Xe buýt có khoang chở hàng chưa phù hợp
Hiện trung chuyển giữa trung tâm Hà Nội với sân bay Nội Bài có hai tuyến buýt là 07 và 17. Sau khi tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài (đường Võ Nguyên Giáp) được thông xe, tháng 5/2015 lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội còn yêu cầu Sở GTVT xây dựng phương án mở thêm ba tuyến buýt mới để phục vụ nhân dân. Điều đáng chú ý, ba tuyến buýt này được lãnh đạo thành phố Hà Nội lưu ý phải có khoang chở hành lý của hành khách. Tuy nhiên tháng 12/2015, Sở GTVT Hà Nội lại trình UBND thành phố đề xuất cho doanh nghiệp (DN) tư nhân triển khai ba tuyến trên bằng xe khách từ 29 đến 45 chỗ ngồi bằng hình thức không trợ giá (Tiền Phong ngày 7/4 đã thông tin).
“Tại thời điểm này, phương án mở tuyến buýt có khoang chở hành lý phục vụ nhân dân đi lại giữa trung tâm Hà Nội với sân bay Nội Bài là chưa phù hợp”.
Ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội
Lý giải về thay đổi trên, trong công văn báo cáo UBND thành phố Hà Nội mới đây, ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho rằng, thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố, Sở GTVT đã phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng phương án; cùng với đó Sở GTVT Hà Nội cũng có văn bản đề xuất Bộ GTVT cho phép sử dụng loại xe buýt có khoang chứa hành lý cho hành khách.
Tuy nhiên, sau đó Bộ GTVT có văn bản số 14288/BGTVT-VT cho biết: Xe buýt vừa chở khách vừa có khoang riêng để chở hành lý là phải cải tạo tăng kích thước khoang chở hàng, do vậy cần xem xét để phù hợp với quy định hiện hành, đồng thời Bộ GTVT đề nghị Sở GTVT Hà Nội nghiên cứu đề xuất phương án tổ chức thí điểm theo loại hình khác để đảm bảo tính phù hợp.
“Như vậy, tại thời điểm này, phương án mở tuyến buýt có khoang chở hành lý phục vụ nhân dân đi lại giữa trung tâm Hà Nội với sân bay Nội Bài là chưa phù hợp”, ông Linh nhấn mạnh.
Mỗi ngày thêm 600/lượt xe khách vào nội đô
Theo phương án các DN đã trình Sở GTVT Hà Nội, DN sẽ thực hiện thí điểm đề án từ nay đến năm 2018. Lộ trình thực hiện được chia làm 2 giai đoạn; giai đoạn 1, các DN sẽ đưa từ 10 đến 12 xe trên mỗi tuyến vào hoạt động với khoảng 102 lượt xe chạy mỗi ngày; giai đoạn 2 nâng lên 18 đến 22 xe với 206 lượt xe chạy trên tuyến mỗi ngày. Như vậy sau khi đi vào hoạt động, tổng cộng sẽ có từ 300 đến 600 lượt xe khách chạy vào khu vực nội đô Hà Nội/ngày.
Trước băn khoăn của dư luận về việc có nhiều lượt xe khách chạy vào nội đô sẽ gây ảnh hưởng đến giao thông, gây nhếch nhác đô thị, cùng với đó giá vé do DN tự khai thác, tự đưa ra sẽ không ổn định, ông Đào Hoàng Thanh, Phó Giám đốc Cty Liên doanh Vận chuyển Quốc tế Hải Vân - đơn vị thực hiện Đề án tuyến xe khách lộ trình Nội Bài - Công viên Thống nhất cho rằng, việc đưa các dòng xe khách từ 29 đến 45 chỗ cho lộ trình Nội Bài - Trung tâm Hà Nội sẽ giúp thành phố giảm được xe cá nhân, ùn tắc chứ không phải làm tăng lượng phương tiện trên đường.
Ông Nguyễn Hồng Hải, Giám đốc Cty CP Dịch vụ Taxi ABC - đơn vị thực hiện Đề án tuyến xe khách lộ trình Nội Bài - Bến xe Nước Ngầm thì so sánh: “Một xe khách hoạt động chỉ chiếm diện tích đường tương đương hai xe taxi, trong khi nếu chở đầy khách hai taxi là 8 người, còn xe khách từ 29 đến 45 người. Như vậy phương tiện nào sẽ giúp thành phố giảm bớt xe cá nhân, ùn tắc”.
Về hoạt động, quản lý ông Đào Hoàng Thanh, cho rằng, xe có trang bị đầy đủ thiết bị công nghệ để cơ quan điều hành và quản lý theo dõi, giám sát. Hơn nữa, đây là xe hoạt động có luồng tuyến, giờ giấc, lịch trình theo tiêu chuẩn sân bay nên sẽ không có chuyện xe “rùa bò” như khu vực trước các bến xe hiện nay. Với giá vé, đại diện Sở GTVT Hà Nội cho biết, các đơn vị tham gia thống nhất, áp dụng giá đồng hạng là 40.000 đồng/hành khách/lượt, giá này chỉ bằng 20 - 30% so với giá cước đi taxi, xe hợp đồng.