Theo thông tin từ ông Hà Anh Tuấn, Trưởng Phòng Quản lý đô thị quận Đống Đa, trong ngày 9/8, lãnh đạo UBND quận Đống Đa, UBND phường Ô Chợ Dừa và các phòng, ban chức năng đã xuống hiện trường khảo sát mức độ nguy hiểm, hướng dẫn thực hiện các biện pháp chống đỡ tạm thời đối với nhà 177 ngõ Quan Thổ 1 và các hộ liền kề bị ảnh hưởng từ sự cố nghiêng lún.
“Tính đến ngày 9/8, đã có 3 hộ dân các số nhà 177, 179, 183 đồng thuận xin tháo dỡ để xây dựng lại. Hiện chỉ còn hộ dân nhà 181 chưa đồng thuận với lý do chưa có điều kiện kinh tế. Trong trường hợp nhà 181 chưa tháo dỡ, việc phá dỡ đối với 3 hộ còn lại vẫn phải tiến hành khẩn trương, vì tình trạng nghiêng rất nguy hiểm.
Nếu nhà 181 không chấp thuận chủ trương di dời, UBND quận sẽ xử lý căn cứ mức độ đánh giá chất lượng để xử lý. Nếu cơ quan chức năng kết luận nhà 181 không đảm bảo an toàn thì buộc phải di dời, tháo dỡ theo quy định”, ông Tuấn nói.
Giải thích về việc để công trình nghiêng lún trong nhiều năm, bà Phạm Đỗ Thanh Thùy, chủ ngôi nhà 177 ngõ Quan Thổ 1 cho biết, gia đình bà và các hộ lân cận biết rõ mức độ nguy hiểm nên gia đình bà đã phải đi thuê nhà ở tạm trên đường Hoàng Quốc Việt với giá 9 triệu đồng/tháng.
Theo lời bà Thùy, bà mua căn nhà số 177 hơn chục năm trước. Đến năm 2002, ngôi nhà có dấu hiệu bị nghiêng và bà đã gửi đơn kiến nghị lên phường Ô Chợ Dừa, hai năm sau là đơn lên quận. Theo yêu cầu của UBND quận Đống Đa, bà đã thuê đơn vị kiểm định độc lập nhưng cũng không được hỗ trợ.
Sau vụ sập biệt thự cổ trên phố Trần Hưng Đạo năm 2015, cả 4 hộ liên quan đều đồng thuận chủ trương phá dỡ, nhưng một lần nữa sự chậm trễ chính quyền phường lại khiến kế hoạch chậm lại. Đến đầu năm 2016, nhà số 181 được bán đi, chủ mới mua không đồng ý với phương án tháo dỡ nên sự việc mới kéo dài như hôm nay. Bà Thùy cho rằng, việc chậm xử lý có một phần trách nhiệm của cơ quan quản lý.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Song Hào, Chủ tịch UBND quận Đống Đa cho biết: “UBND quận đã có báo cáo tình trạng nguy hiểm của nhà 177 ngõ Quan Thổ 1 lên thành phố Hà Nội. Trước mắt, UBND quận và phường tiếp tục đẩy mạnh công tác vận động, tuyên truyền để người dân tự di dời, tự tháo dỡ công trình đảm bảo an toàn cho chính mình và các hộ liền kề. Nếu người dân không tự nguyện, UBND quận sẽ có báo cáo thành phố, đồng thời chỉ đạo phòng, ban chuyên môn lập phương án di dời và phá dỡ theo đúng quy định đối với công trình nguy hiểm trong thời gian sớm nhất.
Ngày 8/8, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Hùng cũng có văn bản chỉ đạo UBND quận Đống Đa khẩn trương thực hiện việc kiểm tra, xử lý theo thẩm quyền đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho các hộ dân, đề xuất báo cáo những vấn đề vượt thẩm quyền trước ngày 12/8.