Phát biểu đề dẫn tại tổ thảo luận số 7, chị Nguyễn Phương Thảo- Phó Bí thư Tỉnh Đoàn, Chủ tịch Hội sinh viên tỉnh Quảng Ninh nhấn mạnh, các thành viên tổ thảo luận cần tập trung nghiên cứu, phân tích sâu về giải pháp về tuyên truyền, giáo dục giá trị văn hóa, bản sắc và truyền thống dân tộc, giải pháp trong công tác nắm bắt tình hình tư tưởng, các nhu cầu hưởng thụ văn hóa, thị hiếu thẩm mỹ của sinh viên.
Chủ trì tổ thảo luận hy vọng, các mô hình hay, cách làm hiệu quả tại đơn vị góp phần giúp sinh viên tiếp cận và yêu thích các giá trị văn hóa truyền thống, từ đó đưa ra những kiến nghị, đề xuất với Đảng, các cơ quan Nhà nước.
Tổ thảo luận số 7 với chủ đề Sinh viên giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc diễn ra tại Đại học Kinh tế Quốc dân. |
Chị Bạch Thị Phương Anh - Phó Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam tại Hàn Quốc, cho biết, hằng năm có khoảng 76.000 du học sinh Việt Nam tại Hàn Quốc, gồm sinh viên đại học, sau đại học. Với số lượng du học sinh đông đảo, các hoạt động văn hóa, giao lưu, gợi nhớ cội nguồn cũng được tổ chức nhiều hơn.
Chị Nguyễn Phương Thảo - Phó Bí thư Tỉnh Đoàn, Chủ tịch Hội SVVN tỉnh Quảng Ninh và anh Thôi Đại Việt - Phó Bí thư Tỉnh Đoàn, Chủ tịch Hội SVVN tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chủ trì thảo luận |
“Các ngày lễ lớn của Việt Nam như Tết Nguyên đán, Trung thu... luôn được quan tâm tổ chức dành cho các du học sinh Việt tại Hàn Quốc. Trong các ngày lễ đó, nếu thành viên không thể tham dự, chúng tôi cũng gửi quà cho các bạn qua chi hội của các trường đại học”, Bạch Thị Phương Anh chia sẻ.
Chia sẻ về những hoạt động giữ gìn, phát huy bản sắc dân tộc tại các trường đại học, chị Nguyễn Lê Việt Hà - Phó Bí thư Liên chi đoàn khóa D47, Đoàn Thanh niên Học viện Cảnh sát nhân dân cho biết, Học viện Cảnh sát nhân dân thường xuyên tổ chức các buổi thực tế tại các địa chỉ đỏ về văn hóa, lịch sử ở các địa phương như Hải Dương, Nghệ An, Hà Tĩnh...
Các đại biểu sinh viên chia sẻ quanh chủ đề Sinh viên giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc. |
Bên cạnh những chuyến đi thực tế, công tác nghiên cứu khoa học gắn với các hoạt động văn hóa, lịch sử luôn được quan tâm, đề cao. Chị Hà nêu ví dụ về nghiên cứu khoa học về thời Lý - Trần đã đạt giải Nhất cuộc thi nghiên cứu khoa học cấp viện.
Trong bối cảnh hội nhập, giới trẻ được tiếp cận nhiều thông tin, tiếp xúc du nhập với nhiều nền văn hóa trên thế giới. Trước những lo ngại hòa nhập và bị “hòa tan”, chị Nguyễn Thị Uyên - Chủ tịch Hội Sinh viên trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG -HCM) khẳng định, hiện nay các bạn trẻ, đặc biệt là các bạn sinh viên đã và đang rất quan tâm đến việc giữ gìn và phát huy nét nền văn hóa truyền thống của Việt Nam ta.
Nhiều đại biểu sinh viên khẳng định ngày càng nhiều người trẻ quan tâm đến việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc. |
“Điều đó được thể hiện rõ ràng qua việc các sinh viên luôn cố gắng đem chữ viết, ngôn ngữ tiếng Việt, nét văn hóa truyền thống của ta đến bạn bè quốc tế. Không chỉ biết nói Xin chào, nhiều bạn quốc tế cũng biết cách dùng đũa, biết về văn hóa mời cơm...”, Nguyễn Thị Uyên nêu.
Ngoài việc lan tỏa, nhiều bạn trẻ còn cố gắng tìm về những cái nét văn hóa truyền thống xa xưa và đưa những nét truyền thống đó lan trở lại đời sống và thậm chí lan tỏa ra quốc tế.
Tổ thảo luận nhận về tổng cộng 15 ý kiến của các đại biểu xoay quanh vấn đề giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc. Các ý kiến phát biểu đều được ban chủ tọa ghi nhận và đưa vào góp ý Văn kiện Đại hội.