Mãi tới đầu những năm 90 thế kỷ trước, trong giai đoạn “cải tổ và công khai” do người đứng đầu Điện Kremlin Mikhail Gorbachev khởi xướng, qua các tài liệu được giải mật từ Cục Lưu trữ Xôviết cho thấy “Graf Zeppelin” đã bị quân Đức cố tình đánh đắm trước khi đầu hàng quân Đồng minh.
“Kho báu cuối cùng của Hiler”
Ngay từ năm 1935, tức là 4 năm trước khi Thế chiến II bùng nổ, tên trùm phát xít Adolf Hitler đã bày tỏ tham vọng làm "bá chủ đại dương", dọn đường cho mưu đồ thống trị thế giới sau này. Muốn vậy phải tăng cường sức mạnh cho Hải quân Quốc xã bằng đội tàu sân bay trang bị vũ khí hùng hậu.
Chương trình đóng những cỗ hàng không mẫu hạm đầu tiên đã được Hitler chính thức thông qua trong phiên họp nội các cuối cùng của năm 1936.
Hàng không mẫu hạm "Công tước Zeppelin" trên âu tàu trước khi hạ thủy, nhưng không bao giờ được chính thức cho tham chiến. (ảnh tư liệu trong hồ sơ lưu trữ).
Đầu năm 1938, Thủy sư Đô đốc kiêm Tư lệnh Kriegsmarine (Hải quân phát xít) Eric Raeder trình lên Văn phòng Quốc trưởng bản tường trình chi tiết mang mật danh "Kế hoạch Z", dự kiến cho hạ thủy 4 chiếc tàu sân bay trong vòng 7 năm.
Ngày 8/12/1938, cỗ hàng không mẫu hạm đầu tiên chính thức được hạ thủy. Nó dài 262,5m cùng lượng rẽ nước 33.500 tấn, có thể chứa 43 máy bay trên boong với 1.720 lính thủy và 306 phi công cùng thợ kỹ thuật không quân.
Con tàu đồ sộ này mang tên "Graf Zeppelin" để tưởng nhớ Công tước Ferdinand von Zeppelin (1838-1917), người sáng lập hãng sản xuất khinh khí cầu hiệu Zeppelin nổi tiếng của Đức. Còn chiếc thứ hai theo dự kiến sẽ được đặt tên là "Peter Strasser"…
Nhưng kế hoạch Z đột nhiên bị ngưng trệ do sự bất đồng sâu sắc trong giới lãnh đạo quân sự chóp bu. Như biên bản các cuộc hội nghị tối mật về Hải quân Đức được tìm thấy sau Thế chiến II, thì Thống chế Herman Goering, Tư lệnh Luftwaffe (Không quân phát xít) thường ra sức phản bác chiến lược "can thiệp thô bạo" của hải quân vào nhiệm vụ của không quân - qua sự hiện diện của các cỗ tàu sân bay.
Còn Đô đốc Karl Donitz, Tư lệnh Hạm đội tàu ngầm lại cho rằng đó là một chương trình "quá tốn kém dễ làm suy giảm tiềm lực quốc phòng của đất nước".
Riêng "cha đẻ của tàu sân bay Đức" E.Raeder vẫn khăng khăng bám lấy luận điểm của mình…
Để tránh việc nội bộ bất hòa trước tình hình chiến trường ngày một tồi tệ, năm 1943 Hitler đã cách chức Đô đốc Raeder và bổ nhiệm Đô đốc Donitz thay thế; đồng nghĩa với kế hoạch Z bị phá sản.
Vũ khí trang bị trên "Graf Zeppelin" - khi ấy vẫn nằm trong biên chế của lực lượng Tổng dự bị Đức - được tháo ra bàn giao lại cho Bộ Tư lệnh Pháo binh đang phòng thủ vùng duyên hải Na Uy.
Còn cỗ hàng không mẫu hạm đầu tiên và duy nhất của quân đội Quốc xã được một toán đặc nhiệm SS đánh chìm tại bãi nước cạn gần Quân cảng Stettin (nay là Hải cảng Szczecin thuộc Cộng hòa Ba Lan) vào ngày 25/4/1945, trước khi Hồng quân Xôviết tiến vào tiếp quản vùng này.
