Sợ sai, sợ đến bao giờ?

0:00 / 0:00
0:00
TP - Vắt từ kỳ họp này, sang kỳ họp khác, tình trạng cán bộ, công chức sợ sai, không dám quyết, dám làm… vẫn là vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm nêu ra tại kỳ họp thứ 7.

Điều này cho thấy, câu chuyện sợ sai vẫn chưa có hồi kết, dù đã có các quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Sợ sai, sợ đến bao giờ? ảnh 1

Đại biểu Quốc hội tham dự kỳ họp thứ 7.

Câu hỏi đặt ra là vì sao tình trạng sợ sai lại kéo dài đến thế? Vì sao cùng một khuôn khổ pháp luật đấy nhưng có địa phương làm tốt, có địa phương lại làm kém? Vì sao cùng là vấn đề giải ngân vốn đầu tư công, có nơi xin cấp thêm vốn, nhưng có nơi lại xin trả lại? Và vì sao cũng là vấn đề đấy, nhưng như Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh phản ánh, trước đây có thể quyết ngay, làm ngay, nhưng giờ lại đi hỏi khắp nơi?

Đặc biệt, vì sao có cơ quan, đơn vị, địa phương vượt qua nỗi sợ, đặt lợi ích của đất nước, của người dân lên trên hết, trước hết, dám quyết, dám làm, dám đổi mới, sáng tạo, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Vậy tại sao có nơi lại có dấu hiệu co cụm lại, thủ thế an toàn…? Phải chăng vì giờ đây, khi công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được đẩy mạnh, thực hiện nghiêm minh, nên “hoa hồng” không còn, dẫn đến cán bộ không có động lực thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao? Hay vì pháp luật chưa đồng bộ, chưa thống nhất, còn những cách hiểu khác nhau, dẫn đến cán bộ sợ rủi ro, sợ vào “lò”?

Một năm trước, tại nghị trường Quốc hội, một đại biểu khi thảo luận đã thốt lên: “Bên trong cán bộ sợ sai, bên ngoài dân chúng thở dài lo âu”. Sự lo âu của người dân là hoàn toàn dễ hiểu, bởi một khi cán bộ sợ sai, không dám quyết, dám làm, thì khi đó sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội; làm lãng phí cơ hội sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp.

Cách đây nửa tháng, thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành Quy định số 144-QĐ/TW Quy định chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên giai đoạn mới. Quy định trên đã nêu rõ: Kiên quyết đấu tranh, phê phán mọi hành vi né tránh, đùn đẩy, hoặc có tư tưởng trung bình chủ nghĩa, làm việc cầm chừng, sợ trách nhiệm, không dám làm.

Do đó, đã đến lúc cần phải thực hiện nghiêm các quy định của Đảng, Nhà nước để đặc trị căn bệnh sợ sai này. Đồng thời, Quốc hội cần phải đánh giá một cách thấu đáo, chỉ rõ nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên. Nếu đó là do cơ chế chính sách pháp luật chưa đồng bộ, thiếu thống nhất, nhiều cách hiểu khác nhau thì phải khẩn trương đề xuất sửa đổi, hoặc giải thích thấu đáo để các cơ quan, đơn vị và mỗi cán bộ, công chức biết mà tuân thủ và thực hiện. Ngược lại, nếu việc sợ sai đó do cán bộ thiếu ý thức, thiếu tinh thần trách nhiệm thì phải có giải pháp để xử lý, thậm chí thay thế…Có thế thì mới hạn chế, tiến tới chấm dứt tình trạng “bên trong cán bộ sợ sai, bên ngoài dân chúng thở dài lo âu”.

MỚI - NÓNG