'Điểm danh' 10 vũ khí đầy tham vọng của phát xít Đức

Những năm cuối Thế chiến 2, các chuyên gia quân sự phát xít Đức tạo ra nhiều loại vũ khí uy lực nhằm chống lại quân đội đồng minh nhưng chúng không đủ để lật ngược thế cờ.
'Điểm danh' 10 vũ khí đầy tham vọng của phát xít Đức ảnh 1

Fritz X được coi là tổ tiên của các loại bom thông minh ngày nay. Dự án bí mật của quân đội Hitler tạo ra bom dẫn đường bằng sóng radio, cho phép tấn công những mục tiêu được bảo vệ nghiêm ngặt như tàu chiến và tuần dương hạm hạng nặng của quân đồng minh. Loại vũ khí này được triển khai gần đảo Malta và Sicily, ngoài khơi Italy năm 1943 và đã chứng minh hiệu quả. USS Savannah, chiến hạm hạng nhẹ của Mỹ trở thành sắt vụn sau khi trúng một quả bom loại này dù vừa góp mặt trong biên chế chiến đấu một năm trước đó.

'Điểm danh' 10 vũ khí đầy tham vọng của phát xít Đức ảnh 2

Nhà vật lý Đức Hermann Oberth đưa ra khái niệm về súng mặt trời năm 1929. Ông thiết kế một trạm vũ trụ với tấm gương cầu lõm đường kính 100 m. Nó được sử dụng để phản chiếu ánh sáng mặt trời hội tụ vào một điểm trên trái đất. Trong chiến tranh, các nhà khoa học quân sự Đức Quốc xã mở rộng học thuyết của Oberth nhằm tạo ra một khẩu súng mặt trời, đủ đun sôi đại dương hoặc thiêu rụi một thành phố. Tuy nhiên, dự án này chưa được thực hiện.

'Điểm danh' 10 vũ khí đầy tham vọng của phát xít Đức ảnh 3

Pháo âm thanh là ý tưởng dùng âm lượng lớn gây sát thương cho đối thủ. Nó bao gồm buồng đốt hỗn hợp khí metan và oxy cùng chảo hướng âm, có khả năng sát hại mục tiêu trong phạm vi 50 m. Tuy nhiên, dự án bị hủy dù đã được thử nghiệm trên động vật. Các chuyên gia nhận định, kẻ thù dễ dàng vô hiệu hóa vũ khí này bằng cách bắn vào chảo hướng âm.

'Điểm danh' 10 vũ khí đầy tham vọng của phát xít Đức ảnh 4

Pháo phòng không Whirlwind hoạt động theo cơ chế dùng hơi nén để hạ gục mục tiêu. Nó là sản phẩm của tiến sĩ Zippermeyer, một nhà phát minh người Áo đầu quân cho Đức Quốc xã. Khẩu pháo bao gồm buồng đốt và vòi phun đặc biệt. Áp lực được sinh ra từ các vụ nổ trong buồng đốt được dẫn tới vòi phun để hướng về mục tiêu. Trong các lần thử nghiệm, vũ khí này phá nát một tấm gỗ ở khoảng cách gần 200 m. Tuy nhiên, nó nhanh chóng tỏ ra kém hiệu quả đối với các mục tiêu bay trên cao.

'Điểm danh' 10 vũ khí đầy tham vọng của phát xít Đức ảnh 5

Đức quyết định chế tạo bom nảy sau khi thu được một vũ khí tương tự của Anh nhằm tấn công các mục tiêu bị chướng ngại vật bao quanh. Các phi công sẽ tính toán vị trí thả bom để nó nảy trên mặt đất hoặc mặt nước trước khi nổ ở nơi họ muốn. Tuy nhiên, bom nảy của Đức không đạt hiệu quả tác chiến như mong đợi. Dự án bị hủy năm 1944.

'Điểm danh' 10 vũ khí đầy tham vọng của phát xít Đức ảnh 6

Horten Ho 229 được coi là máy bay ném bom tàng hình đầu tiên trên thế giới. Nó sở hữu thiết kế khác biệt hơn so với máy bay cùng thời. Trong chuyến bay thử nghiệm đầu tiên, Ho 229 nhanh chóng chứng tỏ khả năng ưu việt. Tuy nhiên, mẫu phi cơ này ra đời quá muộn nên không thể giúp Đức thay đổi cục diện chiến tranh. Lần cất cánh đầu tiên của nó diễn ra trong năm 1944, không lâu trước khi Đức đầu hàng.

'Điểm danh' 10 vũ khí đầy tham vọng của phát xít Đức ảnh 7

Schwerer Gustav là khẩu pháo lớn nhất từng được chế tạo trong lịch sử loài người. Nó nặng 1.350 tấn, có khả năng bắn viên đạn 7 tấn qua khoảng cách 47 km. Trọng lượng khẩu pháo quá lớn khiến người ta phải xây dựng đường ray để nó di chuyển. Vũ khí này từng tham gia nhiều trận đánh trên khắp châu Âu.

'Điểm danh' 10 vũ khí đầy tham vọng của phát xít Đức ảnh 8

Panzer VIII Maus vẫn là cỗ xe tăng lớn nhất con người từng chế tạo, được hoàn thiện cuối năm 1944. Nó nặng 188 tấn với nhiều loại vũ khí nằm quanh thân. Tuy nhiên, người Đức không thể tạo ra động cơ đủ lớn để giúp quái vật này vận hành linh hoạt. Nguyên mẫu Maus chỉ có thể chạy với vận tốc 13 km/h thay vì 20 km/h như mong đợi. Chi phí xây dựng tốn kém khiến dự án bị đình chỉ với 2 nguyên mẫu ra đời.

'Điểm danh' 10 vũ khí đầy tham vọng của phát xít Đức ảnh 9

“Bọ xe tăng” là những cỗ máy bánh xích tí hon, hoạt động nhờ điều khiển thông qua dây cáp. Chúng có khả năng mang 100 kg thuốc nổ để tấn công xe tăng, xe bọc thép của đối phương hay các đoàn quân. Phương tiện này có khả năng di chuyển với vận tốc 10 km/h. Tuy nhiên, quân đồng minh có thể vô hiệu hóa chúng bằng cách cắt dây điện.

'Điểm danh' 10 vũ khí đầy tham vọng của phát xít Đức ảnh 10

Sturmgewehr 44 hay STG 44 được coi là súng trường tấn công đầu tiên trên thế giới. Súng AK-47 huyền thoại của Liên Xô hay M16 của Mỹ đều được phát triển dựa trên thiết kế của STG 44. Hitler rất ấn tượng với khẩu súng nhưng STG 44 ra đời quá muộn. Quân đội Đức không thể lật ngược thế cờ dù sở hữu loại vũ khí uy lực, có khả năng hoạt động tốt trong đêm nhờ hệ thống kính ngắm hồng ngoại.

Theo Theo Zing
MỚI - NÓNG