngay khi có kết quả dương tính, theo quy trình, ngành y tế lập tức triển khai điều tra truy vết và chăm lo, điều trị. Tuy nhiên, hiện có rất nhiều ca F0 được phát hiện nên chỉ bệnh nhân có triệu chứng mới được chuyển đi điều trị ngay, còn lại tạm thời đưa đến khu cách ly. Khác với trước đây, theo ông Hưng, tất cả bệnh nhân COVID-19 đều được đưa đến bệnh viện dã chiến để điều trị, dù có triệu chứng hay không. Ngay cả như thế thì cũng có lúc chưa đáp ứng được vì số ca nhiễm tăng ngoài dự liệu.

Theo lãnh đạo Sở Y tế, nhu cầu nhân lực cho khối điều trị ca mắc COVID-19 hiện tại của thành phố là rất lớn. Ước tính, trung bình khoảng 1.000 giường bệnh thì cần 200 bác sĩ và nhân viên y tế. Số F0 vẫn có xu hướng tăng lên, lượng y, bác sĩ cần thiết cho khâu điều trị cũng tăng theo cấp số nhân. Áp lực vô cùng lớn này khiến lãnh đạo thành phố đã phải kêu gọi sự chia sẻ, hỗ trợ của cộng đồng.

Chị Trần Việt Anh - Chủ tịch MTTQ Việt Nam phường Tân Thuận Tây vẫn cùng một số cán bộ của phường áp tải xe chở gạo, mì tôm và rau củ đến hỗ trợ bà con các khu phố. Chị cho biết, từ ngày bùng phát dịch đến nay, toàn bộ cán bộ, nhân viên của phường và cả các tình nguyện viên đều làm việc hơn 100% sức lực. Các lực lượng chốt chặn thay phiên gác cả ngày lẫn đêm, lực lượng y tế làm việc cật lực từ sáng đến khuya để xét nghiệm và thường xuyên lao vào tâm dịch để xử lý tình huống khẩn cấp.

Việc lấy mẫu xét nghiệm tập trung thời gian qua không đem lại hiệu quả như mong muốn. Trước đó, lãnh đạo thành phố thừa nhận lượng mẫu xét nghiệm rất nhiều nhưng năng lực xét nghiệm không chạy kịp tiến độ lấy mẫu, gây lãng phí công sức. Vì vậy, thành phố đã thay đổi chiến lược xét nghiệm, từ tập trung sang đến từng nhà. Với chiến lược mới, nhân viên y tế thêm bội phần vất vả. Trước chỉ ngồi một chỗ, người dân tập trung đến tận nơi nên một ngày có thể lấy và xử lý được rất nhiều mẫu. Bây giờ phải đi đến từng xóm, gõ cửa từng nhà, mất rất nhiều thời gian. Trong khi đó, nhân viên y tế vốn đã thiếu, lại đã thấm mệt nên công việc thêm phần nặng nề và không ít người đã kiệt sức. Ngày 13/7, hình ảnh chị Nguyễn Thị Thùy Linh (Trạm Y tế phường 2, Q. Tân Bình) ngất xỉu vì kiệt sức trong khi đi gõ cửa từng nhà dân để lấy mẫu xét nghiệm, khiến nhiều người không khỏi xót xa. “Suốt 3 tháng ròng rã chống dịch, lần đầu tiên mình gục ngã”, câu đầu tiên chị Linh nói với mọi người sau khi tỉnh lại...

MỚI - NÓNG