Ông Đỗ Minh Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá, khẳng định, những ý kiến, kiến nghị của các đại biểu tại kỳ họp rất xác đáng, tâm huyết, với tinh thần trách nhiệm cao.
Ông Đỗ Minh Tuấn cho rằng, trong chỉ đạo, điều hành, triển khai nhiệm vụ, tâm lý né tránh, đùn đẩy, sợ sai là một trong những "điểm nghẽn" thúc đẩy, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
Ông Đỗ Minh Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá, tiếp thu, giải trình các ý kiến, kiến nghị của đại biểu, trong phiên bế mạc chiều 14/12/2023. |
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá Đỗ Minh Tuấn thống nhất quan điểm chỉ đạo, điều hành đó là: “Trách nhiệm, nỗ lực, linh hoạt, quyết liệt, hiệu quả; tạo chuyển biến thực sự rõ nét trên tất cả các lĩnh vực, địa bàn”. Tiếp tục hoàn chỉnh đồng bộ hệ thống thể chế, cơ chế, chính sách; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn, để thúc đẩy phát triển toàn diện trên các lĩnh vực, trọng tâm là: Thủ tục đầu tư kinh doanh, tiếp cận đất đai, giải phóng mặt bằng, giao đất, cho thuê đất, tính tiền sử dụng đất, xử lý tài sản công, tiến độ thực hiện các dự án hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, chất lượng nguồn nhân lực...
Tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư công; sớm phân bổ, giao kế hoạch chi tiết nguồn vốn đầu tư công năm 2024; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, vật liệu san lấp, giá vật liệu xây dựng để triển khai thực hiện các dự án; nâng cao chất lượng và đẩy nhanh tiến độ công tác chuẩn bị đầu tư, nhất là các chương trình, dự án thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, các dự án bảo tồn, tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử, văn hóa...
Các đại biểu tham dự kỳ họp. |
Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá Đỗ Minh Tuấn cũng phân tích các nhóm ý kiến, kiến nghị của cử tri và đại biểu HĐND tỉnh quan tâm gửi tới kỳ họp về phát triển sản xuất; quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; văn hóa - xã hội; cơ chế, chính sách; giáo dục và đào tạo; an ninh - trật tự, an toàn xã hội và một số vấn đề khác.
Toàn cảnh kỳ họp chiều 14/12/2023. |
"Nhiệm vụ năm 2024 đặt ra là hết sức nặng nề và có ý nghĩa rất quan trọng, đòi hỏi các cấp, các ngành và các địa phương phải tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, chung sức, đồng lòng, năng động, đổi mới, sáng tạo, không lùi bước trước khó khăn, thách thức, phải quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt hơn, bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm" - Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá Đỗ Minh Tuấn nhấn mạnh.
Trên cơ sở xem xét, thảo luận các báo cáo, tờ trình và dự thảo nghị quyết do Thường trực HĐND và UBND tỉnh trình tại kỳ họp, HĐND tỉnh Thanh Hoá đã thông qua các nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội, về kế hoạch đầu tư phát triển và phân bổ vốn, về cơ chế, chính sách, về chủ trương đầu tư các dự án, về nhóm nghị quyết thường niên và các nội dung quan trọng khác.
Tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 của tỉnh Thanh Hóa là 14.924,312 tỷ đồng. Trong đó, kế hoạch vốn năm 2023 là 12.505,572 tỷ đồng; kế hoạch vốn năm 2022 được kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân sang năm 2023 là 2.418,739 tỷ đồng. Đến ngày 5/12/2023, giải ngân vốn được 9.921 tỷ đồng, bằng 66,5% kế hoạch. Trong đó giải ngân vốn năm 2023 bằng 70,5% kế hoạch, giải ngân vốn năm 2022 kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân sang năm 2023 bằng 45,5% kế hoạch. Khó khăn, vướng mắc dẫn đến tiến độ giải ngân vốn chậm như: Công tác chuẩn bị thủ tục đầu tư, lựa chọn nhà thầu xây lắp của một số dự án còn chậm; Công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) vẫn còn vướng mắc ở nhiều dự án làm chậm và ảnh hướng đến tiến độ thực hiện; Tiến độ thi công của nhiều dự án chuyển tiếp còn chậm so với tiến độ thực hiện và hợp đồng thi công đã ký...