Sông “chết”, dân nuôi thủy sản thành con nợ

Sông “chết”, dân nuôi thủy sản thành con nợ
TP- Trách nhiệm của cơ quan chức năng nằm ở đâu trong việc sông Thị Vải đang bị “bức tử” và hàng trăm người dân trắng tay, phải ôm nợ nần? 

Bài 1: Người dân đã kêu cứu từ 10 năm trước

Sông “chết”, dân nuôi thủy sản thành con nợ

Sông “chết”, dân nuôi thủy sản thành con nợ ảnh 1
Những hồ tôm bỏ không vì nước sông Thị Vải ô nhiễm nặng

Câu trả lời này của ông ông Nguyễn Văn Ấm -  Chủ tịch UBND xã Phước Thái với Tiền Phong rằng: “Chính quyền không khuyến khích dân nuôi tôm trên sông Thị Vải. Họ nuôi tự phát vì vậy tôm chết thì dân lo gánh mà thôi! Không có chuyện đền bù đâu!” - khiến cho người ta không khỏi đặt câu hỏi trên.

Kiện Vedan đến cùng

Theo ông Ấm, xã Phước Thái, huyện Long Thành là nơi gánh chịu hậu quả nặng nề nhất của tình trạng ô nhiễm cả trên bờ và trên sông Thị Vải. Hiện xã có 3.950 hộ với 18.680 nhân khẩu sống chủ yếu dựa vào chài lưới, kinh doanh buôn bán và lao động ở các khu công nghiệp.

Tuy nhiên, nhiều năm trở lại đây, khi biết sông Thị Vải ngày một ô nhiễm trầm trọng, UBND huyện Long Thành đã có chủ trương chuyển đổi ngành nghề nuôi trồng thủy sản cho hơn 200 hộ sang các ngành nghề khác như đưa dân đi làm công nhân và buôn bán.

Ông Ấm cho rằng huyện và xã không khuyến khích người dân nuôi trồng thủy sản trên khu vực sông Thị Vải nhưng dân vẫn tự phát canh tác và nuôi trồng. Vì vậy, hậu quả như ngày hôm nay xảy ra với dân họ phải chịu trách nhiệm. Ông Ấm khẳng định: “Dân kiện Cty Vedan vì xả nước thải ra sông Thị Vải khiến tôm cá chết cũng khó có cơ sở vì họ nuôi tự phát, không có chủ trương?!”.

Ông Ấm còn nói: “Ở đây không chỉ có Cty Vedan gây ra ô nhiễm sông Thị Vải mà còn nhiều nhà máy khác như Nhà máy giấy ở khu Mỹ Xuân, nhà máy thép, nhà máy phân lân, nhựa Nhơn Trạch...”.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Ngẫu - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Long Thành lại khẳng định Hội sẽ luôn sát cánh cùng nông dân trên địa bàn huyện chịu ảnh hưởng từ sông Thị Vải do Cty Vedan gây ô nhiễm để kiện Cy Vedan đến cùng. Theo ông Ngẫu, ở xã Phước Thái hiện có khoảng 200 hộ nuôi trồng thủy sản, với diện tích nuôi trồng hơn 100ha.

Và hầu hết diện tích trên đều mất trắng do ô nhiễm từ sông Thị Vải. Điều khiến chính quyền quan tâm hơn là trong số những hộ bị mất trắng tôm cá do ô nhiễm nguồn nước thì tổng số tiền họ mắc nợ ngân hàng do vay để kinh doanh nuôi tôm cũng lên đến hàng trăm triệu đồng.

Những con nợ bất đắc dĩ

Chiều 20/9, chúng tôi cuốc bộ gần 2km dưới nắng trời hừng hực mới đến được những đùng tôm lớn nhất của xã Mỹ Xuân, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu. Trong căn nhà rách nát, ông Nguyễn Văn Tính, 75 tuổi ở tổ 18, ấp Bến Đình ngồi rũ rượi, đau buồn nhìn ra đùng tôm rộng 1ha của mình vừa bị nguồn nước đen sông Thị Vải “ăn” hết.

Ông Tính trầm ngâm cho biết, hơn 6 triệu tôm giống được ông thả từ 3 tháng trước đã lớn bằng ngón tay út, hy vọng sẽ thu được hơn 20 triệu đồng nhưng giờ thì trắng tay. Đây không phải là lần đầu tiên tôm của gia đình ông bị nguồn nước ô nhiễm của sông Thị Vải “giết” chết mà trước đó, gia đình ông cùng nhiều hộ dân khác cũng liêu xiêu với tôm chết.