Căn cứ nổi PO -101 bên ngoài quân cảng Leningrad.
Điều khó lý giải là kể từ sau ngày Đức Quốc xã bại trận, chiếc "Graf Zeppelin" vốn được giới sử gia quân sự phương Tây mỉa mai là "kho báu cuối cùng của Hitler" bỗng dưng… "bặt vô âm tín".
Tình báo Anh cho rằng Hồng quân Liên Xô đã trục vớt và sửa sang lại, biến thành tàu vận tải chuyên chở chiến lợi phẩm từ Đức và Ba Lan về Nga. Còn phản gián Mỹ lại quả quyết, chiếc "Công tước Zeppelin" bị trúng thủy lôi tại vịnh Rugen vào ngày 15/8/1947, khi đang trên đường được tàu khu trục của Hải quân Xôviết kéo về Quân cảng Leningrad…
Chỉ tới khi các tài liệu lưu trữ tại Moscow được giải mật, sự thật mới được làm sáng tỏ. Quả đúng là sau khi chiếm được Quân cảng Stettin, người Nga đã kéo "kho báu cuối cùng của Hitler" về Leningrad (Saint Petersburg hiện nay), neo lại dưới tên gọi "Căn cứ nổi số 1", hay mật danh PO -101 trong hồ sơ quân sự, nhằm phục hồi nguyên trạng đúng tính năng vốn có ban đầu.
Vị trí đắm của "Graf Zeppelin" được xác định qua màn hình radar trên tàu ORP Arctowski.
Nhưng chiểu theo một thỏa ước quốc tế được lãnh đạo các nước thắng trận thuộc phe Đồng minh ký ngày 15/8/1946, thì tất cả tàu bè của phe Trục thuộc hạng C (đã hư hỏng hoặc bị mắc cạn) đều phải được phá hủy hoặc nhấn chìm dưới lòng nước sâu, nên Hải quân Xôviết thừa lệnh từ Đại Nguyên soái, Tổng Tư lệnh Iozef Stalin đã kéo "Graf Zeppelin" trở lại vùng biển Ba Lan.
Đúng một năm sau, ngày 15/8/1947, một phi đội thuộc Hạm đội Biển Bắc tiến hành ném xuống boong tàu 24 trái bom lớn nhỏ khác nhau mà vẫn không chìm. Cuối cùng, một toán đặc công nước phải cho phát hỏa cùng lúc 2 quả ngư lôi công suất cực lớn dưới đáy tàu mới khiến nó chìm hẳn. Nhưng sơ đồ mô tả tọa độ vị trí nơi "Graf Zeppelin" bị Hải quân Xôviết đánh đắm đột nhiên thất lạc…
Mùa hè năm 2006, một nhóm thợ lặn thuộc Công ty Petrobaltic chuyên thăm dò dầu khí ven thềm lục địa Ba Lan, đã tình cờ phát hiện ra những mảnh vỡ thuộc chiếc tàu sân bay cũ dưới lòng biển sâu 80m, cách hải cảng Gdansk 38 hải lý về phía bắc. Tin tức được thông báo về Warsaw.
Ngày 26/7/2006, tàu thăm dò ORP Arctowski của Hải quân Ba Lan được phái tới hiện trường và xác nhận đó chính là "kho báu cuối cùng của Hitler". Ngay sau khi chiếc "Graf Zeppelin" được phát hiện, Hãng tin DPA dẫn một nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Đức khẳng định, rằng Chính phủ Berlin sẽ không đòi quyền sở hữu cái gọi là "kho báu cuối cùng của Hitler".
Về phần chính giới Warsaw cũng đồng nhất với quan điểm rằng, nước Nga với tư cách thừa kế hợp pháp của Liên bang Xôviết trước đây, sẽ có toàn quyền định đoạt số phận con tàu đồ sộ đang nằm dưới đáy biển Baltic.
Bản vẽ thiết kế phi cơ tàng hình Ho-229.
