Sở GTVT TP HCM tự ra quy định “siết” xe khách?

Quy định siết chặt phù hiệu xe hợp đồng của Sở GTVT TPHCM được cho là trái quy định của Bộ GTVT. Ảnh minh họa chụp tại Bến xe Miền Tây – TP HCM
Quy định siết chặt phù hiệu xe hợp đồng của Sở GTVT TPHCM được cho là trái quy định của Bộ GTVT. Ảnh minh họa chụp tại Bến xe Miền Tây – TP HCM
TPO - Một số doanh nghiệp vận tải tại TP HCM vừa phản ánh về việc Sở GTVT TPHCM ra văn bản “siết” xe khách được cho là trái quy định của Bộ GTVT, gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Theo văn bản số 3689/TB-SGTVT do Phó GĐ Sở GTVT TP HCM Lê Hoàng Minh ký ban hành, yêu cầu thu hồi tất cả phù hiệu xe hợp đồng cấp cho xe khách chạy tuyến cố định trước ngày 1/6 tới. Sau thời hạn này, nếu doanh nghiệp không chấp hành sẽ không được vào bến đón khách. 

Ngoài ra, văn bản này quy định, nếu doanh nghiệp hoạt động tuyến cố định muốn chở khách theo hợp đồng phải nộp lại phù hiệu chạy tuyến cố định; khi muốn quay lại chạy tuyến cố định phải nộp lại phù hiệu xe hợp đồng.

Sau khi tiếp nhận văn bản này, một số doanh nghiệp vận tải tại TP HCM phản ánh đến Tiền Phong cho rằng, Sở GTVT địa phương này duy ý chí và làm trái với quy định hiện hành, gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Cụ thể, Thông tư 63/2014 của Bộ GTVT (về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ) quy định: "Xe đang khai thác vận tải hành khách tuyến cố định, nếu có nhu cầu vận chuyển hành khách theo hợp đồng thì doanh nghiệp, hợp tác xã có văn bản gửi Sở GTVT đề nghị cấp phù hiệu xe hợp đồng và cam kết bằng văn bản đảm bảo chạy xe theo phương án khai thác tuyến cố định”.

Thông tư này cũng quy định trường hợp phải nộp lại phù hiệu xe hợp đồng đã cấp cho xe tuyến cố định; nhưng chỉ thu hồi khi thời hạn phù hiệu hết hiệu lực, không đột ngột như quyết định của Sở GTVT TP HCM.

Trao đổi với Tiền Phong, ông Lê Hoàng Minh thừa nhận, quy định hiện hành không cấm xe khách được cấp cùng lúc cả phù hiệu xe hợp đồng và phù hiệu tuyến cố định. "Nếu có cả hai loại phù hiệu, khi ít khách, doanh nghiệp chạy tuyến cố định có thể chạy thêm các tuyến xe hợp đồng. Tuy nhiên, thực tiễn tại TP HCM có quá nhiều xe trá hình nên chúng tôi đưa ra quy định này để siết chặt. Việc này, chúng tôi cũng đã báo cáo Tổng Cục Đường bộ” – ông Minh nói.

Ông Minh cũng thừa nhận, việc siết chặt phù hiệu xe hợp đồng sẽ giúp chấn chỉnh xe hợp đồng nhưng sẽ có ảnh hưởng đến một số doanh nghiệp. Về thời hạn thu hồi phù hiệu, ông Minh hứa sẽ xem xét lại văn bản, điều chỉnh thời gian thu hồi phù hiệu xe hợp đồng để giảm thiểu ảnh hưởng cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, ông Minh có lẽ quên rằng, tại mỗi địa phương có đầy đủ lực lượng chức năng để giám sát và xử lý xe khách trá hình. Vấn đề là những lực lượng này đã làm hết trách nhiệm hay chưa. Điển hình, như trước đây, trên đường Lê Hồng Phong (quận 5, TP HCM) ngay trước trụ sở Thanh tra GTVT (Sở GTVT TP HCM) tồn tại nhiều điểm xe khách trá hình. Sau này, một số tuyến đường nội đô TP HCM cắm biển cấm xe khách từ 9 chỗ trở lên dùng đỗ, nhưng vẫn chưa triệt để.

Trao đổi với Tiền Phong, Tổng cục trưởng Đường bộ Nguyễn Văn Huyện xác nhận việc đồng ý về chủ trương cho phép TP HCM thực hiện siết chặt việc quản lý phù hiệu xe hợp đồng. Ông Huyện cho biết, quy định này sẽ được thể hiện rõ trong Nghị định kinh doanh vận tải sửa đổi mà Tổng cục đang chủ trì soạn thảo. "Dù các doanh nghiệp có thiệt một số chuyến xe hợp đồng nhưng tới đây, chúng tôi sẽ kiên quyết chỉ cấp mỗi xe một loại phù hiệu để tránh xe chạy trá hình”, ông Huyện cho biết.

MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.