'Sống sót qua thảm sát' nhận giải thưởng Hòa Bình

Hai bà Nguyễn Thị Thanh nhận Giải thưởng Hòa Bình JeJu 3 tháng 4. Ảnh: Hankyoreh21
Hai bà Nguyễn Thị Thanh nhận Giải thưởng Hòa Bình JeJu 3 tháng 4. Ảnh: Hankyoreh21
TP - Lần đầu tiên, tại hòn đảo nổi tiếng JeJu của Hàn Quốc, hai phụ nữ người Việt bước lên bục nhận giải thưởng Hòa Bình bởi những đóng góp cho hành trình minh bạch sự thật lịch sử. Họ chính là nạn nhân sống sót của 2 trận thảm sát do lính Đại Hàn gây ra cách đây 51 năm.  

Hai người phụ nữ ấy đều cùng tên Nguyễn Thị Thanh, một người là nạn nhân sống sót của vụ thảm sát Hà My, một là nạn nhân của trận thảm sát ở làng Phong Nhất, Phong Nhị, cùng thuộc huyện Điện Bàn tỉnh Quảng Nam. Suốt nửa thế kỷ mang trên mình vết thương thể xác và nỗi đau mất người thân trước họng súng của binh lính Đại Hàn, hơn ai hết, họ cần một sự xác nhận, một lời xin lỗi chính thức từ Hàn Quốc trước khi khép lại quá khứ đau thương.

'Sống sót qua thảm sát' nhận giải thưởng Hòa Bình ảnh 1 Hai bà Thanh trực tiếp đệ thư thỉnh cầu đến Nhà Xanh. Ảnh: Hankyoreh21

Giải thưởng cho nỗi đau không chỉ riêng mình

Ngày 1/4/2019, hai người phụ nữ Việt cùng tên Nguyễn Thị Thanh có mặt tại đảo JeJu (Hàn Quốc) bước lên bục nhận giải. Đây là lần đầu tiên, ban tổ chức trao giải cho người Việt.

Giải thưởng Hòa bình là một giải thưởng lớn được lập bởi Tổ chức phi chính phủ Jeju 3 Tháng 4 với tôn chỉ tin tưởng vào những giá trị hòa giải và dung hòa khác biệt trong giải quyết hệ lụy của thảm sát Jeju, nơi gần như toàn bộ người dân hòn đảo này bị thảm sát đẫm máu vào năm 1948.

“Đây là niềm vinh dự lớn lao khi tôi được đại diện cho những nạn nhân trong vụ thảm sát tại thôn Hà My quê tôi. Tôi sẽ cùng chia sẻ với những nạn nhân mang cùng nỗi đau chiến tranh như tôi trên toàn đất nước Việt Nam. Việc nhận giải thưởng này như một cánh cửa đầu tiên để tôi bước vào ngôi nhà của Hòa bình. Tôi tin rằng, giải thưởng này sẽ là nguồn động viên lớn lao trên bước đường tranh đấu xây dựng hòa bình của tôi” - bà Nguyễn Thị Thanh, nạn nhân sống sót vụ thảm sát Hà My, xúc động.

'Sống sót qua thảm sát' nhận giải thưởng Hòa Bình ảnh 2 Bà Thanh – nhân chứng thảm sát làng Phong Nhất, Phong Nhị với vết thương từ 51 năm về trước. Ảnh: H. Văn

Còn với bà Thanh - nạn nhân sống sót vụ thảm sát làng Phong Nhất, Phong Nhị vẫn như chưa tin sự thật rằng bản thân đang đứng trên đất nước, đối diện với người Hàn Quốc đối với bà từng là nỗi khiếp sợ bởi ám ảnh thảm sát kinh hoàng trong quá khứ. Nhưng vì trách nhiệm trước vong linh 74 người đã khuất trong vụ thảm sát ngày ấy, bà đã vượt qua nỗi sợ làm chứng trước Phiên tòa Hòa bình của nhân dân. “Lúc nghe tin nhận được giải thưởng, tâm trí tôi chợt nghĩ ngay về những người đã khuất. Giải thưởng và sự ghi nhận của người Hàn Quốc ngày hôm nay, tôi xin được dâng lên trên bàn thờ 74 vị đã nằm xuống ngày hôm ấy” - bà Thanh chia sẻ.

Những lời chia sẻ thành thật của hai phụ nữ Việt đã khiến những người có mặt tại buổi lễ xúc động. Họ tiến lại gần tặng những bó hoa chúc mừng, trao những cái ôm thật chặt cho lòng dũng cảm của hai người phụ nữ Việt nhỏ nhắn.

“Cảm ơn vì đã nói ra sự thật”

Đây là lần thứ 3 bà Thanh có mặt tại Hàn Quốc. Năm 2015, bà sang Hàn Quốc lần đầu với tư cách là nhân chứng, nạn nhân sống sót kể lại vụ thảm sát của lính Đại Hàn khiến 74 người ở làng Phong Nhất, Phong Nhị thiệt mạng, trong đó có 5 người ruột thịt của bà. Câu chuyện về sự thật lịch sử của lính Đại Hàn tại Việt Nam thu hút sự quan tâm của rất đông công dân Hàn Quốc. Nhưng những cựu chiến binh có mặt tại đó thì phản đối và hăm dọa.