Washington làm chủ công nghệ máy bay tàng hình nhờ HO-229 của không quân phát xít Đức
Sau khi đã chinh phục gần như trọn vẹn Âu lục, quân đội Đức vấp phải sự kháng cự bất ngờ trong các cuộc không kích nước Anh, do đối phương đã cải tiến loại radar mới phát hiện mọi vật thể đang bay đến gần. Ban lãnh đạo Quốc xã liền nghĩ đến việc chế ra loại máy bay cường kích mới hòng khuất phục người Anh.
Thống chế Hermann Goering - Tư lệnh lực lượng Không quân phát xít (Luftwaffe) - liền yêu cầu Công ty GWF, hãng sản xuất máy bay quân sự chủ yếu lúc ấy phải chế tạo loại phi cơ có thể ném bom Bộ chỉ huy quân Đồng minh đồn trú trên đất Anh, gây bất ngờ cho địch quân cùng những tổn thất nặng nề.
Dựa trên bản thiết kế của cặp kiến trúc sư hàng không hàng đầu, cũng là 2 anh em Reimar và Walter Horten cho phép phi cơ hiệu Ho-229 mang được tới 1 tấn bom, có thể bay với vận tốc 1.000km/giờ ở độ cao 15km.
Chuyến bay đầu tiên do Luftwaffe thực hiện.
Điểm đặc biệt nữa lần đầu tiên công nghệ tàng hình được áp dụng trên cỗ cường kích phản lực có tầm hoạt động trên 1.000 cây số này, khiến radar đối phương không thể dò tìm ra giúp lực lượng phòng thủ kịp phản ứng hữu hiệu.
Công ty GWF đã sản xuất và cho thử nghiệm kiểu phi cơ Ho-229 V1 mang hình dáng khí động học tối ưu vào đầu tháng 3/1943, hoàn toàn có thể thay thế loại máy bay ném bom Junkers Jumo 004B có cùng vận tốc nhưng tiêu tốn nhiên liệu quá mức.
Đến cuối năm 1944, GWF cho xuất xưởng loại phi cơ cải tiến Ho-229 V2, với tính năng vượt trội được so ngang loại tiêm kích nổi tiếng Me-262.
Hơn 3 tháng sau xuất hiện chiếc Ho-229 V3 khắc phục các khiếm khuyết từ các kiểu trước đấy, đáp ứng hoàn hảo cả 2 nhiệm vụ tấn công cũng như phòng thủ tầm xa, nhưng chưa kịp đưa vào sản xuất hàng loạt thì quân Đức thất trận.
Nhằm khai thác các kỹ thuật quân sự tiên tiến của đối phương, một nguyên mẫu Ho-229 V3 đã được chở về Mỹ làm dấy lên nghi vấn, rằng Washington làm chủ công nghệ tàng hình hiện nay dựa trên mô hình Ho-229 của quân Đức phát xít.
Tháo dỡ Ho -229 V3 cho mục đích nghiên cứu ở Mỹ.
Quả thực là trong thời gian gần đây dựa trên bản vẽ duy nhất còn giữ được trong kho lưu trữ từ Thế chiến II, các chuyên gia của Công ty Northrop Grumman của Mỹ đã tái dựng mô hình chiếc phi cơ ném bom phản lực hiệu Ho-229, nhằm xác định khả năng tàng hình đích thực từ phương tiện bay hiện đại nhất của Luftwaffe.
Kết quả so với thế hệ radar cùng thời thì phi cơ cường kích Ho-229 có đến 80% thành phần không hấp thụ sóng điện từ, nghĩa là không xuất hiện trên màn hình hiển thị radar. Chương trình thể nghiệm này đã được phát trên kênh truyền hình National Geographic ở Mỹ nhân kỷ niệm 70 năm kết thúc Thế chiến II.
Được biết, Northrop Grumman cũng là hãng thiết kế và chế tạo kiểu phi cơ ném bom chiến lược tàng hình B -2A tối tân nhất thế giới, cùng giá thành lên tới hơn 1 tỉ USD mỗi chiếc.