Theo ông Tính, năm 2007 nhiều hộ dân ở ấp Bến Đình tôm cũng bị chết hàng loạt do nước ô nhiễm từ nhà máy Vedan thải ra sông Thị Vải. Dân đã làm hơn chục lá đơn gửi cho ấp, cho xã nhưng không có phản hồi. “Năm trước tui nợ ngân hàng đã 5 triệu đồng chưa trả. Năm nay, lại tiếp tục nợ vì vay nóng bà con để gỡ gạc nhưng không ngờ”- Ông Tính than vãn.

Chỉ mới mấy ngày trước đây, ông Tính cùng người con gái là chị Nguyễn Thị Mỹ Lệ bàn tính sau khi thu hoạch được lứa tôm này sẽ mua mấy tấm tôn lợp lại căn nhà rách dột và trả bớt nợ cho ngân hàng nhưng nay thì bó tay.

Trong căn chòi canh bỏ trống vì tôm chết sạch 2 tuần trước đây, nay không còn tôm để canh, anh Nguyễn Thế ở ấp 1B của xã Phước Thái chuẩn bị đóng cửa để lên bờ tìm kế sinh nhai. Anh Thế cho biết dự định sẽ cùng những người trong ấp đi buôn bán ve chai hay làm lao động phổ thông ở các khu công nghiệp và hy vọng chờ chính quyền hỗ trợ, Cty Vedan đền bù để nuôi tôm trở lại và trả nợ cho ngân hàng vì anh còn mắc nợ hơn 40 triệu.

Đứng bên đùng tôm “chết”, anh Văn Tài cũng rầu rĩ không kém khi nghĩ đến số nợ hơn 30 triệu đồng vay ngân hàng để nuôi tôm giờ tiêu tan theo nước sông Thị Vải. “Người vợ đau ốm, 2 đứa con ngày nào cũng xin tiền đóng học phí, tôm lại chết nên phải đi vay mượn”- Anh Tài buồn bã.

Ông Ko Chung Chih- Phụ trách hành chính của Cty Vedan Việt Nam cho biết: Hiện Cty có 2.700 công nhân làm việc với thu nhập bình quân 3 triệu đồng/tháng. Sản phẩm chính của VeDan gồm sản xuất bột ngọt, tinh bột, nước đường, xút NaOH, axit HCL, thức ăn chăn nuôi, phân bón và các sản phẩm sinh học đều được tiêu thụ mạnh ở Việt Nam và thế giới.

Mỗi tháng xuất ra 1.000 container  bột ngọt và phân bón ra thế giới. “Nếu Cty đóng cửa thì sẽ có phương án gì cho công nhân?”- Một nhà báo hỏi. Ông Chih cho biết: Cá nhân tôi thấy nếu Cty ngưng hoạt động thì ảnh hưởng lớn lắm. Ngoài công nhân còn có nông dân trồng lâm sản... cả thảy có hơn 20 nghìn người liên quan.

Phát hiện ba đường ống xả thải không qua xử lý tại Cty Vedan

Cho đến cuối ngày 20/9, đoàn kiểm tra hệ thống nước xả tại Cty Vedan đã phát hiện tại Cty có đến ba đường ống xả thải không qua xử lý ra sông Thị Vải.

Trong quá trình kiểm tra, lực lượng chức năng đã yêu cầu Cty Vedan vận hành hệ thống van xả nước thải và phát hiện thêm tại cầu cảng số 2 có đường ống xả (trước đây đoàn kiểm tra phát hiện hai đường ống xả) được lắp đặt lẫn lộn trong các đường ống bơm nguyên liệu từ cầu cảng vào các bồn chứa nguyên liệu.

Đoàn kiểm tra đã tăng cường lực lượng bảo vệ và tiếp tục khám nghiệm hiện trường.    

MỚI - NÓNG
Chuyện dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong vượt pháo quân thù tải gạo cho bộ đội Điện Biên
Chuyện dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong vượt pháo quân thù tải gạo cho bộ đội Điện Biên
TPO - Cầu truyền hình "Dưới lá cờ Quyết Thắng" đưa khán giả gặp gỡ những cựu chiến binh, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Ai trong số họ cũng có những câu chuyện đáng nhớ về chiến trường xưa. Những kỷ niệm của họ làm sống dậy cả một thời oanh liệt.
Hà Nội làm tiếp đường trên cao từ Ngã Tư Sở đến Cầu Giấy hơn 8.500 tỷ đồng
Hà Nội làm tiếp đường trên cao từ Ngã Tư Sở đến Cầu Giấy hơn 8.500 tỷ đồng
TPO - Sở GTVT Hà Nội vừa báo cáo thành phố Hà Nội tiến độ lập báo cáo và đề xuất chủ trương đầu tư 10 dự án đầu tư công và 1 dự án tư theo hình thức PPP (đối tác công - tư) để hoàn thiện và thực hiện trong thời gian tới, trong đó có dự án đường trên cao Vành đai 2 từ Ngã Tư Sở đến Cầu Giấy.