'Sống sót qua thảm sát' nhận giải thưởng Hòa Bình ảnh 3 Bà Thanh – nhân chứng thảm sát Hà My. Ảnh: H. Văn

Lần thứ 2 vào tháng 4/2018, hai bà Thanh trở thành nhân chứng trong một phiên tòa đặc biệt - phiên tòa Hòa Bình công dân, xét xử tội ác của quân đội Hàn Quốc gây ra với thường dân Việt Nam trong chiến tranh. Với sự tham gia của các luật sư, công tố viên, thẩm phán như một phiên tòa thật, cuối cùng công lý thuộc về các nạn nhân là người Việt Nam, mà đại diện là hai bà Nguyễn Thị Thanh.

Và lần này, cả hai người phụ nữ mang tên Nguyễn Thị Thanh ấy trở lại Hàn Quốc nhận Giải thưởng Hòa Bình JeJu 3 Tháng 4 bởi những nỗ lực của mình.

Nhiều năm qua, bà Thanh cũng đã tiếp đón hàng trăm đoàn sinh viên, học sinh, nhà báo, các nhà hoạt động xã hội Hàn Quốc đến miền Trung tìm hiểu về các vụ thảm sát - một phần của phong trào “Thành thật xin lỗi, Việt Nam” tại Hàn Quốc. Câu chuyện sự thật lịch sử từ chính nhân chứng sống sót đã khiến những người trong đoàn khóc, cúi đầu xin lỗi cho những gì thế hệ trước đã gây ra. Còn với bà Thanh, mỗi lần kể lại câu chuyện là một lần cứa sâu thêm vào vết thương bởi những ký ức kinh hoàng. Nhưng đó chính là cách minh bạch lịch sử, để đòi lại công bằng cho những người vô tội đã nằm xuống.

Đó là sáng ngày 14 tháng giêng năm 1968. Binh lính Đại Hàn tấn công vào làng , điên cuồng xả súng. Cô bé Thanh lúc đó 8 tuổi được người dì ruột kéo xuống hầm cùng với 3 anh chị em. Nhưng lính Đại Hàn đã kịp nhìn thấy, và ra hiệu đi lên nếu không sẽ ném lựu đạn xuống.

Đoàn người nối nhau lên, nhưng lên đến đâu chúng nã súng tới đó. Người anh trai đi ra ngang đến bụi tre trước nhà đã bị bắn nát mông, người chị bị bắn chết ở lối xuống nhà bếp, người em trai vừa đi ngang giàn mướp bị bắn vào mặt, trào máu chết. Riêng người dì ôm đứa con nhỏ chưa bị bắn nhưng khi thấy lính châm lửa đốt nhà đã cố ngăn cản thì bị đâm chết. Bà Thanh bị đạn xé toang một phần hông bên trái.

Cô bé 8 tuổi hớt hải vừa ôm vết thương ở bụng vừa chạy đi tìm mẹ. Sau mới biết, người mẹ sáng đó cũng đã bị toán lính Đại Hàn bắn chết ở ruộng lúa, bà đã chạy qua xác mẹ mình nhưng không hay biết. Hai anh em bà sau đó được một người chú mang ra Đà Nẵng chạy chữa. Không được học hành, Thanh làm mướn làm thuê. Trong mình vừa mang vết thương thể xác vừa không sao quên được quá khứ, mất mát quá lớn.

Còn tại làng Hà My, hai đại đội của Lữ đoàn lính Rồng Xanh Hàn Quốc đã thảm sát 135 dân thường, trong đó chủ yếu là bà già và trẻ em. Trong vụ thảm sát ấy, bà Thanh mất đi 5 người ruột thịt.

Những câu chuyện về sự thật lịch sử của hai bà Thanh được người Hàn Quốc đón nhận, chia sẻ. Trong số đó có cả những người trẻ, những trí thức, văn sĩ, nhà báo, nghị sĩ Quốc hội. Những cái ôm thật chặt, cúi đầu xin lỗi, cảm ơn vì đã nói ra sự thật. 

Đến nhà Xanh đệ thư thỉnh nguyện

Ngoài nhận giải thưởng Hòa Bình JeJu, trong chuyến đi này, chiều ngày 4/4, hai bà Thanh đã mang bức thư thỉnh nguyện của 103 nạn nhân và thân nhân hai vụ thảm sát do quân đội Hàn Quốc gây ra 51 năm trước để đệ lên Chính phủ Hàn Quốc tại Nhà Xanh ở TP Seoul.

Nạn nhân vụ thảm sát cũng yêu cầu Cơ quan chính phủ Hàn Quốc điều tra chính thức về những hành vi phạm pháp luật như: sát hại, gây thương tích cho thường dân trong chiến tranh Việt Nam và công bố kết quả điều tra; Xin lỗi chính thức và tuyên bố chính thức lập trường về việc thừa nhận trách nhiệm về mặt pháp lý, chính thức xin lỗi; Xây dựng và thực hiện các biện pháp nhân đạo để có thể xoa dịu nỗi đau về mặt thể xác, tinh thần của nạn nhân thảm sát.

MỚI - NÓNG