> Bị sỏi thận, nên kiêng gì?
> Uống trà đá nhiều tăng nguy cơ bị sỏi thận
4 tuổi đã bị sỏi thận
Tiểu rắt nhiều lần kèm đau rát, bé Trần H. N, 4 tuổi ở Phú Yên được các bác sĩ ở bệnh viện tỉnh chẩn đoán viêm đường tiết niệu phải điều trị bằng thuốc.
Tuy nhiên, sau 6 tháng bệnh vẫn không lành, mới đây N. được chuyển đến BV Nhi đồng 2 TPHCM thăm khám. Sau khi được siêu âm, chụp X- quang N. được xác định mắc sỏi thận.
Một viên sỏi khoảng 10x4mm nằm ở vị trí cổ bàng quang làm bít tắc đường thoát của nước tiểu. Bác sĩ Ngô Tấn Vinh- Phó Khoa Thận niệu, BV Nhi đồng 2 TPHCM cho biết so với người lớn, viên sỏi ở N. rất nhỏ.
Tuy nhiên với lứa tuổi trẻ em sỏi như vậy là khá lớn để các em đẩy được ra ngoài. Vì vậy, sỏi cứ kẹt ở bàng quang gây tình trạng bí tiểu cấp, tiểu ra máu do sây sát.
Bệnh nhi N. không phải là trường hợp hiếm gặp. Mới đây, khoa Thận niệu bệnh viện này cũng tiếp nhận 2 trường hợp 9 và 11 tuổi ở Đắk Lắk và TPHCM tình trạng tương tự.
Bác sĩ Vinh cho biết, cháu Lê T.Q. 11 tuổi ở Đắk Lắk được một bệnh viện ở địa phương chẩn đoán sỏi thận 10mm, tuy nhiên sau mổ ở BV Nhi đồng 2 các bác sĩ phát hiện một viên sỏi to 18mm.
Bác sĩ Ngô Tấn Vinh cho biết sỏi thận hiện không còn là căn bệnh mắc phải ở người lớn, nhiều trẻ em cũng gặp. “Sỏi thận ở trẻ em là một bệnh khá hiếm, khoảng 1/1.000-1/7.000 trẻ nhập viện được chẩn đoán sỏi thận. Từ chỉ 1-2 trường hợp được phát hiện đến nay mỗi năm nơi đây tiếp nhận và điều trị khoảng 7 trường hợp sỏi thận, chủ yếu là trẻ ở lứa tuổi từ 4-9 tuổi”- bác sĩ Vinh cho biết.
Nhiều nguy cơ
Ngoài yếu tố di truyền, các chuyên gia về thận niệu cho biết chế độ ăn uống và lối sống cũng là nguyên nhân gây nên tình trạng trẻ bị sỏi thận đang gia tăng hiện nay. Theo bác sĩ Vinh sỏi thận bắt đầu với sự hình thành của các tinh thể kết tủa do thành phần hóa học trong nước tiểu hoặc quá dư hoặc không đầy đủ, đặc biệt khi trẻ nhịn tiểu lâu.
Trẻ em ngày nay không uống nước nhiều và có một chế độ ăn uống quá nhiều muối, làm tăng canxi trong nước tiểu, làm tăng nguy cơ hình thành sỏi thận.
Ngoài ra, bệnh béo phì ở trẻ em gia tăng cũng là nguyên nhân dẫn tới bệnh sỏi thận tăng. Theo bác sĩ Vinh cho biết nhiều trẻ hay bị nhiễm trùng đường tiểu, có bất thường như hẹp đường tiết niệu cũng tạo điều kiện thuận lợi cho việc tạo sỏi.
Triệu chứng thường gặp của sỏi đường tiết niệu là đau vùng hông lưng, tiểu ít, tiểu máu, thậm chí buồn nôn và người nhợt nhạt và ra nhiều mồ hôi. Hiện tượng này thường xuất hiện nhiều ở trẻ gia đình có tiền sử bị bệnh sỏi thận.
Trẻ mắc bệnh này thường dễ bị kích thích, quấy khóc và thường xuyên nhiễm trùng tiểu biểu hiện qua triệu chứng la khóc mỗi lần đi tiểu. Theo các bác sĩ khi bị sỏi thận trẻ bớt hiếu động, hạn chế đi lại hoặc nằm yên tại chỗ.
Mỗi khi phát hiện triệu chứng trên, các bác sĩ khuyên nên đưa trẻ đến các chuyên khoa ở bệnh viện nhi để làm một số xét nghiệm như: thử nước tiểu, thử máu, có thể phải đi siêu âm, chụp phim.
“Để giúp trẻ tránh sỏi thận, cho trẻ uống nhiều nước, đặc biệt là nước đun sôi để nguội và chế độ dinh dưỡng hợp lý”- bác sĩ Vinh khuyên.
Hiện sỏi thận ở trẻ đã được các bệnh viện nhi ứng dụng điều trị bằng các phương pháp nội soi gắp sỏi, tán sỏi ngoài cơ thể… Với việc áp dụng phương pháp mới bệnh nhi sẽ ít đau hơn, không có sẹo, tránh được nhiều biến chứng sau mổ, thời gian nằm viện ngắn và chi phí không cao. |